Không giữ chữ tín
Điều ai cũng thấy rõ là giá bản quyền truyền hình EPL trong vòng 20 năm qua đã tăng phi mã trước sự bất lực của những người trong cuộc.
Giá bản quyền EPL ngày càng tăng phi mã. Ảnh : premierleague.com
Trở lại thời điểm này cách đây 3 năm, dư luận vô cùng bức xúc khi Tập đoàn IMG (Mỹ) chào hàng bản quyền EPL 2013-2016 tại Việt Nam với giá 37,5 triệu USD. Báo chí tốn nhiều giấy mực, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cùng các nhà đài họp lên họp xuống, người hâm mộ phản ứng dữ dội… Bộ Thông tin và Truyền thông thời điểm ấy cũng đã có công văn yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đứng ra làm Trưởng ban điều hành đàm phán với quan điểm không mua bằng mọi giá, không độc quyền… Vậy mà như “sấm nổ giữa trời quang”, khi tất cả đang dồn niềm tin vào VTV thì K+ (“con đẻ” của VTV) lại tuyên bố đã có bản quyền EPL 2013-2016 do đối tác trong liên doanh của mình là Canal+ (Pháp) đã mua được với giá… gần 40 triệu USD và chuyển giao lại.
Con số 40 triệu USD này thật quá khủng khiếp nếu biết rằng mùa giải 2002-2003, truyền hình Việt Nam lần đầu tiên mua bản quyền EPL chỉ phải bỏ ra 450 nghìn USD. Nhưng tiền chỉ là một chuyện. Sau “phi vụ” kể trên, vấn đề chữ Tín đã được đặt ra khi VTV dường như đã cố tình “lờ” đi việc Canal+ âm thầm mua bản quyền EPL cho K+. Mọi việc như vậy nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông có can thiệp gì được đâu (?!).
Trách K+ cũng khó bởi họ làm mọi thứ hợp pháp. Và xa hơn, giai đoạn 2007-2010, chính Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cũng đã “phá giá” để độc quyền, chấp nhận mua bản quyền EPL với giá 4 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với giai đoạn 2004-2007 (1,8 triệu USD).
Để “người ngoài” giật dây
Bản quyền EPL 2016-2019 do hai đơn vị Sky Sports và BT Sports nắm giữ. Ngày 3.11, họ đã mở thầu bản quyền EPL tại Việt Nam. Dự kiến, giá bản quyền EPL tại Việt Nam sẽ cao gấp đôi giá trong giai đoạn 2013-2016.
|
Xung quanh bản quyền EPL 2016-2019, ông Nguyễn Thành Lương – Phó Tổng Giám đốc VTV đã khẳng định với báo chí: “Năm nay, VTV không đứng ra mua”. Còn lãnh đạo K+ cũng đã nói thẳng việc ủy quyền cho Canal+ đứng ra mua chứ không giấu giếm như cách đây 3 năm. Câu hỏi đặt ra là lần này, liệu chỉ có Canal+ hay còn những đối tác nước ngoài “giấu mặt” cũng âm thầm đứng đằng sau giật dây các nhà đài trong nước “chiến đấu” để có bản quyền?!
Trao đổi với phóng viên NTNN về vấn đề này, ông Trần Song Hải – Phó Chủ tịch Hội Cổ động viên (CĐV) Việt Nam cảm thán: “Thời điểm cuối năm 2010, Hội CĐV chúng tôi đã phát động chương trình 1 triệu chữ ký phản đối K+ độc quyền các trận đấu EPL ngày Chủ Nhật. Nhưng thời gian qua đi, dường như các nhà đài không cảm nhận được nỗi niềm của người hâm mộ. Họ không ngồi lại với nhau trong vấn đề bản quyền EPL và để đối tác nước ngoài lợi dụng”.
Chia sẻ với ý kiến của ông Hải, ông Trần Văn Hồng – Chủ tịch Hội CĐV SHB.Đà Nẵng nói: “Tôi chỉ băn khoăn là các nhà đài trong nước đều tuyên bố muốn phục vụ tốt nhất cho người xem. Nhưng thực tế, người hâm mộ từ việc được xem miễn phí các giải bóng đá, nay phải trả tiền ngày càng cao để xem EPL. Sắp tới, có lẽ muốn xem Euro, World Cup, thậm chí là giải vô địch bóng đá Đông Nam Á chắc cũng mất tiền, trong khi đời sống của người dân lại đang rất khó khăn. Đúng là nghịch lý!”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.