Trồng khoai môn bán ngó non mà bỏ túi gần 30 triệu/tháng

30/04/2020 07:00 GMT+7
Có tiệm chụp ảnh, cho thuê váy cưới ở phố nhưng anh Phạm Văn Thắng, xóm Thượng 2, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) vẫn từ bỏ tất cả để về trồng khoai môn. Sau 3 năm trồng khoai môn lấy ngó anh đã có thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng.

Sinh ra tại Ninh Bình, sau khi lớn lên anh Phạm Văn Thắng theo đuổi đam mê của mình là nghề chụp ảnh cưới. Cứ ngỡ như anh Phạm Văn Thắng tưởng đã tìm được hướng đi đúng đắn của cuộc đời mình khi đã là ông chủ của một tiệm áo cưới ở phố.

Thế nhưng, gắn bó với nghề chụp ảnh, cho thuê váy cưới được gần 20 năm trải qua nhiều thăng trầm, anh lại trở nên băn khoăn về con đường tương lai phía trước.

Trồng khoai môn bán ngó non mà bỏ túi gần 30 triệu/tháng - Ảnh 1.

Bỏ nghề chụp ảnh, cho thuê váy cưới về trồng khoai môn lấy ngó, anh Phạm Văn Thắng, xóm Thượng 2, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) bỏ túi gần 30 triệu/tháng.

“Sau khi làm thuê gần 10 năm thì tôi mở được tiệm áo cưới cho riêng mình, nhưng thời gian gần đây làm ăn càng ngày càng kém đi. Trong khi đó chi phí duy trì lớn, lại thường xuyên phải đầu tư mua sắm vật tư mới. Ngồi tính toán lại thấy lợi nhuận thu về chả đáng là bao nhiêu, nhiều khi còn bị âm”, anh Thắng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Sau nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, anh Thắng quyết định từ bỏ tất cả về quê thuê đất trồng khoai môn, bỏ mặc ngoài tay những lời khuyên của bạn bè và người thân, vì trước đó anh đã tìm hiểu về loại cây khoai môn lấy ngó này rất nhiều.

Đầu năm 2107, anh Thắng tìm đến tận Học viện Nông nghiệp Việt Nam để mua giống khoai môn lấy ngó về trồng thử nghiệm trên ruộng đất lúa của gia đình. Hợp đất và được chăm sóc tốt nên cây khoai môn phát triển nhanh. Chỉ sau hơn 2 tháng chăm sóc cây đã cho thu hoạch ngó.

Trồng khoai môn bán ngó non mà bỏ túi gần 30 triệu/tháng - Ảnh 2.

Trung bình mỗi ngày anh Thắng thu từ 40 đến 50 kg ngó khoai môn. Vi giá bán ngó khoai môn trung bình khoảng 22.000 đồng/kg, anh bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng mỗi ngày.

“Chỉ với diện tích vỏn vẹn 3 sào trồng khoai môn, nhưng ngay tháng đầu tiên thu hoạch tôi đã kiếm được hơn 6 triệu đồng từ việc bán ngó. Trong khi chi phí chăm sóc cây khoai môn này thì cực kì thấp, tốn kém khoảng 200 ngàn tiền phân bón, thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định mở rộng quy mô”, anh Thắng nhớ lại.

Từ diện tích nhỏ ban đầu, đến nay gia đình anh Thắng đã mở rộng quy mô trồng cây khoai môn này lên tới hơn 7.000m2, trung bình mỗi ngày cho thu từ 40 đến 50 kg ngó khoai. Với giá bán ngó khoai môn trung bình khoảng 22.000 đồng/kg, anh Thắng bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng mỗi ngày.

Anh Phạm Văn Thắng cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết, trồng khoai môn không nhàn như trồng lúa nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Sau khi trồng khoảng hơn 2 tháng thì khoai bắt đầu cho ngó. Thời tiết thuận lợi thì khoảng 3 – 4 ngày khoai lại ra ngó đợt mới. Mỗi kg ngó khoai môn được bán với giá 22.000 đồng, thị trường tiêu thụ chính ở Tp. Ninh Bình.

Trồng khoai môn bán ngó non mà bỏ túi gần 30 triệu/tháng - Ảnh 3.

Thời gian tới anh Thắng sẽ mở rộng diện tích, hoàn thiện thêm khâu sơ chế, bao gói và xây dựng thương hiệu ngó khoai “Minh Tâm” của riêng mình để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị.

Khoai môn là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại ít bị sâu bệnh nên hiếm khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi sào khoai môn 1 đợt cho thu khoảng 50 – 60 kg ngó, cứ cách 15 ngày sẽ bón bổ sung phân lân để giúp khoai cứng cây, ra ngó nhanh và đều hơn.

Khoai môn giống thường được xuống từ tháng 7 Âm lịch, tới gần Tết Âm lịch thì được thu. Những hộ xuống giống  khoai môn sau thì sẽ có ngó để bán vào tháng Giêng năm sau. Khoai môn được trồng hàng cách hàng 35 cm. Sau đó được phủ rơm để giữ ấm và hạn chế cỏ mọc.

Theo anh Thắng, so với các loại cây trồng khác, khoai môn là loại cây dễ trồng, cách thức chăm sóc cũng đơn giản. Lưu ý bón lót, bón thúc, làm cỏ lúc mới trồng. Còn khi cây khoai môn đã lên cứng cáp thì chỉ cần bảo đảm cấp đủ nước là có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Đặc biệt, với giống cây khoai môn lấy ngó không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thi thoảng xuất hiện con sâu khoai thì bắt bằng tay là hết.

“Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng quay lại sử dụng và ưa chuộng các món ăn dân dã. Ngó khoai môn là một trong những loại rau, thực phẩm như vậy. Ngó khoai môn chế biến thành nhiều món ăn có tác dụng mát, bổ và lạ miệng.

"Tuy nhiên, trước giờ loại ngó mà chúng ta hay sử dụng là ngó khoai của cây khoai nước, khoai dại, thân nhỏ, khó chế biến và thường bị ngứa. Riêng khoai môn là một giống khoai mới, ngó ăn giòn, ngọt và khắc phục được vị ngứa. Do vậy tôi đã quyết định lựa chọn loại cây này để phát triển thành một sản phẩm hàng hóa” – anh Thắng chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Trồng khoai môn bán ngó non mà bỏ túi gần 30 triệu/tháng - Ảnh 4.

Cây khoai môn đang mang lại thu nhập khủng cho gia đình anh Thắng và mở ra hướng làm giàu cho nhiều bà con nông dân ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Theo kinh nghiệm trồng khoai môn lấy ngó của anh Thắng, khoai nên được trồng theo luống có chiều cao 30 cm, rộng 1 m. Cây con hay mắt củ cái được trồng theo hàng với mật độ cây cách cây khoảng 40-45 cm, hàng cách hàng 50 cm.

Nên trồng khoai môn lấy ngó vào khoảng giữa tháng 7 dương lịch để cây con và mắt củ có điều kiện bật mầm, phát triển thân lá. Đến mùa xuân cây sẽ có sinh khối lớn nhất và cho khai thác ngó với năng suất rất cao.

Sau khi trồng khoai môn, dùng ni lông phủ 2 bên hàng, còn giữa luống phủ rơm rạ để hạn chế cỏ dại và giúp khoai ra mầm. Khoai được trồng bằng củ cái có mắt sẽ phát triển nhanh và ra mầm nhiều hơn là trồng bằng cây con.

Phạm Anh/Dân Việt
Tags:
Cùng chuyên mục