Phụ nữ sinh con được tăng trợ cấp thai sản từ ngày 1/7/2024

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 17/08/2024 14:00 PM (GMT+7)
Ngoài chế độ như thăm khám thai, nghỉ dưỡng sức, lao động nữ khi mang thai, sinh con còn được hưởng các khoản tiền thai sản.
Bình luận 0

Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các đối tượng sau đây: Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Như vậy, đối tượng được hưởng chế độ thai sản khi sinh con sẽ bao gồm lao động nữ sinh con và lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Hướng dẫn cách tính tiền trợ cấp thai sản khi sinh con năm 2024

Mức hưởng tiền nghỉ những ngày đi khám thai được tính theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Cách tính tiền thai sản khi sinh con mới nhất sau ngày 1/7/2024 - Ảnh 1.

Cách tính tiền thai sản mới nhất kể từ sau khi tăng lương cơ sở từ 1/7/2024. Ảnh: N.N

Trường hợp lao động nữ hưởng chế độ khi khám thai đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

Mức hưởng một ngày đối với trường hợp hưởng chế độ khi khám thai được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.

Từ quy định trên thì công thức tính tiền thai sản khi khám thai như sau:

Tiền thai sản = Số ngày nghỉ x (100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ khám thai/24)

Tiền trợ cấp thai sản một lần khi sinh con

Mức trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở (4.680 nghìn đồng) tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Cách tính tiền thai sản khi sinh con mới nhất sau ngày 1/7/2024 - Ảnh 2.

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội tham gia buổi tư vấn chính sách pháp luật lao động trong đó có chế độ thai sản cho lao động nữ. Ảnh: KTĐT

Theo đó, Nghị định 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 2.340.000 đồng/tháng.

Từ quy định trên thì mức trợ cấp một lần khi sinh con = 2.340.000 x 2 = 4.680.000 đồng.

Tiền thai sản đối với lao động nữ sinh con

Thời gian hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Mức hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Ví dụ về trường hợp hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:

(VD1) Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng BHXH như sau:

- Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = ((5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2))/6 = 5.500.000 (đồng/tháng)

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.

Và số tiền hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con của chị C = 5.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 33.000.000 đồng.

(VD2) Chị D sinh con ngày 13/5/2017 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình đóng BHXH như sau:

Từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2016 (24 tháng) đóng BHXH với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;

Từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;

Từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng BHXH.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị D được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghĩ việc = ((7.000.000 x 4) + (8.500.000 x 2))/6 = 7.500.000 (đồng/tháng)

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị D là 7.500.000 đồng/tháng.

Và số tiền mà chị D được hưởng chế độ thai sản trong thời gian sinh con = 7.500.000 đồng/tháng x 6 tháng = 45.000.000 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem