Trò nghèo vững bước tới trường

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 16/10/2015 07:45 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) nghèo ở các tỉnh vùng Tây Nguyên đã được “tiếp lửa” trên con đường học tập và lập nghiệp.
Bình luận 0

Nuôi trọn ước mơ

Rơ Ô Phong (thôn Đoàn Kết 1, xã Ea Tih, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) sinh ra trong gia đình nghèo. Nhà có 3 anh em nhưng 2 người anh của Phong đành phải bỏ học giữa chừng để đi làm phụ giúp bố mẹ. Riêng Phong, phần tự nhận thức được việc học, phần được gia đình động viên nên đã vượt qua nhiều khó khăn để trở thành trò giỏi. Mơ ước lớn nhất của Phong lúc ấy chính là được đặt chân đến giảng đường đại học. Vậy nhưng chính cái ngày nhận được giấy báo nhập học vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, lòng Phong lại rối bời: “Em quyết tâm khăn gói đến trường nhập học dù trong tay gần như chẳng có tiền. Thật sự lúc đó em rất hoang mang, chưa biết sẽ phải làm gì để có tiền đi học. Song em vẫn cứ đi với suy nghĩ học được đến đâu hay đến đó”.

img

H’Trim (trái) - con gái ông Y Vý Nê được vay vốn học xong đại học và trở về phục vụ địa phương. Ảnh: D.H

Rất may, cũng ngay trong thời điểm ấy, tháng 9.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 157 (QĐ 157) về tín dụng đối với HSSV. Đây thực sự là cái “phao” giúp ước mơ của Phong vượt khó. Với 8 triệu đồng được vay từ Ngân hàng CSXH mỗi năm, Phong đã được tiếp thêm động lực vượt qua khó khăn. “Trong thời gian em học thì bố mất. Khi ấy khó khăn càng trở nên rất lớn đối với em. Nếu không có nguồn vốn vay của ngân hàng có lẽ em đã bỏ học. Nhưng em đã nuôi trọn được ước mơ…”- Phong tâm sự.

 Ông Y Vý Nê ở buôn Truôn, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, gia cảnh nghèo khó lắm. Nhưng niềm vui lớn nhất của đời ông chính là 2 đứa con  được ăn học đến nơi đến chốn. H’Trim và H’Blim-hai đứa con gái của ông giờ một làm giáo viên mầm non, một làm kế toán ở xã Ea Tih. “Nếu không có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH thì chắc chắn 2 con tôi đã nghỉ học”- ông Y Vý bày tỏ.

Động lực cho trò nghèo vượt khó

" Việc giúp con em đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi để học tập không chỉ là góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tri thức cho xã hội”.


Ông Phùng Thế Vinh

Chỉ tính riêng tại tỉnh Đăk Lăk, kể từ khi có QĐ 157 đến nay, gần 100.000 HSSV được vay vốn học tập từ Ngân hàng CSXH tỉnh với số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Ban đầu số tiền cho vay đối với mỗi HSSV tối đa là 8 triệu đồng/năm thì nay đã nâng lên 11 triệu đồng/năm cho phù hợp với tình hình giá cả thực tế. Cấp ủy, chính quyền và đông đảo đồng bào đều khen ngợi QĐ 157 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp với lòng dân, góp phần tạo nên sự bình đẳng về học tập trong xã hội.

Bà Vũ Thị Lại - Phó Chủ tịch xã Ea Tih cho biết: “Với địa phương nghèo như Ea Tih, chương trình tín dụng HSSV của Chính phủ giải ngân qua Ngân hàng CSXH thực sự đã tạo được động lực rất lớn để con em các gia đình nghèo, đặc biệt là con em đồng bào DTTS có thêm quyết tâm vượt khó học tập. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã trở về phục vụ địa phương”.

Theo ông Phùng Thế Vinh - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, chương trình tín dụng HSSV hàng năm đã giúp hàng chục ngàn học trò Tây Nguyên được đến trường. Đây là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi mang ý nghĩa nhân văn to lớn. Đối với khu vực Tây Nguyên- nơi tập trung rất đông đồng bào DTTS, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn thì chương trình càng có ý nghĩa hơn rất nhiều. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem