Trao nhầm con ở Bình Phước: Bồi thường bao nhiêu là hợp lý?

Hòa Nguyễn Thứ ba, ngày 19/07/2016 15:45 PM (GMT+7)
Liên quan đến sự việc trao nhầm con xảy ra tại Bệnh viện đa khoa TX. Bình Long (Bình Phước), bệnh viện này đã thừa nhận sai sót và bồi thường về tinh thần 10 tháng lương tối thiểu cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, theo nhiều người, việc bồi thường này là không thỏa đáng.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Ngô Ngọc Trai – Giám đốc Công ty Luật Công chính cho biết, với những gì xảy ra trong vụ việc trao nhầm con ở Bình Phước, các bên liên quan cần nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và hợp lý.

Luật sư Trai khẳng định nhầm lẫn này thật khó chấp nhận.

“Cũng may là mới chỉ có 3 năm các cháu còn nhỏ sẽ không cảm thấy bị tổn thương nhiều quá nếu hoán đổi lại vị trí và thời gian trước đó bố mẹ nào cũng thương con nên chưa xảy ra tình trạng ngược đãi” – Luật sư Trai nói.

Theo luật sư Trai, vấn đề bây giờ chỉ là của người lớn với nhau. Các bậc phụ huynh đều muốn nhận lại con đẻ của mình thì hãy thu xếp sao cho ổn thỏa. Các gia đình vừa nhận con đẻ vừa nhận con nuôi của nhau, hai gia đình thêm gắn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, coi hai đứa cùng như con của mình.

img

Con gái ruột chị Trang hiện tại đang bị trao nhầm cho vợ chồng một người dân tộc Stiêng, ngụ xã Phước An, H.Hớn Quản. Ảnh: Vietnamnet

Về phương án bồi thường tinh thần của bệnh viện đa khoa TX.Bình Long, vị giám đốc công ty Luật Công chính cho rằng với mức bồi thường như vậy chưa thể thuyết phục được gia đình các nạn nhân.

“Để đảm bảo cho cuộc sống của các cháu nhỏ được tốt, giảm tránh tối đa hệ quả xấu do vấn đề tâm lý của cha mẹ ảnh hưởng đến nuôi dạy cháu, thì cần có một khoản bồi thường tương xứng phù hợp để các bậc cha mẹ được an ủi.

Một khoản bồi thường tương xứng sẽ giúp củng cố niềm vui mừng của họ vì việc nhận lại được con, để tạo lập trạng thái tâm lý tốt cho cha mẹ qua đó bảo vệ được cho các cháu.

Tôi cho là mức bồi thường do tổn thất về tinh thần chỉ 10 tháng lương tối thiểu hơn 10 triệu đồng trong trường hợp này là không thỏa đáng. Mỗi gia đình cần được bồi thường một khoản tiền theo tôi hợp lý là 50 triệu đồng” – Giám đốc công ty Luật Công chính phân tích.

img

Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long là nơi để xảy ra sự việc trao nhầm con của chị Trang vào 3 năm trước. Ảnh: Hòa Nguyễn

Về phía bệnh viện, luật sư Ngô Ngọc Trai cũng nêu quan điểm cần phải xử lý nghiêm khắc với những người để xảy ra vụ việc sai phạm đáng tiếc này.

“Để tránh những sự việc tương tự xảy ra về sau, cần xử lý nghiêm cán bộ bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long đã để xảy ra nhầm lẫn. Xem giám đốc bệnh viện 3 năm trước là ai giờ còn làm việc hãy đã nghỉ, nếu còn làm việc thì xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức.

Kiểm tra xác định thêm bác sĩ, y tá và hộ lý ca trực hôm đó là ai, nếu xác định được thì cũng có một hình thức xử lý nghiêm khắc. Hình phạt nghiêm khắc sẽ có hiệu quả răn đe phòng tránh về sau” – ông Trai bức xúc.

Cũng trao đổi với PV về việc này, luật sư Quách Thành Lực – Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết tổn thất của sự việc trao nhầm con là rất lớn.

“Theo quy định của pháp luật hiện hành thì sự việc trao nhầm con sẽ gây ra thiệt hại về vật chất và tinh thần cho cả gia đình hai bên, không chỉ gói gọn trong phạm vi con, bố mẹ mà còn có thể mở rộng ra cả phạm vi ông, bà nội ngoại.

Nếu người bị thiệt hại chứng minh mình có những thiệt hại về vật chất thì có quyền yêu cầu Bệnh viện bồi thường những tổn thất kinh tế đó. Những tổn thất về tinh thần trong trường hợp này là vô cùng to lớn nhưng lại rất khó định lượng.

Nếu hai bên không thỏa thuận được giá trị bồi thường hoặc người bị thiệt hại không chứng minh được thiệt hại thì số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định tại số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 là “tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường" – luật sư Lực nói.

Theo luật sư Lực, bệnh viên không nên đưa ra một con số cứng nhắc là 10 tháng lương tối thiểu. Các bên cần có sự tham vấn của luật sự để có những hiểu biết pháp lý nhất định giúp định hướng giải quyết vụ việc đúng đắn, phù hợp pháp luật. Bên cạnh đó, bệnh viện cần cùng gia đình xây dựng một lộ trình hòa nhập của hai đứa trẻ với cha mẹ thực sự của mình.

"Đây không phải là việc nhầm lẫn cái mũ, cái áo đổi lại cho nhau là xong. Hai đứa trẻ với 3 năm được nuôi dưỡng, đón nhận tình thương, sự  gắn bó với gia đình chăm sóc mình thì tình cảm giữa hai bên với nhau đã vô cùng bền chặt.

Nếu không có một lộ trình hòa nhập hai đứa trẻ, mà cưỡng bức, tách bỏ cơ học, trao trả thuần túy như vật thì chắc chắn sẽ gây ra nhưng tổn thương tình cảm cả đời hai cháu bé. Có thể nếu không làm tốt công tác tâm lý, tư tưởng thì phần đời còn lại của các cháu luôn có cảm giám ám ảnh mình không thuộc về cha mẹ đích thực của mình.

Để xây dựng lộ trình hòa nhập, phía Bệnh viện cần đến sự trợ giúp của những chuyên gia tâm lý hàng đầu. Bên cạnh đó, tâm lý, tình cảm của những người cha mẹ bị trao nhầm con cũng cần phải được quan tâm. Khi nào các chuyên gia tâm lý có những đánh giá việc trao nhận trẻ bị trả nhầm đã đạt được thời điểm phù hợp thì lúc đó các bên mới nên tiến hành sự việc” – ông Lực phân tích thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem