Trẻ nông thôn "khát" sân chơi, "bơ vơ" giữa hè

Tùng Anh – Mị Lương Thứ ba, ngày 31/05/2016 06:25 AM (GMT+7)
Trong khi trẻ em thành phố “thừa mứa” trong các khóa học kỹ năng, lớp năng khiếu, được đi du lịch hoặc ở nhà cũng có nhiều đồ chơi tiêu khiển... thì ở nhiều vùng quê, trẻ nông thôn vẫn “khát” những sân chơi đơn giản.
Bình luận 0

Chật vật giữ con

3 tháng hè ngắn ngủi, nhưng cũng là 3 tháng “đau đầu” với nhiều phụ huynh ở khu vực nông thôn khi phải tìm cách “cách ly” con khỏi những hiểm họa tai nạn thương tích, đuối nước và trò chơi điện tử.

Con trai học lớp 7 mới nghỉ hè được 1 tuần, chị N.T.H ở xã An Hiệp (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã phải 3 lần bỏ việc đồng áng đi tìm con ở các quán game online. “Đã bắt viết 3 cái bản kiểm điểm, mắng có, dạy dỗ có nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Cứ bố mẹ không có nhà là cháu lại tót đi chơi điện tử. Tiền bố mẹ cho bỏ lợn cả năm cũng đập ra đi chơi hết rồi. Dù không muốn tôi cũng đành nhốt ở nhà, khóa chặt cửa lại không cho đi đâu” – chị H nói. 

img

Trẻ em “tự chơi” sẽ có nhiều nguy cơ tai nạn. Ảnh minh hoạ: Nguyễn Thiêm 

Mấy ngày nay, chị Trần Thị Liên (xã Lạng Sơn, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) đều phải dậy rất sớm để chở 2 con đến nhà bà ngoại gửi. Chị Liên chia sẻ: “Một đứa học lớp 1, đứa còn lại học lớp 3 cũng trông nhau được rồi, nhưng để con ở nhà với nhau không yên tâm. Nhà thì gần sông, xung quanh cũng nhiều ao hồ, hè năm nào cũng có trẻ chết đuối. Vì vậy, con nghỉ hè là “cơn ác mộng” của mẹ vì vừa phải đi làm vừa phải lo cho con”. Chị Liên cũng cho biết, nhà bà ngoại đang thành nhà trẻ vì ông bà phải trông đến 6 đứa cháu nội, ngoại đủ lứa tuổi.

Xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có hơn 2.000 trẻ trong độ tuổi đến trường. Mặc dù có ý thức và cố gắng nhưng việc tổ chức các sân chơi cho trẻ vào dịp hè gặp rất nhiều khó khăn. Anh Đỗ Hữu Khoa – Phó Bí thư Đoàn xã cho biết, thường thì 2 năm 1 lần, xã mới tổ chức được trại hè cho các em. Các hoạt động vào ngày 1.6 hay Trung thu đều phụ thuộc vào nguồn kinh phí huy động từ địa phương. “Trong 3 tháng hè, hầu như gia đình nào cũng cho con em đi học thêm các môn văn hóa. Một phần là để giúp các em ôn tập kiến thức, một phần để có người quản lý bởi ở nhà không có người trông” – ông Khoa nói.

Đi tìm sân chơi cho trẻ

Lớp học bơi của thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh – giáo viên thể dục của Trường Tiểu học Ninh Phong, TP.Ninh Bình được khởi động ngay sau khi học sinh nghỉ hè vài ngày. Thầy Tuấn Anh cho biết, chỉ cách thành phố có 4 km, nhưng học sinh ở khu vực này không có nhiều sân chơi lành mạnh hay các lớp học bổ ích để tham gia sinh hoạt vào dịp nghỉ hè. Chính vì vậy, cách đây vài năm, thầy và đồng nghiệp đã nghĩ ra việc mở lớp học bơi giá rẻ cho các em.

“Vài năm trước khi mở lớp, phụ huynh còn e dè, nhưng gần đây họ đã có ý thức về việc cần trang bị kỹ năng cho con và tìm cho con 1 sân chơi lành mạnh, chính vì vậy họ cho con tham gia rất đông” – thầy Tuấn Anh cho biết. Hiện, lớp học của thầy Tuấn Anh có hơn 40 học sinh chia làm 2 ca học hàng tuần.

Hè năm nay, chị Nguyễn Thị Liên (Chu Hóa, Việt Trì, Phú Thọ) rất mừng vì vừa đăng ký được cho con trai 9 tuổi học lớp võ miễn phí do một ngôi chùa gần đó tổ chức dạy. Chị Liên cho biết: “Lớp võ mới khai giảng từ hôm 21.5. Nhà chùa thấy dịp hè mà trẻ không có chỗ sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện sức khỏe nên kêu gọi đệ tử mở lớp miễn phí dạy cho các cháu. May mắn con mình được nhận vào học, lớp học này rất ý nghĩa nên thu hút được nhiều cháu tham gia. Đây cũng là sân chơi “mơ ước” của nhiều gia đình ở nông thôn muốn con có chỗ sinh hoạt hè nhưng không có điều kiện”./.

 Năm 2015, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 20 ca đuối nước. Ngay sau đó, công tác dạy bơi được đẩy mạnh, thực hiện dạy bơi miễn phí cho trẻ ở 9/9 huyện, thị, thành. Chúng tôi cũng sẽ tích cực triển khai truyền thông công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống tai nạn đuối nước đến từng thôn, bản.
Ông Khổng Minh Trí – Chuyên viên phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở LĐTBXH Vĩnh Phúc 
 
 Trẻ em nông thôn thiệt thòi lắm, ít khi được đi chơi. Bố mẹ các em cũng ít khi tạo điều kiện để các em được vui chơi vì còn bận làm mùa. Thiếu sân chơi các em thường rủ nhau đi “chát chít”, chơi game hay tụ tập tắm ao hồ, sông suối. Đây chính là mối hiểm nguy rình rập các em mỗi dịp nghỉ hè. 
Ông Đỗ Hữu Khoa – Phó Bí thư Đoàn xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem