Trên miền đất Phú Thọ, nông thôn đẹp diện mạo, vững kinh tế
Trên miền đất Phú Thọ, nông thôn đẹp diện mạo, vững kinh tế
Hoan Nguyễn
Thứ tư, ngày 28/02/2024 06:05 AM (GMT+7)
Giai đoạn 2021-2025, Phú Thọ xây dựng nông thôn mới (NTM) với những mục tiêu cao hơn, hướng đến nông thôn phát triển hiện đại, thông minh, bền vững. Các miền quê giờ đây không chỉ khang trang, sạch đẹp mà còn ứng dụng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ…
Đón xuân mới 2024, người dân xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có thêm niềm vui mới khi vừa được công nhận là xã NTM kiểu mẫu. Niềm vui này càng đặc biệt khi Sơn Vi là địa phương đầu tiên của tỉnh Phú Thọ được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Dẫn chúng tôi tham quan khắp làng trên xóm dưới ở Sơn Vi, ông Chử Đức Oanh - Chủ tịch UBND xã Sơn Vi chia sẻ, mọi người đều tự ý thức gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ các con đường hoa. Những con đường này đã và đang tô điểm cho cuộc sống nơi đây những sắc màu tươi vui, đẹp đẽ.
"Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tranh thủ ý kiến của các bậc lão thành và sự đồng thuận của người dân".
Ông Chử Đức Oanh - Chủ tịch UBND xã Sơn Vi
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Vi, sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2022, xã Sơn Vi tiếp tục đặt ra mục tiêu hết năm 2023, phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu; khu 12,13,15 đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; khu 6 và khu 10 về đích khu dân cư thông minh.
"Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tranh thủ ý kiến của các bậc lão thành và sự đồng thuận của người dân" - ông Oanh nói.
Cùng đi thăm Sơn Vi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lưu - Trưởng khu dân cư 10 phấn khởi chia sẻ, khu dân cư số 10 là một trong hai khu dân cư được xã lựa chọn và đã hoàn thành xây dựng khu dân cư thông minh vào năm 2023. Nhờ vậy, bây giờ ông không còn phải đi đến từng hộ gia đình để thông báo công việc của xã và khu dân cư nữa. Việc chuyển đổi số đã giúp ông dễ dàng thực hiện việc quản lý chỉ với chiếc điện thoại.
"Không còn là hô hào, khẩu hiệu, khu dân cư đã huy động 100% các hộ dân tham gia đóng góp trên 80 triệu đồng để lắp đặt đồng bộ hệ thống camera an ninh, hệ thống điện chiếu sáng tại 100% các tuyến đường, ngõ, xóm sử dụng công nghệ điều khiển từ xa bằng điện thoại. Nhà văn hóa khu cũng lắp đặt hệ thống wifi miễn phí, phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin. Đến nay, đã có trên 95% hộ dân lắp đặt và sử dụng internet cáp quang, hơn 93% người dân sử dụng điện thoại thông minh, hơn 86% người dân sử dụng tài khoản thanh toán điện tử trong giao dịch, mua sắm…" - ông Lưu nói.
Bừng dậy sức sống mới
Rời Xuân Vi, chúng tôi tiếp tục hành trình đến xã Đông Thành (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) - nơi vừa được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Ông Vi Quốc Minh (khu 14, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) không khỏi xúc động khi quê hương "thay da đổi thịt". Theo ông Minh, việc xây dựng NTM nâng cao giúp người dân không chỉ hưởng lợi từ các công trình phúc lợi điện, đường, trường, trạm, mà hơn thế nữa còn là không gian sống yên bình, đậm đà bản sắc văn hóa làng quê.
Bà Nguyễn Kim Chi - Bí thư Huyện ủy Thanh Ba cho biết, kể từ ngày thực hiện chương trình xây dựng NTM, bức tranh nông thôn Thanh Ba đã bừng dậy sức sống mới với những thành tựu vượt bậc.
Hiện, 18/18 xã của huyện Thanh Ba đạt chuẩn NTM (trong đó các xã Đồng Xuân, Thanh Hà, Đông Thành đạt NTM nâng cao); 22 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân hơn 49,1 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm đạt 116 triệu đồng/ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản; tỷ lệ đường giao thông nông thôn bê tông kiên cố hóa về xã 100%,..
Không chỉ đẹp về diện mạo và vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Thanh Ba vẫn đậm đà bản sắc, an ninh nông thôn được giữ vững. Cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Nhiều cách làm mới sáng tạo, năng động, quyết liệt đã giúp Thanh Ba đột phá trong xây dựng NTM. Trong đó, điển hình nhất việc tích tụ ruộng đất cùng những tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã tạo ra những đột phá trên đồng ruộng cho bà con nông dân. Đến nay, Thanh Ba có hàng chục mẫu ruộng được canh tác hoàn toàn tự động từ làm đất đến thu hoạch.
"Bắt nhịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật, những nông dân thời công nghệ 4.0 ở Thanh Ba cũng đang chuyển mình, thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận hơn với nền nông nghiệp thông minh. Cũng từ đó, nông dân từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, cải thiện đời sống và thu nhập" - bà Chi nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.