Trên bờ vực chiến tranh: Nga và Ukraine đang làm gì?
Trên bờ vực chiến tranh: Nga và Ukraine đang làm gì?
Tuấn Anh (Theo RT)
Thứ năm, ngày 20/01/2022 13:00 PM (GMT+7)
Thế giới đang chuẩn bị cho một cuộc chiến vũ trang tiềm tàng đối với Ukraine, điều mà tất cả các bên liên quan như Nga, Ukraine, NATO đều nói rằng họ không muốn xảy ra.
Nga và đồng minh Belarus đã công bố các cuộc tập trận quân sự chung vào tháng 2, mà các chuyên gia phương Tây cho rằng đây là một phần trong quá trình chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Ukraine. Trong khi đó, Kiev cũng đã nhận được vũ khí mới từ Anh trong tuần này, với các lô hàng được quảng cáo là nhằm tăng cường khả năng "tự vệ" của nước này.
Đồng thời, các thành viên EU đang tranh luận chính xác điều gì sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt chống Nga mà họ đã cam kết áp đặt để đáp trả một cuộc tấn công. Moscow tiếp tục khẳng định không có ý định sử dụng vũ lực chống lại Kiev.
Tuần trước, một số vòng đàm phán ngoại giao giữa Nga với Mỹ và NATO đã thất bại. Phía phương Tây từ chối yêu cầu của Moscow về việc ngăn chặn sự mở rộng của khối quân sự ở châu Âu và đặc biệt là từ chối cam kết năm 2008 là cuối cùng sẽ kết nạp Ukraine và Gruzia.
NATO cho biết chính sách mở cửa là điều cần thiết cho sứ mệnh của khối, trong khi Nga coi đây là vấn đề làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Nga. Căng thẳng Ukraine vì thế vẫn cứ tiếp diễn và leo thang từng ngày.
Nga đang làm gì liên quan đến Ukraine?
Nga bị phương Tây cáo buộc đang huy động quân đội và thiết bị quân sự để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Nhà Trắng trong một thông báo phát đi ngày 19.1 đã cho rằng, một cuộc tấn công của Nga có thể xảy ra "bất cứ lúc nào".
Washington và Kiev cũng quy cho Nga các cuộc tấn công mạng vào tuần trước, làm phá hoại một số trang web của chính phủ Ukraine. Victoria Nuland, được biết đến với biệt danh "bà đỡ" của Washington trong phong trào Maidan năm 2014 ở Ukraine, đã gọi những hành động như vậy là "một phần của phép thử và đúng trong vở kịch của Nga". Thứ trưởng ngoại giao Victoria Nuland cho biết, Mỹ đã chuẩn bị sẵn 18 kịch bản về cách phản ứng với bất cứ điều gì Moscow làm.
Tuần này, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng Nga đã rút gần 50 nhân viên ngoại giao và thành viên gia đình khỏi Đại sứ quán Nga ở Ukraine. Moscow cho biết thông tin này được đăng trên tờ The New York Times bởi một nguồn tin không chính xác, và tờ báo thậm chí chưa bao giờ yêu cầu các quan chức Nga bình luận. Bản thân Kiev cho biết họ không biết về bất kỳ cuộc sơ tán nào.
Ukraine đang làm gì?
Kiev đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự và đang cố gắng nâng cao năng lực huy động của lực lượng này. Tháng trước, Bộ Quốc phòng nước này đã khiến dư luận bất bình khi ra lệnh cho phụ nữ thuộc một số ngành nghề và độ tuổi nhất định đăng ký nghĩa vụ tiềm năng. Ukraine cũng bắt đầu đào tạo dân thường cho cái gọi là 'Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ' theo luật có hiệu lực từ ngày 1.1.
Có những tuyên bố rằng Ukraine đang chuẩn bị quân đội của riêng mình cho một cuộc leo thang có thể xảy ra. Tuần này, một phát ngôn viên của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng tuyên bố rằng khoảng 60 người đàn ông có vũ trang không đeo phù hiệu đã chiếm được một số tòa nhà ở một ngôi làng nằm trên ranh giới ngăn cách giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy ở miền Đông. Các khu vực Donetsk và Lugansk của Ukraine đã bác bỏ cuộc lật đổ chính phủ năm 2014 ở Kiev và tuyên bố độc lập. Kiev và các đồng minh phương Tây cho rằng Nga hậu thuẫn Donetsk và Lugansk, nhưng Moscow không công nhận những vùng ly khai này là nhà nước.
Bất kể điều gì thực sự xảy ra ở miền đông Ukraine, Mỹ dường như đã đặt cơ sở để giải thích bất kỳ sự bùng phát bạo lực nào ở đó bằng cách đổ lỗi cho Nga. Tuần trước, Nhà Trắng tuyên bố họ có thông tin tình báo rằng Moscow đang lên kế hoạch dàn dựng một cuộc tấn công bằng cờ giả để biện minh cho một cuộc xâm lược.
Bất chấp sự chuẩn bị quân sự, Kiev đặt nhiều hy vọng vào sự giúp đỡ của phương Tây trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh với nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hiện đang ở thăm Kiev để gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Ukraine và các nhà ngoại giao Mỹ đóng tại nước này, trước khi tiếp tục đến Berlin và Geneva.
NATO có đang giúp Ukraine?
Trong khi NATO đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không chiến đấu trực tiếp với Nga vì Ukraine, các quốc gia thành viên đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn, mối đe dọa này nhằm răn đe Moscow.
Nỗ lực này đã phần nào bị suy giảm bởi sự miễn cưỡng rõ ràng của một số quốc gia châu Âu trong việc hành động với quyết tâm đầy đủ. Hay nói cách khác, NATO cũng đang bị mâu thuẫn vì chưa có chung một đối sách để đối phó với Nga. Đề xuất loại Nga ra khỏi hệ thóng chuyển tiền ngân hàng quốc tế Swift được một số thành viên đưa ra nhưng đã ngay lập tức bị loạt bỏ vì có thể điều này sẽ gây tổn hại cho chính phương Tây.
Ngoài ra, EU dường như cũng đang có những bất đồng về việc liệu các hành động của Nga không phải là hành vi xâm lược quân sự thì có nên kích hoạt các lệnh trừng phạt hay không. Một số quốc gia không muốn leo thang thêm căng thẳng sau khi xảy ra các cuộc tấn công mạng.
Trong khi đó, Anh, hiện không thuộc EU, đã dẫn đầu trong việc vận chuyển nhiều vũ khí hơn tới Ukraine, như tên lửa chống tăng và các phần cứng khác để hỗ trợ quân đội Ukraine. Hành động "viện trợ chết người" này được Kiev hoan nghênh, nhưng làm nổi bật sự chia rẽ trong NATO.
Máy bay chở hàng quân sự của Anh đã bay gián tiếp qua Đan Mạch và Ba Lan, được cho là do Đức phản đối việc trang bị vũ khí cho Ukraine. Dưới thời cựu thủ tướng Angela Merkel, Berlin được cho là đã chặn Mỹ và Litva vận chuyển vũ khí mà Kiev đã mua thông qua các kênh mua sắm của NATO.
Mỹ được cho là đã thực hiện các chuyến hàng bí mật đơn phương tới Ukraine vào đầu tháng 1.2022 và ban hành quyết định cung cấp thêm 200 triệu USD viện trợ quân sự được âm thầm thực hiện vào cuối tháng 12.2021.
Vậy là chiến tranh sắp xảy ra?
Một số chuyên gia quân sự nghi ngờ rằng tài sản quân sự của Nga ở miền tây của đất nước sát với biên giới Ukraine gần như đủ cho một cuộc chiến thực sự với Ukraine, nếu xét đến quy mô lực lượng vũ trang của chính Kiev.
Ukraine có một đội quân thường trực đáng kể, đã thúc đẩy một số cải cách cơ cấu như một phần của nguyện vọng gia nhập NATO, và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận và huấn luyện với quân đội và cố vấn quân sự phương Tây. Kiev cũng đã đầu tư rất nhiều vào khả năng tác chiến trên bộ trong vài năm qua. Ukraine đã sản xuất, mua hoặc nhận viện trợ một số lượng đáng kể vũ khí chống tăng và đã tăng cường đáng kể khả năng bay không người lái , bao gồm cả việc mua các máy bay không người lái tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Không nghi ngờ nhiều về khả năng Nga có thể áp đảo Ukraine trong một cuộc xung đột toàn diện, nhờ vào ưu thế không quân và hải quân hầu như không thể thách thức, tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, một cuộc chiến như thế sẽ có lợi như thế nào đối với an ninh quốc gia của Nga?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.