Clip: Xem lão nông xứ Lạng chăm đào "tiến vua"-đào Thất Thốn.
Là người sành chơi hoa, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc đào Thất Thốn, ông Trần Văn Nhiễm (đèo Vạn Lý, phường Chi Lăng, TP.Lạng Sơn, Lạng Sơn) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên đào Thất Thốn nở hoa đều và đẹp. Vườn nhà ông có khoảng 700 gốc, trong đó có cây đã hơn 20 năm tuổi.
Gốc đàoThất Thốn hơn 20 năm tuổi được khách hàng ở Hà Nội đặt mua với giá 25 triệu đồng.
Ông Nhiễm cho biết, hiện trong vườn những cây có dáng đẹp, từ 15 - 20 năm tuổi đã được nhiều khách VIP, khách quen từ Hà Nội đặt mua từ trước với giá 25 - 30 triệu đồng. Ngoài ra vườn của ông cũng cho thuê đào Thất Thốn để người chơi đào chơi trong dịp tết với giá dao động từ 2 - 7 triệu đồng/cây tùy dáng và tuổi cây. Sau đó đến hẹn lại mang trả lại vườn để ông chăm sóc.
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN thăm vườn đào Thất Thốn rêu xanh phủ kín thân, nụ đang đợi ngày bung nở, ông Nhiễm tâm sự: "Hồi mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm trồng đào Thất Thốn, tôi phải tìm đến các chủ vườn lân cận để học cách chăm sóc đào và kích cho cây ra hoa. Đồng thời tôi tự mày mò tìm hiểu trên mạng về các thế cây, cách chăm sóc, cách uốn nắn giống đào tiến vua này."
“Ngoài chế độ chăm sóc, cách uốn, tỉa cây thì việc tạo môi trường nhiệt, nước cực kỳ quan trọng. Nắm được điểm yếu của loại đào Thất Thốn, việc cho nó nở hoa đúng dịp Tết đã không còn khó khăn nữa. Vận dụng kỹ thuật sẵn có và rút kinh nghiệm trồng đào từ các năm trước, những năm tiếp theo, cứ đến chừng 27 - 28 Tết là nụ hoa bắt đầu chúm chím. Thậm chí có cây con mới trồng được 1 -2 tuổi nhưng đã cho ra nhiều bông đẹp", ông Nhiễm nói.
Ông Nhiễm kiểm tra các cây đào Thất Thốn 1 năm tuổi ông mới lên dáng.
Sau hơn 20 năm gắn với nghiệp trồng đào, tỷ lệ thành công tăng dần. Theo ông Nhiễm, việc chăm đào Thất Thốn vất vả và tốn công hơn rất nhiều so với trồng các loại cảnh khác. "Những loại cây khác có sức đề kháng với thời tiết rất tốt, trong khi cây đào lại rất nhạy cảm. Nhiệt độ thay đổi một chút là trạng thái yếu, khỏe của cây thay đổi. Chỉ cần lơ là một chút là coi như đi tong cả một năm trời uốn nắn”, ông nói.
Xét về mặt thẩm mỹ dưới con mắt người chơi cây, đào Thất Thốn được coi là "hoàng hậu" của các loại đào rừng, bạch đào,... bởi vẻ đẹp tiềm ẩn cũng như nét đẹp tinh tế mà các giống đào khác không có được. Còn xét về tiềm năng kinh tế, thì quả thực người gắn bó với giống đào này phải rất mạo hiểm bởi độ khó tính trong chăm sóc, uốn nắn nhưng một khi nắm được điểm yếu của nó và biết cách khắc phục thì sẽ mang lại hiểu quả kinh tế cao.
"Người trồng và chăm giống đào Thất Thốn phải thực sự đam mê và kiên trì, coi cây như con khi chăm sóc. Người làm đào Thất Thốn là một nghệ nhân bởi phải rất tỉ mỉ, chi tiết và sáng tạo trong khâu uốn nắn từ khi còn nhỏ cho đến khi cây đẹp. Mà muốn cây đẹp được thì ít cũng phải 6 - 7 năm kì công chăm sóc, uốn nắn tạo thế. Món này không phải là món ăn xổi", ông Nhiễm cười đùa.
Chỉ trong 2 - 3 năm, thế cây hoàn thiện, dáng đẹp có thể cho giá 3 - 4 triệu đồng, giá trị kinh tế hơn hẳn so với các loại cây khác. Sau 7 năm là sẽ có cây đẹp, dáng chuẩn nhiều người sành chơi hoa thích.
Khách hàng chủ yếu là dân sành chơi hoa ở Thủ đô, các tỉnh lân cận.
Theo ông Nhiễm, đào Thất Thốn khác với các loại đào thông thường ở các đặc điểm như: thân dày, nhiều vảy, lá đào dài gấp 3 - 4 lần đào thường (chừng 25 cm). Do đó, khi uốn thân và kích mọc nụ người làm phải hết sức khéo léo. Chỉ cần chấm sai mắt vài milimet có thể hỏng cả cây. Sở dĩ người ta gọi là đào Thất Thốn là vì với mỗi đoạn thân cây dài 7 thốn (mỗi thốn chừng một đốt ngón tay), đào sẽ chia cành. Mỗi thốn có 7 hoa. Đặc biệt, hoa đào Thất Thốn rất dày, nhiều lớp, bông to, có màu đỏ tươi. Hoa mọc ra cả từ thân đến cành. Cánh hoa nở ra tròn đều như được sắp đặt.
Ngoài trồng và chăm đào tiến vua, hiện ông Nhiễm còn sở hữu vườn hồng ngoại hàng trăm gốc có giá trị mang lại thu nhập cao mỗi năm. Vườn hoa đào Thất Thốn và hồng ngoại của ông đua nhau khoe sắc khiến nhiều người chơi hoa thích thú, tham quan dịp cuối năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.