Trồng giống ngô gì mà bán cả thân, lá với giá 1 triệu đồng/tấn, có bao nhiêu doanh nghiệp cũng mua hết?

Bình Minh Thứ năm, ngày 16/09/2021 15:50 PM (GMT+7)
"Nếu chỉ phát triển cây vụ đông với cây ngô sinh khối thì lợi nhuận chưa cao, chưa khuyến khích được nông dân nếu chỉ với các chính sách hỗ trợ giống, phân bón. Để phát triển cây vụ đông với cây ngô sinh khối cần có chính sách tập trung đất đai cho người có nhu cầu sản xuất", đại diện Công ty Greenlife Việt Nam chia sẻ.
Bình luận 0

Ngày 16/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKN) phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) và Viện Nghiên cứu ngô đã tổ chức diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc”.

Trồng giống ngô gì mà bán cả thân, lá, có bao nhiêu doanh nghiệp cũng mua hết? - Ảnh 1.

Diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy chuỗi sản xuất ngô sinh khối vụ đông 2021 tại một số tỉnh phía Bắc” được TTKN Quốc gia tổ chức sáng 16/9. Ảnh: Bình Minh

Theo TTKN Quốc gia, những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc ở nước ta phát triển mạnh. Đặc biệt, chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao được xác định là một trong những sản phẩm chăn nuôi lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi.

Tính đến năm 2021, cả nước có khoảng 2,3 triệu con trâu, 5,9 triệu con bò thịt và 332.000 bò sữa. Nắm bắt được nhu cầu thức ăn thô xanh cho chăn nuôi liên tục tăng, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô lấy thân làm thức ăn cho gia súc.

Ngô sinh khối đã được phát triển mạnh thời gian qua ở một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Sơn La… Trong năm 2020, diện tích ngô sinh khối đạt trên 100.000 ha, sản lượng đạt gần 450.000 tấn, các chuỗi liên kết không ngừng phát triển.

Theo tính toán, 1ha ngô lấy thân được canh tác trong khoảng thời gian 80-85 ngày cho năng suất 40-45 tấn/ha/vụ. 

Với giá bán 850.000 đến 1 triệu đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 34-40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 24-30 triệu đồng/ha/vụ. 

Như vậy, với 1 ha trồng ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng 80-90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cây trồng khác.

Trồng giống ngô gì mà bán cả thân, lá, có bao nhiêu doanh nghiệp cũng mua hết? - Ảnh 2.

Nông dân xã Liên Châu, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) thu hoạch ngô sinh khối bán cho doanh nghiệp. Ảnh: Bình Minh

Tại diễn đàn, Đại diện Công ty Greenlife Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, nếu chỉ phát triển cây vụ đông với cây ngô sinh khối thì lợi nhuận chưa cao, chưa khuyến khích được nông dân nếu chỉ với các chính sách hỗ trợ giống, phân bón. Để phát triển cây vụ đông với cây ngô sinh khối cần có chính sách tập trung đất đai cho người có nhu cầu sản xuất.

Hiện Công ty Greenlife Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm ngô sinh khối ép viên, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu bởi việc quy hoạch vùng sản xuất. Nếu các địa phương phát triển cây ngô sinh khối, Công ty muốn liên kết để ký hợp đồng thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Còn theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP T&T 159 (trụ sở tại tỉnh Hòa Bình), ngô sinh khôi có dư địa rất lớn để trở thành ngành sản xuất. "Ngô sinh khối không đơn thuần phục vụ về thức ăn cho gia súc ăn cỏ như: trâu, bò, dê...mà chúng tôi đã chế biến thành thức ăn để nuôi lợn bản địa, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt".

Ông Thắng cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngô sinh khối thành ngành sản xuất hàng hóa thì vai trò dẫn dắt của cơ quan nhà nước là rất quan trọng. Trong đó, TTKN Quốc gia là đầu mối, bởi có mạng lưới khuyến nông ở các tỉnh, thành phố để xây dựng các vùng nguyên liệu về ngô sinh khối.

Trồng giống ngô gì mà bán cả thân, lá, có bao nhiêu doanh nghiệp cũng mua hết? - Ảnh 3.

Nông dân thôn La Phẩm, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội) gieo trồng ngô sinh khối. Ảnh: Bình Minh

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Sỹ Quang, đại diện Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu (trụ ở tại tỉnh Sơn La) cho hay, Sơn La có địa hình không thuận lợi, chủ yếu là đồi dốc, vì vậy năng suất giữa trồng ngô ở khu vực đồng bằng và khu vực đồi núi có sự chênh lệch về chất lượng cũng như sản lượng. "Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở", ông Quang nói.

Qua diễn đàn, ông Quang mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học có những đề tài nghiên cứu để hỗ trợ bà con nông dân cải thiện được năng suất, chất lượng khi trồng ngô sinh khối.

"Về phát triển ngô sinh khối, hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho phát triển ngô sinh khối, các chính sách hỗ trợ nằm chung trong các chính sách phát triển trồng trọt. Định hướng phát triển giống ngô sinh khối được phát triển từ ngô lấy hạt, nhưng với nhu cầu và xu hướng phát triển sản phẩm này, Cục Trồng trọt sẽ xây dựng các tiêu chí về giống ngô sinh khối", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem