Trồng cây chưa kịp hái quả đã tan cõi lòng vì bưởi da xanh

Xuân Tuấn Thứ ba, ngày 01/10/2019 10:11 AM (GMT+7)
Mấy năm gần đây, bà con nông dân miền Bắc miệt mài trồng bưởi da xanh - giống bưởi xuất xứ từ miền Nam có chất lượng ngon hảo hạng. Thời gian đầu cây phát triển tốt, nhưng những năm sau cây bưởi cứ lụi dần và chết, nhiều nông dân lâm cảnh trắng tay.
Bình luận 0

Phong trào trồng cây có múi ở miền Bắc vẫn đang phát triển rầm rộ, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng. Đi khắp các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang... đâu đâu cũng thấy bà con nói đến chuyện trồng cây có múi. Cây bưởi, cây cam được nhắc nhiều nhất.  

img

Những năm đầu trồng, cây bưởi da xanh phát triển rất tốt ở miền Bắc. 

Thời gian đầu, cây bưởi da xanh phát triển rất tốt. Quả to, mã đẹp, chất lượng ngon không kém bưởi da xanh trồng ở miền Nam. Một nhà trồng được, nhiều nông dân khác cũng nghe theo "cánh" bán giống tư vấn mà đổ xô trồng bưởi. Sau một vài năm, cây không cho quả đẹp như những năm đầu, lá ngả vàng, sau 5-7 năm trồng, cây bị thối rễ và chết. 

Niềm vui ngắn chẳng tày gang 

Ông Trần Văn Minh ở xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong những hộ dân đầu tiên trồng thử nghiệm cây bưởi da xanh. Không những vậy, ông còn lấy mắt bưởi da xanh ghép vào mấy cây bưởi Diễn trong vườn nhà. Đến năm thứ 3 cây bưởi da xanh cho thu quả bói. Ông bổ ăn thử, thấy chất lượng rất ngon. Thương lái hỏi mua giá 60.000 đồng/kg. Với thời giá ngày đó, không cây trồng nào mang lại lợi nhuận cao bằng cây bưởi da xanh. 

img

Sau thời gian phát triển, cây bưởi da xanh cứ lụi dần. 

Năm thứ hai, thứ ba cho thu hoạch, mỗi cây bưởi da xanh mang lại cho ông Minh cả chục triệu đồng. "Bán cây bưởi mà vui anh à. Có bao giờ, tiền về với người nông dân nhiều đến vậy. Tôi nhẩm tính, cứ đà này, hơn chục cây bưởi da xanh của tôi, trồng cạnh vườn bưởi Tân Lạc, cho thu vài chục triệu đồng một năm" - ông Minh cho biết. 

Niềm vui của ông Minh ngắn chẳng tày gang, cho thu đến vụ thứ 3, ông nhận thấy cây có nhiều dấu hiệu bất thường. Đầu tiên lá bưởi không xanh và to như những năm đầu. Lá co dần và không phát triển, ngả sang màu vàng, thân cây tàn úa. Ông đã dùng đủ các loại thuốc kích rễ, diệt khuẩn, hay dùng vôi bột chữa chạy, nhưng đành bất lực không cứu nổi cây.

Vốn là người làm vườn có tiếng, nên gia đình ông Minh thường đón nhiều chuyên gia nông nghiệp đến thăm. Ông cũng hỏi cách chữa bệnh vàng lá cho cây bưởi da xanh, nhưng các đoàn chuyên gia này đều bó tay. Nhìn cây bưởi tàn úa mà ông xót lòng, xót của. 

img

Điệp khúc trồng rồi lại chặt khiến người nông dân bị thiệt hại nặng nề. 

Không riêng gì ông Mình, nhiều gia đình khác trồng bưởi da xanh ở vựa bưởi Thanh Hối cũng đang mất đi một nguồn thu đáng kể từ bưởi da xanh. Trong khi các giống bưởi khác như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường, bưởi Diễn... phát triển rất tốt thì giống bưởi da xanh cứ lụi dần. Bà con nông dân tìm đủ mọi cách, nhưng không tài nào phục hồi được. 

Hết hy vọng 

Ông Chu Văn Linh, thôn Lai Cách, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội là người đầu tiên đưa bưởi da xanh về trồng ở địa phương. Bưởi của ông Linh có chất lượng ngon không kém so với giống bưởi da xanh được trồng ở các tỉnh phía Nam. Vườn bưởi của ông Linh hiện trồng 200 cây bưởi da xanh, được mua giống từ tỉnh Bến Tre. Trong 4 năm qua, ông Linh đã thuần thục kỹ thuật trồng, chăm sóc loại bưởi đặc sản này. 

Năm 2018, tôi có dịp trở lại thăm vườn bưởi của ông Linh. Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến tôi vô cùng bất ngờ. Đám bưởi da xanh tàn úa. Cây không phát triển mà cứ chết dần. Ông Linh buồn rầu vì tự nhiên mất đi một khoản đầu tư lớn. Dẫn tôi đi thăm vườn, ông Linh than thở: "Mấy năm đầu, cây phát triển tốt lắm. Gia đình tôi cũng chăm nó đến nơi, đến chốn, vậy mà nay, nó cứ chết dần". 

img

Bà con nông dân nên tìm hiểu kĩ và trồng thử nghiệm trước khi trồng đại trà, tránh tình trạng cứ trồng cây đến lúc thu hoạch lại phải chặt đi. 

Năm đầu cây bưởi da xanh cho thu hoạch, ông Linh thu được cả trăm triệu đồng. Năm thứ hai, thu nhập tăng gấp 3 lần. Nhưng đến năm thứ 3, thứ tư, cây bưởi da xanh không cho thu nữa, nó tàn lụi, kéo sập cả hy vọng của ông Linh về những mùa màng bội thu.

"Tôi cất công vào tận Bến Tre lấy giống. Vậy mà, cây vẫn hư hại. Tôi cũng tìm nhiều cách để cứu vườn bưởi, nhưng đành bất lực. Tôi cho rằng, có thể cây bưởi da xanh không hợp với khí hậu miền Bắc. Bởi lẽ, nhiều gia đình khác trồng bưởi da xanh cũng rơi vào tình trạng như vườn bưởi của gia đình tôi" - ông Linh cho biết. 

Không được may mắn như ông Linh, anh Triệu Văn Quyền ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cũng đang đau đầu vì cây bưởi da xanh. Cách đây 5 năm, anh có trồng hơn trăm cây bưởi da xanh chiết mua của ông vua bưởi xứ Mường Trần Văn Hùng ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Sau 5 năm chăm bẵm, anh chưa được thu mà cây đã chết dần. "Tôi lo lắm, suốt mấy năm chỉ trông cây với đất. Vậy mà giờ cây đã chết, bao công của đổ ra giờ thành công cốc" - anh Quyền than thở.

img

Người nông dân luôn làm theo phong trào, ít khi tìm hiểu kĩ về cây bưởi da xanh. 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cây bưởi da xanh trồng ở miền Bắc đều rơi vào tình trạng chết dần, chết mòn sau 6-7 năm. Bà con nông dân đã trả giá đắt khi ồ ạt xuống giống bưởi này. Không ít gia đình đã bắt đầu phải chặt bưởi da xanh, vì không sớm thì muộn, nó sẽ chết. 

Nguyên do vì sao, bưởi da xanh đang phát triển rất tốt lại tàn lụi đi nhanh chóng, Danviet.vn sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem