Tròn 1 năm dỡ bỏ phong tỏa, kinh tế Vũ Hán giờ ra sao?

08/04/2021 10:08 GMT+7
8/4/2021, tròn 1 năm kể từ ngày cuộc phong tỏa Vũ Hán khắc nghiệt kéo dài 76 ngày kết thúc. Nhưng nền kinh tế địa phương vẫn đang “mất đà” so với tốc độ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch, Trung Quốc đã tuyên bố kiểm soát đại dịch thành công từ lâu. Nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên toàn cầu ghi nhận tăng trưởng thực trong năm 2020 với mức tăng GDP 2,3%. Tuy nhiên, kỳ tích đó chưa xảy ra ở Vũ Hán - tâm chấn đầu tiên nơi dịch bệnh bùng phát, cũng là một trong những thủ phủ công nghiệp của Trung Quốc trước đại dịch. Tròn 1 năm trôi qua kể từ khi dỡ bỏ phong tỏa, Vũ Hán mới chỉ đi được một nửa chặng đường phục hồi kinh tế.

Phần lớn nguyên nhân được cho là do doanh thu bán lẻ và du lịch vẫn mắc kẹt ở mức thấp. Các cửa hàng quy mô vừa và nhỏ đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, một số buộc phải đóng cửa. Wang, một người thợ làm bánh 40 tuổi ở Vũ Hán chia sẻ ông từng mở cửa hàng bánh vào tháng 7/2020 và lỗ tới 500.000 NDT (76.430 USD) do công việc kinh doanh không thể trở lại mức trước đại dịch. Buộc phải đóng cửa tiệm bánh, ông Wang không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc làm tài xế taxi để kiếm sống.

Cuối tuần gần nhất, ghi nhận của Nikkei Asian Review cho thấy có rất ít người dân đi dạo trong khu mua sắm Guanggu International Plaza ở trung tâm thành phố. Gian hàng Urban Revivo, một chuỗi cửa hàng thời trang nhanh của Trung Quốc tại trung tâm mua sắm này đã đóng cửa từ tháng 3. Hết thương hiệu này đến thương hiệu khác đã rút khỏi trung tâm, hiện chỉ còn 10 cửa hàng vẫn còn hoạt động, một nhân viên tại Guanggu International Plaza cho hay. Cũng ở Vũ Hán, Trung tâm mua sắm Luxiang Plaza thậm chí còn chịu số phận tồi tệ hơn khi buộc phải đóng cửa toàn bộ tòa nhà vĩnh viễn kể từ hôm 1/4.

Tròn 1 năm dỡ bỏ phong tỏa, kinh tế Vũ Hán giờ ra sao? - Ảnh 1.

Sự vắng vẻ tại trung tâm mua sắm Guanggu International Plaza phản ánh một phần tốc độ phục hồi kinh tế yếu ớt ở Vũ Hán

Doanh số bán lẻ ở Vũ Hán đã giảm 3,6% trong hai tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019, một năm trước khi đại dịch bùng phát tại thành phố. Điều này trái ngược hoàn toàn với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ 6,4% được ghi nhận trên toàn Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, một số thành phố như Tô Châu, Thành Đô và Nam Kinh - nơi có quy mô kinh tế tương đương với Vũ Hán - đã ghi nhận doanh số bán lẻ tăng lần lượt 13,1%, 8,0% và 15,7% trong cùng kỳ. So sánh về quy mô GDP năm 2020, Vũ Hán, Tô Châu, Thành Đô và Nam Kinh lần lượt được xếp thứ 9, 6, 7 và 10 trên cả nước.

Chính phủ Trung Quốc không báo cáo ca lây nhiễm cộng đồng Covid-19 nào tại Vũ Hán kể từ tháng 6/2020 đến nay. Nghĩa là thành phố 11 triệu dân đã có 10 tháng để hồi sinh trên nhiều mặt. Nhưng thực tế có vẻ không sáng như kỳ vọng.

Ngành du lịch ở Vũ Hán vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch. Doanh thu du lịch ở Vũ Hán trong Lễ hội mùa xuân năm nay giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn mức giảm bình quân toàn quốc là 41%. Sự sụt giảm doanh thu du lịch của Vũ Hán cũng vượt trội so với mức giảm 21% ở Tô Châu, 38% ở Thành Đô và 24% ở Nam Kinh.

Một nữ giám đốc điều hành khách sạn ở Vũ Hán cho biết: "Vũ Hán nổi tiếng là địa điểm lý tưởng để ngắm hoa anh đào. Kể từ tháng 3, lượng đặt phòng đã bắt đầu hồi phục”. Nhưng chưa rõ khi nào ngành du lịch Vũ Hán mới sôi động trở lại như thời điểm trước đại dịch.

Cho đến nay, sự phục hồi kinh tế của Vũ Hán vẫn chủ yếu dựa trên 2 lĩnh vực là sản xuất công nghiệp và nhà ở. Cả hai lĩnh vực này ở Vũ Hán đều ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân chung của cả nước trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019.

Ô tô là ngành công nghiệp lớn nhất của Vũ Hán. Dongfeng Honda Automobile, doanh nghiệp liên doanh của Honda tại Trung Quốc vừa báo cáo doanh số bán hàng tăng 40,6% lên khoảng 135.000 xe trong 2 tháng đầu năm 2021 (so với năm 2019). 

Liên doanh của Nissan Motor cũng đặt trụ sở chính tại Vũ Hán.

Takehiko Saeki, người đứng đầu văn phòng Vũ Hán tại Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết: "Sản lượng sản xuất và doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nói chung là rất mạnh. Đối với các công ty Trung Quốc, sản lượng sản xuất chip bán dẫn và tấm nền cũng đang tăng lên".

Doanh số bán bất động sản Vũ Hán cũng đang tăng lên, đặc biệt là khi Thượng Hải và Bắc Kinh ngày càng trở nên đắt đỏ để đầu tư. Một nhà môi giới bất động sản cho biết doanh số bán căn hộ chung cư ở Vũ Hán đã tăng vọt do nhu cầu bị dồn nén cả từ người dân địa phương và nhà đầu tư. 

Các công ty lớn của Trung Quốc bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com gần đây cũng đã công bố kế hoạch đầu tư vào Vũ Hán như một động thái đáp lại sự khuyến khích của chính phủ Bắc Kinh.


NTTD
Cùng chuyên mục