Triển khai dự án giúp nông dân

Chủ nhật, ngày 24/04/2011 07:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của 30 triệu người và ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái.
Bình luận 0

Ngày 22.4, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước, tổ chức triển khai Dự án "Nâng cao nhận thức của các địa phương về tác động của các đập thủy điện trên dòng Mekong đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)", nhằm ứng phó với tình huống xấu nhất khi các đập thủy điện trên dòng Mekong được xây dựng.

Dự án này được tổ chức McKnight Foundation (Mỹ) tài trợ với kinh phí 60.000 USD, triển khai trong 2 năm (2011-2012) ở ba địa phương gồm: TP.Cần Thơ, An Giang và Sóc Trăng. Mỗi địa phương sẽ thành lập một tổ nghiên cứu để đánh giá những "lỗ hổng", thiếu sót trên báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) chiến lược của các đập thủy điện trên dòng Mekong đối với ĐBSCL do Ủy ban Hội sông Mekong (SEA) đưa ra.

img
Sạt lở trên sông Mekong (đoạn chảy qua ĐBSCL) có thể nghiêm trọng hơn, khi các con đập được xây dựng phía thượng nguồn.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập nước cho rằng: "Cuối năm nay, sẽ có cuộc họp cấp bộ trưởng của 4 nước gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, để đưa ra phán quyết cuối cùng về việc xây dựng đập Xayabouri.

Nếu đập này được xây dựng sẽ tạo tiền lệ để các đập khác xây dựng theo. Và việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của 30 triệu người và ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái".

Theo tiến sĩ Thành, ĐBSCL là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, rất ít người biết được báo cáo TĐMT chiến lược mà SEA đưa ra, do đây là bản bằng tiếng Anh và chỉ đăng trên trang website của SEA.

Trong thời gian qua nhiều cơ quan, tổ chức… đã nói về tác hại của đập thủy điện với với hạ nguồn sông Mekong. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa có nhiều ý kiến bởi chưa thật hiểu về những tác hại này. Do đó, dự án này sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn để có những giải pháp thích ứng và tự cứu mình.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Trưởng Nhóm Nghiên cứu quốc tế về đánh giá TĐMT chiến lược thì có những điều chúng ta ít được biết như đập nào ở gần ĐBSCL nhất. Đó là đập Sambor (Campuchia) có bề ngang khoảng 18km, cao 56m, mực nước khi tích cao khoảng 40m so với mực nước biển. Nếu như đập này cũng được xây dựng thì hiểm họa chực chờ đối với ĐBSCL bởi khối nước khổng lồ ở phía trên.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước, cho rằng, nếu tạm hoãn xây dựng đập Xayabouri thì sẽ tạm hoãn tất cả các đập còn lại. Trong thời gian tạm hoãn, chúng ta cần vận động, thuyết phục nước bạn Lào, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp Lào tìm những giải pháp phát triển kinh tế thay thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem