Mạo danh xác nhận?
Tại thôn Kim Thượng, PV đã có cuộc tiếp xúc với rất nhiều người cao niên trên địa bàn, sống cùng thời với mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hân.
Trao đổi với PV, cụ Nguyễn Thị Năm (SN 1929, thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, Sóc Sơn) xác nhận, mảnh đất bà Năng đang đứng tên sổ đỏ, cụ Hân đã sinh sống ở đó trước khi mất.
Các nhân chứng khẳng định, diện tích đất của nhà bà Năng đang ở là diện tích mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hân được cấp và sinh sống trước khi mất. Ảnh Hòa Nguyễn
“Ngày xưa bà Hân là cán bộ cốt cán, sau cải cách được chia đất. Sau khi đổi đất làm nhà trẻ thì được cấp mảnh đất hiện tại gia đình nhà bà Năng đang sinh sống” – cụ Năm nói.
Một vị cao niên khác là cụ Nguyễn Thị Soạn (SN 1938, thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ) cũng xác nhận với Dân Việt, mảnh đất mà gia đình bà đang sống, trước đây đã được cấp cho mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hân.
“Mảnh đất nhà tôi đang ở hiện nay ngày xưa chính quyền cấp cho nhà bà Hân. Sau đó giặc bắn phá, chính quyền chuyển nhà trẻ vào đây, bà Hân được cấp đổi ra một mảnh đất khác. Sau này khi có điều kiện, chúng tôi đã mua lại mảnh đất này để sinh sống” – cụ Soạn nói.
Theo cụ Soạn, do ngày xưa khi còn ít người ở, cụ chỉ nhớ mẹ Hân được cấp đổi sang một mảnh ruộng chưa có ai ở. Nhưng cụ Soạn khẳng định chắc chắn, cụ Hân đã được chính quyền cấp đổi cho một mảnh đất khác sau khi nhường mảnh đất bà đang ở để làm nhà trẻ những năm chiến tranh.
Ông Dương Thanh Giảng (SN 1950, thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, Sóc Sơn) cho biết, mảnh đất hiện tại gia đình bà Năng đã làm sổ đỏ và đang ở chính là mảnh đất cụ Hân đã sinh sống trước khi mất.
“Năm 1966, tập thể có nhu cầu sử dụng ngôi nhà bà Hân được cấp để giữ trẻ cho xã viên, cho lao động, thì người ta hoán đổi cho bà cụ ra ngoài chỗ nhà bà Năng đang ở bây giờ. Nhà tôi chuyển ra địa điểm bây giờ năm 1972, chuyển sau đất của bà Hân” – ông Giảng khẳng định.
Ở một diễn biến khác, liên tục khẳng định với PV, rằng chắc chắn mình chưa bao giờ ký tá hay làm bất cứ một thủ tục xác nhận nào cho gia đình bà Nguyễn Thị Năng để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Bùi Thị Thanh – Trưởng thôn Kim Thượng khóa 2006 – 2008 cũng không hiểu tại sao mình lại có tên trong phần xác nhận của thôn vào biên bản họp gia đình của bà Năng.
Vị nguyên trưởng thôn này khẳng định, bà sẽ xác nhận sự việc này với cơ quan chức năng khi được yêu cầu để chứng minh cho mình.
Đúng quy trình
Trong buổi làm việc với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Son – Cán bộ địa chính – xây dựng xã Kim Lũ và cũng là cán bộ có mặt trong 7 người của hội đồng xét duyệt năm 2008 của xã Kim Lũ cho biết, gia đình ông Sửu đã nhầm về mảnh đất mẹ Hân được cấp nhiều năm trước.
“Đất ông Sửu đang ở bây giờ mới là đất các cụ để lại. Ngày xưa nhà ông Sửu ở trong làng. Đất này (vị trí nhà bà Năng đang ở - PV) tập thể cấp chứ không phải đất của mẹ Hân, đất tập thể cấp đất cho bà Chính, ông Thuyết. Căn cứ vào trong sổ sách còn ghi rõ” – ông Son khẳng định.
Trên diện tích được cho là của mẹ Hân, gia đình bà Năng đang tiến hành xây những hạng mục kiên cố, cao tầng. Ảnh Hòa Nguyễn.
Theo vị cán bộ địa chính – xây dựng xã Kim Lũ, ông nghe người cao tuổi trong làng kể lại, lúc đó, tập thể có nhu cầu làm nhà trẻ để trông trẻ tập trung trong thời chống Mỹ, gia đình thống nhất tập thể đổi mảnh đất ấy và chuyển ra chỗ nhà ông Sửu bây giờ.
Về nguồn gốc đất, theo ông Son, gia đình ông Sửu đang không hiểu cụ thể nội dung được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Năng, đất này có nguồn gốc hình thành trước năm 1980, căn cứ theo Luật đất đai năm 1988 và 1993.
Gia đình ông Sửu mong muốn lấy lại được mảnh đất đó để làm nơi hương hỏa cho mẹ Hân và hai anh trai là liệt sĩ. Ảnh Hòa Nguyễn.
Người ta không hiểu, đây là tập thể xác định đất này có trước năm 1980 chứ không phải là công nhận đất này là của bà Năng sử dụng trước năm 1980” – ông Son giải thích.
Đối với chữ ký của bà Bùi Thị Thanh, vị cán bộ này cho biết, thực tế có chữ ký của bà này trong biên bản họp gia đình gửi lên, ở phần xác nhận của thôn.
Trước câu hỏi của PV, rằng bà Thanh khẳng định không xác nhận, ký bất cứ giấy tờ gì cho nhà bà Năng làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Son biện minh: “Nói thế rất khó, chuyện diễn ra hàng chục năm nay chúng tôi không thể nhớ hết được. Bà có ký không thì chỉ có bà mới biết được”.
Trong khi đó, ông Sửu cho rằng khi gia đình ông được cấp đất ông Nguyễn Văn Son - cán bộ địa chính tuổi còn nhỏ.
"Ông Son làm sao biết hết mà có thể khẳng định vậy được, gia đình tôi sẽ tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ" - ông Sửu cho hay.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự việc này.
Cuối tháng 7.2017, ông Nguyễn Công Kết – Phó chủ tịch UBND xã Kim Lũ đã ký văn bản trả lời 6 nội dung chính được ông Sửu đề nghị giải quyết dứt điểm về thửa đất do bà Nguyễn Thị Năng đứng tên làm sổ đỏ.
Cụ thể, với nội dung thứ nhất, ông Dương Văn Sửu đề nghị xác định rõ nguồn gốc đất được cấp trước năm 1980 của mảnh đất bà Năng đứng tên.
UBND xã Kim Lũ trả lời: “UBND xã Kim Lũ thực hiện theo Luật đất đai năm 1988 và năm 1993 để xác định thời điểm sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân”.
Với nội dung thứ hai, ông Sửu đề nghị làm rõ việc bà Bùi Thị Thanh – Trưởng thôn Kim Thượng khóa 2006 – 2008 không tham gia bàn bạc hay ký vào bất kỳ giấy tờ gì trong hồ sơ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Năng, vậy cán bộ nào của thôn đã ký vào trong giấy tờ đó.
Về nội dung này, UBND xã Kim Lũ trả lời: “Bà Bùi Thị Thanh tham gia làm trưởng thôn khóa 2006 – 2008 có trực tiếp ký vào biên bản họp gia đình của hộ bà Nguyễn Thị Năng lập ngày 13.9.2005 hay không thì đã được thể hiện trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Nội dung tiếp theo được người con trai thứ 3 của mẹ Hân đề nghị làm rõ bà Năng là cháu dâu, có quyền gì được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ông Nguyễn Văn Son – cán bộ địa chính xã Kim Lũ năm 2008 có làm giả hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Năng hay không, xuất phát từ động cơ gì?
Trước câu hỏi này, UBND xã Kim Lũ cho biết, tại thời điểm từ năm 2005 đến ngày 30.1.2008, bà Nguyễn Thị Năng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên thửa đất số 222, tờ bản đồ số 06 (thôn Kim Thượng, Kim Lũ, Sóc Sơn), thời điểm này có bà Nguyễn Thị Chính, bà Nguyễn Thị Năng cùng các con của bà Năng đang thường xuyên ăn ở.
Những người trên đã sinh sống ổn định trên thửa đất này, đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Năng theo hồ sơ kê khai và biên bản họp gia đình lập ngày 13.9.2005.
Về nội dung đề cập đến ông Nguyễn Văn Son, UBND xã Kim Lũ trả lời, từ ngày 1.1.2008, ông Son làm địa chính – xây dựng tại UBND xã Xuân Thu (Sóc Sơn), không phải là cán bộ địa chính – xây dựng xã Kim Lũ.
Với nội dung thứ tư đề nghị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Năng sai quy định, UBND xã Kim Lũ cho biết, việc này không thuộc thẩm quyền của UBND xã này.
Phân chia thửa đất trên theo đúng quy định của luật đất đai cho 3 anh em ông Sửu và 2 liệt sĩ là đề nghị thứ năm được ông Sửu đưa ra.
Với đề nghị này, UBND xã Kim Lũ trả lời:
“Áp dụng tại điều 645, Luật dân sự năm 2005, trích dẫn quy định thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người đã chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Đề nghị cuối cùng của ông Dương Văn Sửu là làm rõ trách nhiệm đúng sai của các cá nhân có liên quan đến xin cấp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Năng. UBND xã Kim Lũ dẫn chứng theo văn bản trả lời đơn thư của UBND huyện Sóc Sơn cho ông Sửu và khẳng định đúng trình tự, thủ tục.
|
>>> XEM THÊM: Quảng Nam: Mua đất được cấp sổ thuê 50 năm, dân 10 năm đi kiện
Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tiếp nhận các thông tin phản ánh của bạn đọc thông qua số điện thoại đường dây nóng: 0985. 523. 229 hoặc địa chỉ email: tiengdanntnn@gmail.com. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.