Trong điều kiện nguồn nước ngầm ngày càng hạn chế, thủy canh hồi lưu đang là một trong những câu trả lời cho việc tiết kiệm nước.
Hiện tại, hầu hết các vườn dâu trong nhà kính trên địa bàn Đà Lạt đều trồng theo phương pháp thủy canh không hồi lưu. Với các nhà vườn khác, việc trồng chủ yếu vẫn là địa canh không hồi lưu. Nước được cung cấp cho cây theo hệ thống xuôi một chiều, lượng nước thừa sẽ chảy hết ra ngoài môi trường.
Vườn dâu thủy canh hồi lưu của ông Nguyễn Thanh Trúc. Ảnh: D.Q.
Nhận thức được điểm yếu của hệ thống thủy canh không hồi lưu, nhiều nhà vườn ở Đà Lạt đã bắt đầu chuyển sang hệ thống thủy canh khép kín, tức thủy canh hồi lưu. Áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến này, chuyện tiết kiệm nước đã được giải quyết và góp phần rất lớn nâng cao năng suất, chất lượng trái dâu, cây rau cũng như hướng người sản xuất tới việc hình thành quan điểm sản xuất có trách nhiệm với môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, nông dân có trang trại trồng dâu lớn tại khu Cây Mai, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt là một trong những nông hộ áp dụng hệ thống trồng dâu thủy canh hồi lưu. Ông Trúc kể lại, năm 2016, khi mua vườn, ông đã mất tới 300 triệu đồng để khoan nước ngầm. Nhưng, mất tiền mà nước không có, gần một ha vườn đất pha cát khô cháy.
Vậy là để có nguồn nước phục vụ cho gần 5 sào dâu tây New Zealand, ông Nguyễn Thanh Trúc đành sử dụng nguồn nước sinh hoạt do nhà máy nước cung cấp. Ông Trúc kể: “Nước sinh hoạt dùng cho vườn dâu với giá 14 ngàn đồng/m3, nếu sử dụng tưới không hồi lưu thì thực sự quá lãng phí. Vì vậy tôi đầu tư trên 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống ống, dây, bể gom nước làm thủy canh hồi lưu. Tuy chi phí đội lên khá nhiều nhưng hiệu quả thì tới giờ tôi khẳng định là quá thành công, vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm dinh dưỡng”.
Vườn dâu tây trồng theo công nghệ cao và được đầu tư hệ thống thủy canh hồi lưu của gia đình ông Nguyễn Thanh Trúc. Ảnh: Đoàn Kiên (SGGP).
Ông Nguyễn Thanh Trúc tính toán, tùy thời tiết, nhiệt độ nhưng trung bình vườn dâu của ông tưới 8 lần/ngày, mỗi lần hết 6 m3 nước. Nếu là thủy canh không hồi lưu, lượng nước thừa sẽ chảy mất, vừa lãng phí nước, vừa lãng phí lượng phân bón, dinh dưỡng pha trong nước. Nhưng do sử dụng hệ thống thu gom nước hồi lưu, lượng nước thừa được quay trở lại bể trung bình khoảng 40-50%. Và khi tưới lại, ông chỉ cần bổ sung thêm 50% nước và dinh dưỡng mới.
Với hệ thống tưới thủy canh hồi lưu, tính ra, mỗi tháng ông Nguyễn Thanh Trúc tiết kiệm được từ 1-2 triệu đồng tiền nước sạch và xấp xỉ 10 triệu đồng tiền phân bón, dinh dưỡng cho cây. Và với trên 100 triệu đồng đầu tư cho hệ thống thủy canh hồi lưu, chỉ 7 tháng là ông Trúc đã thu hồi vốn.
Còn với anh Tô Quang Dũng, Công ty Trang trại Trường Phúc, đường Nguyên Tử Lực, Phường 8, Đà Lạt, vườn rau ăn lá thủy canh hồi lưu cũng mang lại cho anh thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Công thức dinh dưỡng pha có sẵn, hệ thống tưới tự động hẹn giờ, cây con chỉ cần xuất vườn, vào khay là đặt sẵn vào các lỗ có sẵn. Không phải làm đất, không phải xử lý đất do sử dụng giá thể nên trồng rau trên hệ thống thủy canh hồi lưu rất nhanh, chỉ 30 ngày/lứa, mỗi năm anh Dũng có thể quay vòng tới 12 vụ so với 7, 8 vụ/năm như trồng trên đất bình thường.
Trang trại trồng rau có hệ thống thủy canh hồi lưu của gia đình anh Tô Quang Dũng. Ảnh: Kim Anh (Tienphong).
Ngoài ra, do không xả nước thừa nên trang trại của anh Tô Quang Dũng rất sạch, không mất công làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng nên tiết kiệm công lao động. Hiện thu nhập từ diện tích rau trồng thủy canh đang là thu nhập hiệu quả nhất của trang trại Trường Phúc.
Không chỉ có ông Nguyễn Thanh Trúc, anh Tô Quang Dũng, nhiều công ty, nhà vườn trồng rau, trồng dâu tại Đà Lạt như Bio Frest, Nutri Farm, Lê Hoàng Nhật…đã áp dụng phương pháp canh tác thủy canh hồi lưu. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp thành phố Đà Lạt đánh giá, trồng thủy canh hồi lưu là biện pháp canh tác tiên tiên, đặc biệt hiệu quả trong việc tiết kiệm nguồn nước và dinh dưỡng nuôi cây.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, những vườn áp dụng thủy canh hồi lưu cũng có những yêu cầu đặc biệt như chi phí ban đầu lớn, người trồng phải có kiến thức tốt về sinh lý cây trồng, biết kiến thức quản lý bệnh dịch trên cây tốt bởi thủy canh hồi lưu là môi trường lây rất nhanh từ cây bệnh sang cây lành. Trong điều kiện thực tế thay đổi khí hậu, nguồn nước ngầm ngày càng hạn chế, việc sử dụng canh tác thủy canh hồi lưu là giải pháp hữu hiệu trong tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá: nước sạch.
Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.