Dễ nhầm lao với viêm phổi
Chị Thanh Hải (Trường Thi, Nam Định) đưa con đến Bệnh viện (BV) Phổi T.Ư khi con đã bị lao phổi kéo dài suốt nửa năm. Cậu bé 13 tuổi nhưng chỉ nặng 28kg, yếu ớt, xanh xao. Chị cho biết, khi con ho, khạc đờm kéo dài, chị tự mua thuốc kháng sinh cho con uống, hết thuốc nọ, lại thuốc kia.
|
Cần để ý đến các biểu hiện ho, sốt kéo dài và sụt cân của trẻ (ảnh minh họa). |
Đến khi con sụt cân, sốt cao, hôn mê, gia đình mới vội vã đưa lên BV Đa khoa tỉnh. Các bác sĩ lấy đờm, xét nghiệm, thấy cháu bị bệnh lao phổi nặng, khuyên chị đưa lên BV Phổi T.Ư chạy chữa. “Lúc đó, em sợ lắm, vì nghe đến lao là thấy khó chữa, không biết con mình có sống nổi không” – chị Hải cho biết. Tại BV Phổi T.Ư, cháu được chẩn đoán mắc cả lao kê và lao màng não, đến mức hôn mê.
Chị Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) ôm đứa con còn u ơ trên tay, lo lắng: “Con em vừa sinh ra đã được tiêm ngừa lao. Nhưng khi cháu 7 tháng, ho sốt kéo dài, đi khám thì bác sĩ bảo cháu sơ nhiễm lao. Không ai ngờ được”.
Bác sĩ Hoàng Thanh Vân – Trưởng khoa Nhi (BV Phổi T.Ư) cho biết: Vaccin phòng chống lao chỉ ngừa được 60-70% bệnh lao. Hơn nữa, do trẻ có sức đề kháng kém nên nếu sống trong môi trường “đậm đặc” vi khuẩn lao sẽ rất dễ mắc lao”. BV Phổi T.Ư mỗi tháng tiếp nhận hơn 50 trẻ nhập viện vì bệnh lao với các triệu chứng nặng.
Theo bác sĩ Vân, khi trẻ bị sơ nhiễm lao, không có các triệu chứng rõ ràng như người lớn mà chỉ sốt, ho nên dễ nhầm sang các bệnh viêm phổi, cảm cúm, viêm phế quản. Chính vì thế, từ sơ nhiễm, do phát hiện muộn, trẻ thường chuyển sang mắc các thể lao nặng như lao kê, lao phổi, lao màng não…
TS Đinh Ngọc Sĩ - Giám đốc BV Phổi T.Ư cho biết, số trẻ dưới 15 tuổi tại VN luôn chiếm khoảng hơn 10% tổng số người nhiễm lao và ngày càng gia tăng.
Di chứng nguy hiểm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 3 tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất nhiễm lao phổi. TS Đinh Ngọc Sĩ cho biết: “Lao phổi ở trẻ em gây ra nhiều dạng nguy hiểm khác như lao màng não, để lại các di chứng mù, điếc, liệt chi hoặc thiểu tăng trí tuệ”.
“Bố mẹ nên cho trẻ tiêm vaccin phòng lao ngay sau sinh, đồng thời theo dõi vết tiêm. Nếu sau 2-3 tháng, vết tiêm không lên sẹo thì chứng tỏ trẻ chưa miễn dịch với bệnh lao. Cần cách ly trẻ nếu gia đình có người lớn bị nhiễm lao”.
TS Đinh Ngọc Sĩ
Theo TS Sĩ, phụ huynh không nên chủ quan thấy con mình đã tiêm phòng lao mà không để ý đến các biểu hiện của lao như ho, sốt, sụt cân kéo dài. Đặc biệt, nếu trong môi trường có nhiều người lớn bị nhiễm lao thì trẻ dù đã được tiêm phòng lao thì khả năng nhiễm lao vẫn rất lớn. Ngoài ra, tâm lý nhiều phụ huynh cũng rất ngại khi bác sĩ nghi ngờ con mình nhiễm lao, thường giấu giếm hoặc chạy chữa loanh quanh, dẫn đến việc con bị nhiễm lao nặng. Thậm chí có người đưa con đi điều trị lao, “tiện thể” khám, soi đờm cho cả nhà thì 4 người lớn trong gia đình đều nhiễm lao.
“Khi nhiễm vi khuẩn lao, người lớn thường “ủ bệnh” 2-3 năm. Trong quá trình chăm sóc, gần gũi trẻ, người lớn sẽ lây nhiễm sang trẻ mà không biết. Còn trẻ có sức đề kháng kém nên phát bệnh sớm hơn” - ông Sĩ giải thích.
Bác sĩ Vân cho biết thêm, việc điều trị lao trẻ em rất khó khăn, thời gian kéo dài. Các bậc phụ huynh cần cho con uống thuốc đúng liều lượng, trong quy trình kéo dài từ 6-8 tháng. Nếu con bớt ho, bớt sốt, ăn ngon, tăng cân trở lại thì thuốc có tác dụng. Ngoài ra, cần theo dõi các tác dụng phụ của thuốc như phát ban mẩn ngứa toàn thân, vàng mắt, vàng da. Nếu con có các biểu hiện trên cần ngừng uống thuốc và cho con đi khám ở cơ sở y tế phù hợp.
Anh Thư
Vui lòng nhập nội dung bình luận.