Triết lý "6 cây, 2 con" đất nghèo Quảng Trị: Bỏ cây cao su? (kỳ 1)

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 12/12/2017 09:35 AM (GMT+7)
LTS: Quảng Trị đã chọn 6 cây (cao su, cà phê chè, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản và dược liệu, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, gỗ nguyên liệu) và hai con (bò, tôm) để đẩy mạnh sản xuất, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế. Viễn cảnh thì rất tươi đẹp, nhưng thực tế, để đạt được mục tiêu đề ra, bài toán “6 cây 2 con” đối với vùng đất một thời là chiến trường án liệt này không hề đơn giản…
Bình luận 0

Sau mỗi cơn bão đi qua, nhìn hàng loạt ha cao su bị gãy đổ thì câu hỏi có nên trồng cao su ở dải đất miền Trung nói chung và đất lửa Quảng Trị nói riêng hay không lại được đặt ra (NTNN đã nhiều lần đề cập). Đến nay, câu hỏi đó vẫn chưa có đáp án.

Nước mắt cao su

img

Trong khi chưa tìm được cây trồng thay thế có giá trị ngang hoặc hơn cao su, nông dân Quảng Trị cố gắng bám trụ với cây trồng này.  Ảnh: Ngọc Vũ  

Theo bà Nguyễn Hồng Phương, trước mắt cần giải bài toán làm sao để hạn chế thiệt hại do bão gây ra với cao su. Như vậy thì những vùng cách biển từ 10-15 km chỉ nên chăm sóc, thu hoạch vườn cao su hiện có, không tiếp tục tái canh, trồng mới và cần khuyến khích chuyển đổi sang cây tiêu hoặc cây ngắn ngày.

Đã 4 năm trôi qua nhưng tôi vẫn chưa thể nào quên đôi mắt rớm lệ của ông Trần Xuân Lực (thôn Khe 3, Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh) khi ông đứng thẫn thờ nhìn vườn cao su hoang tàn sau cơn bão số 10 năm 2013. Cơn bão Bướm đã khiến 3ha cao su với 1.700 cây của ông Lực bị đổ ngã hơn 70%. Trước đó vào năm 2009, 1ha cao su của ông Lực cũng đã bị lốc xoáy cuốn sạch.

Chẳng riêng nhà ông Lực, cơn bão số 10 năm 2013 khiến gần 10.000ha cây cao su bị gãy đổ, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, thiệt hại ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Mới đây, cơn bão số 10 năm 2017 chỉ mới quét nhẹ qua địa bàn Quảng Trị đã khiến hơn 2.900ha cao su bị gãy đổ, trong đó diện tích thiệt hại trên 70% chiếm gần phân nữa. Những ngày này, bà Lê Thị Thanh (thôn Kinh Tế Mới, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) vẫn thường xuyên bôi thuốc trị vết thương cho những cây cao su bị gãy, buộc phải cưa đốn. Bà Thanh cho biết, gia đình bà vay vốn ngân hàng trồng được 1ha cao su với 500 cây vào năm 2005. Thời điểm mới trồng, cả gia đình tin rằng sau 10 năm kinh tế sẽ khá giả. Lý do vì thời điểm đó giá cao su cao, thu nhập của công nhân cao su ở các nông trường, công ty là niềm mơ ước của hàng ngàn nông dân bình thường.

Sau 8 năm chăm sóc, đến khi thu hoạch thì vườn cao su nhà bà Thanh cứ thưa dần sau mỗi cơn bão quét qua. Chỉ riêng 2 cơn bão số 4 và số 10 năm 2017 đã làm gãy, đổ gần 100 cây cao su của bà. “Thu nhập chính của người dân chúng tôi phụ thuộc vào vườn cao su, nên mỗi lần bão đến là nơm nớp lo sợ. Bão làm gãy ít thì còn có cái ăn chứ bão quét sạch thì thất thu, cuộc sống sẽ khó khăn” – bà Thanh nói.

Không bỏ được

Hình ảnh quen thuộc mà các phóng viên ghi nhận là những giọt nước mắt khóc than giữa vườn cao su hoang tàn mỗi khi bão quét qua. Và sau đó, người dân nhiều nơi ở Quảng Trị động viên nhau “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” để giúp nhau khôi phục vườn cao su. Nói như lời bà Thanh, không trồng cao su thì biết trồng cây gì. Họ tin rằng bão ngày càng nhiều nhưng không thể bẻ gãy hết cao su. Dù sao đi nữa, cao su vẫn là cây mang lại thu nhập khá cho nông dân...

img

Ông Trần Văn Cảnh (xã Gio An, huyện Gio Linh) cho biết, đất nước thống nhất, tỉnh có chính sách di dân từ đồng bằng lên vùng Tây Quảng Trị làm kinh tế mới. Nhiều nông trường được lập, thử nghiệm nhiều loại cây nhưng chỉ cao su mới đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bà Nguyễn Hồng Phương – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho hay, nhìn lại lịch sử mới thấy vai trò của cây cao su quan trọng khi làm thay đổi diện mạo của tỉnh. Thời điểm trước năm 2013, khi giá cao su cao, đời sống người trồng cao su, công nhân các công ty cao su khấm khá. Nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ cao su. Có thời điểm thống kê từ ngân hàng cho thấy, đa số nông dân gửi tiền tiết kiệm là người trồng cao su.

Bà Phương khẳng định cao su là cây xóa đói giảm nghèo, giúp dân làm giàu và đã có chỗ đứng hàng chục năm nay tại tỉnh. Do biến đổi khí hậu nên tần suất bão ngày càng nhiều gây thiệt hại cho cao su. Sau mỗi cơn bão, câu hỏi nên tiếp tục trồng hay thay thế cao su bằng loại cây khác lại được đặt ra, nhưng đến nay chưa ai trả lời được.

Bà Phương cho biết, nông dân chỉ chú trọng đến việc mở rộng diện tích mà chưa quan tâm đến việc trồng cây tạo vành đai chắn gió cho vườn cao su; cây cao su phát triển tự nhiên nên quá cao, dễ gãy... Vì vậy, nông dân cần tuân thủ quy trình trồng cao su như trồng vành đai chắn gió cho vườn cao su; khi cây đạt độ cao 2,5m nên cắt tỉa tạo hình để hạn chế chiều cao; nâng mật độ từ 500 gốc/ha lên 600 gốc/ha. Đặc biệt, các nhà khoa học nông nghiệp cần nghiên cứu ra giống cao su dẻo dai, có sức chống chịu tốt hơn với gió bão giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem