"Trọc phú kiến thức" hay "Những người buôn đồ cũ về tư tưởng"

Hoàng Hải Vân Thứ tư, ngày 21/09/2022 10:44 AM (GMT+7)
Từ lâu rồi dân chúng hiểu, tin, ủng hộ hay phản đối các tư tưởng hoặc sự kiện xã hội thường thông qua lăng kính của giới trí thức. Chớ vì thấy tri thức của họ cũng nông cạn như chúng ta mà coi thường quyền lực của giới "buôn đồ cũ" về tư tưởng này. Họ nắm được quyền lực bằng việc nhào nặn và định hướng dư luận.
Bình luận 0

Đọc bài phát biểu của nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận) tại Lễ khai giảng Đại học Fulbright được đăng lại trên trang cá nhân bạn ấy với đầu đề "Trọc phú kiến thức" đang gây tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội, tôi là người đứng về phía ủng hộ.

Xin được "phụ hoạ" thêm một vài nhận thức của tôi, ở phạm vi hẹp hơn. 

Tôi may mắn nhiều lần được hầu chuyện với Giáo sư Bùi Huy Đáp, nhà nông học lỗi lạc của nước ta. Ông là "cha đẻ" lúa xuân và mùa vụ. Ông kết hợp những tri thức khoa học với kinh nghiệm thực tiễn của người nông dân bao đời nay trên từng mảnh đất với đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau và để lại những di sản khoa học độc đáo trên đồng ruộng Việt Nam. 

Những di sản đó đủ làm bệ đỡ cho một cuộc hoàn nguyên trong tương lai sau sự tàn phá của cuộc cách mạng xanh cưỡng bức thiên nhiên và cây cối với một lượng chất độc khổng lồ phủ khắp đất nước. 

Những di sản ông không chỉ đẫm tư tưởng triết học về thiên nhiên và con người mà còn được "di truyền" trong kỹ năng của người nông dân qua các thế hệ. 

Từ hoạt động thực tiễn, ông chính là một nhà tư tưởng khai nguồn, tri thức của ông là "nguyên bản" không vay mượn. Đến những năm tháng cuối đời, khi bi tai biến không đi lại được, hàng tuần ông vẫn viết cho báo Nông thôn ngày nay những bài báo sinh động không hề sáo mòn, mỗi bài là một "nguyên bản" không vay mượn, kể cả vay mượn của chính ông.

Ông không coi trọng những nhà khoa học "biết tuốt". Ông nói, một tiến sĩ về sinh học chỉ đủ thẩm quyền nói về chuyên môn của mình, nói qua những vấn đề khác thì tri thức thực học của anh không thể bằng người khác, bởi vậy chỉ có hại chứ không có lợi cho ai. 

Trở lại cái đầu đề. "Những người buôn đồ cũ về tư tưởng", là định nghĩa của triết gia tự do vĩ đại F. A. Hayek (tác giả cuốn sách nổi tiếng "Đường về nô lệ") về giới trí thức (the intellectuals). Chính xác trong một tiểu luận, ông dùng cụm từ ""the professional secondhand dealers in ideas" (những người buôn bán đồ cũ chuyên nghiệp về tư tưởng) để nói về họ. 

Giới trí thức điển hình mà Hayek muốn nói ở đây không phải là các nhà tư tưởng khai nguồn (original thinkers) như Giáo sư Bùi Huy Đáp, không phải là học giả hay chuyên gia về các lĩnh vực tư duy cụ thể, mà là một tầng lớp rộng lớn những người "có học" thường tiếp xúc với công chúng do có điều kiện viết hoặc nói về vô số các chủ đề. 

Họ là các nhà báo, chuyên gia bình luận thời sự, giảng viên, nhà văn, giáo sĩ, nghệ sĩ…, là những người có tri thức về những vấn đề xã hội không hơn những người bình thường như chúng ta, nhưng lại có điều kiện tiếp cận các sự kiện, tư tưởng mới và truyền đạt chúng nhanh hơn những người khác. 

Ngay cả đối với các nhà khoa học, các học giả, các chuyên gia kỹ thuật với kiến thức uyên thâm về lĩnh vực chuyên môn của họ, nếu không giới hạn hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn mà chuyển qua các hoạt động mang tính truyền tải thông tin và tư tưởng về hàng loạt chủ để họ không biết hơn người bình thường nhưng được công chúng kính trọng và lắng nghe vì uy tín chuyên môn, những người này cũng sẽ nhanh chóng không còn là nhà khoa học, học giả hoặc chuyên gia nữa, mà gia nhập vào giới trí thức.

Tóm lại, giới trí thức, theo định nghĩa của Hayek, là những người có kiến thức về hầu hết các vấn đề xã hội không hơn gì chúng ta (trừ kiến thức chuyên môn hẹp), nhưng lại chi phối chúng ta về hầu hết các vấn đề xã hội.  

Từ rất lâu rồi dân chúng hiểu, tin, ủng hộ hay phản đối các tư tưởng hoặc sự kiện diễn ra trong xã hội thường thông qua lăng kính của giới trí thức. 

Hayek cho rằng, chớ vì thấy tri thức của họ cũng nông cạn như chúng ta mà coi thường quyền lực của giới "buôn đồ cũ" về tư tưởng này. Họ nắm được quyền lực bằng việc nhào nặn và định hướng dư luận.

Hayek đề cập vấn đề này từ gần 70 năm trước nhưng đến nay vẫn mang tính thời sự. Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông, nhất là khi Internet và mạng xã hội trở thành công cụ vô cùng lợi hại trong tiếp cận và truyền tải thông tin, ở nước ta đang có rất nhiều nhà khoa học và chuyên gia hẹp dần dần từ bỏ chuyên môn của mình để gia nhập vào giới trí thức. 

Trang Tử từng nói sách vở là đôi dép mục của tiền nhân. Những gì người ta viết ra được đều không mấy giá trị, những thứ có giá trị thật sự thì không thể viết ra, như chuyện của người đẽo bánh xe mà Trang Tử dẫn chứng. Đẽo nhanh thì sắc mà không chính xác, đẽo chậm thì chính xác nhưng không sắc, đẽo làm sao vừa sắc vừa chính xác phải xuất phát từ tâm mà ước lượng, kinh nghiệm đó không truyền được cho ai, phải thực hành lâu ngày mới làm được. 

Sách vở ngày nay, bao gồm lượng thông tin đồ sộ lưu hành trên Internet, ai cũng có thể tiếp cận, nhưng chúng chỉ có thể biến thành tri thức của mỗi người thông qua chọn lọc nghiên cứu đối chiếu và thực hành. 

Nếu không thì tất cả cũng chỉ là "đôi dép mục", giới trí thức nước ta cũng chỉ là "những người buôn bán đồ cũ về tư tưởng" như Hayek định nghĩa mà thôi. 

Và nói như bạn Đinh Đức Hoàng, đó chỉ là những "trọc phú kiến thức".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem