Tranh cãi về việc bỏ cộng điểm nghề khi tuyển sinh lớp 10

Tùng Anh Thứ hai, ngày 08/01/2018 15:07 PM (GMT+7)
Trong khi Bộ GD ĐT cho rằng việc bỏ cộng điểm nghề khi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giúp công tác hướng nghiệp cho học sinh thực tế hơn, không chạy theo điểm số thì nhiều phụ huynh lại không đồng tình và cho rằng nếu không được cộng điểm thì... không học làm gì?
Bình luận 0

Mới đây, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT, Bộ GD ĐT đã lấy ý kiến về việc bỏ đi khoản 3, điều 7 của Thông tư 11/2014/TT – BGDDT về đối tượng cộng điểm khuyến khích trong thi cử. Theo đó, Bộ dự kiến thí sinh thi vào lớp 10 sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các sở GD ĐT tổ chức.

Giải thích về thay đổi này, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD ĐT) cho biết, có những thay đổi này là do chính sách cộng điểm nghề khiến nhiều học sinh đi học nghề chỉ để được cộng điểm. Điều này gây khó khăn trong công tác hướng nghiệp tại địa phương. Nó cũng làm cho việc tổ chức các cuộc thi tốt nghiệp nghề chỉ để cộng điểm vào cấp 3 hết sức cồng kềnh, tốn kém mà hiệu quả không cao.

img

Việc học nghề tại nhiều nơi đã không hiệu quả (ảnh minh họa: IT)

Dự kiến thay đổi của Bộ GD ĐT nhận được sự đồng tình của không ít giáo viên. Cô Nguyễn Thị Thu – giáo viên THCS tại Thái Bình cho biết, nhiều năm nay, việc học nghề ở lớp 9 đã trở nên rất hình thức: “Học sinh thường không chú trọng việc học mà đúng thật là chỉ học để thi được giỏi lấy điểm cộng vào lớp 10. Có nơi các em không thích học điện, học thêu thùa nhưng vẫn phải học theo sự sắp xếp của lớp, của trường để tiện mời giáo viên và bố trí lịch học. Nhiều em coi học nghề như... cơn ác mộng”.

Biết rằng việc học nghề chỉ là hình thức nhưng nhiều phụ huynh vẫn phản đối việc bỏ cộng điểm môn học này.

Phụ huynh Trần Thu Trang nhà trên đường  Nguyễn Đình Hoàn  (Cầu Giấy – Hà Nội) có con năm nay đang học lớp 9 cho rằng việc bỏ cộng điểm ưu tiên nghề sẽ làm giảm cơ hội vào lớp 10 của con chị. “Hơn nữa sắp tới sẽ tiến hành thi rồi mà giờ mới có thông tin bỏ khiến cho cháu rất hoang mang. Nếu như biết không cộng điểm thì chắc chắn tôi không cho con đi học mất thời gian làm gì” – chị Trang nói.

img

Học sinh thích hoc nghề này nhưng lại được chỉ định học nghề khác (ảnh minh họa: IT)

Tương tự, chị Đoàn Thị Yến (Nam Sách – Hải Dương) cũng cho rằng, nếu bỏ việc cộng điểm thì nên làm từ từ, ít nhất là từ năm học tới. “Đối với các cháu học lực giỏi thì điểm số đó không quan trọng nhưng đối với nhiều cháu có sức học trung bình thì điểm nghề đôi khi là “cứu cánh”. Nếu bỏ ngay trong năm nay các cháu sẽ rất thiệt thòi” – chị Yến nói.

Chị Yến cũng cho rằng, để việc học nghề cho học sinh lớp 9 không trở thành hình thức gây lãng phí, tốn kém thì Bộ GD ĐT nên khảo sát về các nghề cần thiết với địa phương nơi học sinh sinh sống. “Nếu như các em lớp 9 không vào cấp 3 muốn có một cái nghề thì ít nhất phải là nghề mà khu vực, địa phương đó cần lao động. Hiện nay, trong trường dạy những nghề rất máy móc như: điện, thêu thùa, cắm hoa... mấy nghề đấy chỉ giống việc học ngoại khóa, kỹ năng thôi chứ khó mà áp dụng vào thực tế” – chị Yến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem