Trồng lúa mì trên đất bỏ hoang: Muốn đại trà, cần khảo sát thêm

Thanh Xuân Thứ tư, ngày 22/04/2015 16:03 PM (GMT+7)
Mặc dù cây lúa mì rất thích hợp với vùng đất và khí hậu của một số tỉnh vùng cao ở phía Bắc nước ta nhưng theo khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng, cây trồng này rất hay bị dịch bệnh, khi trổ bông, tỷ lệ lép hạt cao và lại là món “khoái khẩu” cho rất nhiều loài chim. 
Bình luận 0

Hiệu quả chưa cao

Bà Tẩn Mẩy Nhàn- thôn Nậm Pầu, xã Bản Xèo (Bát Xát)- một hộ dân tham gia trồng cây lúa mì nói: “Cây lúa mì trồng thì không khó, thời kỳ phát triển cũng rất nhanh, nhưng khi vào hạt thì lại bị lép nhiều. Thu lúa mì về, hiện tại cũng chỉ biết cho gà, lợn ăn hoặc bán cho người nấu rượu chứ không sử dụng làm thực phẩm cho người được. Năm vừa rồi, lúa mì nhà tôi tuy rất tốt nhưng lại bị chim ăn gần hết”. Cũng theo bà Nhàn, cây lúa mì còn có một nhược điểm là gốc rất cứng, sau thu hoạch muốn dọn ruộng để trồng các cây khác sẽ rất tốn công sức.

img
Lúa mì trồng tại Bát Xát, Lào Cai.    T.X
Ông Lò Kim Sài – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bản Xèo là một trong những người trồng thử nghiệm nhiều nhất cây lúa mì ở xã Bản Xèo cho biết: “Về hiệu quả kinh tế, trường hợp không còn dự án, người dân phải tự bỏ tiền túi ra thì phải mất 95.000 đồng/kg giống, trong khi 1ha mất khoảng 6 triệu tiền giống, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 3-3,5 tấn/ha, với giá bán 6.000 đồng/kg, thì so với cấy lúa thường là không hiệu quả bằng”.

 

Ông Vương Hải Lương – cán bộ Khuyến nông xã Bản Xèo cho biết, kế hoạch của xã là triển khai thử nghiệm 6ha nhưng thực tế chỉ có 42 hộ tham gia với tổng diện tích 4,5ha. “Theo kết quả khảo nghiệm vụ vừa qua cho thấy hiệu quả chưa thực sự rõ ràng. Nhiều diện tích vẫn bị bệnh, bị lép hạt, bị chim ăn, giống đắt… nên chúng tôi để xuất cần khảo nghiệm ít nhất 3 vụ để có đánh giá chuẩn xác, trước khi có quyết định trồng đại trà”- ông Lương nói.

Phát triển tốt trên sườn núi

Ông Kim Jae Ho – chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc cho biết: “Tôi đã tận mắt khảo sát lúa mì trồng ở Lào Cai. Hầu hết lúa mì chỉ phát triển tốt ở phía trên sườn núi. Ở phần chân núi, cây lúa mì bị sâu bệnh rất nhiều... Do đó, việc phát triển đại trà loại cây này cần phải được khảo sát thêm. Tôi nghĩ nếu làm tốt khâu giống, nhất định cây lúa mì sẽ giúp người dân ở miền núi Việt Nam có thêm thu nhập và tránh được tình trạng đất bỏ hoang phí về mùa đông”.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Đắc Thuỷ – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết: “Kết quả đánh giá cho thấy, hơn 40ha lúa mì trồng ở Bát Xát chỗ được, chỗ mất, năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha. Dự án này do Sở KHĐT thực hiện, ngành nông nghiệp không được thẩm định. Quan điểm của chúng tôi là không thể đem người dân ra “thí nghiệm”, cần có bảo hiểm cho người dân khi không đạt sản lượng như kế hoạch đề ra. Chúng tôi cũng đã có báo cáo, kiến nghị lên UBND tỉnh không cho trồng thử nghiệm lúa mì trong vụ tới”.

 Ông Hà Quang Dũng- Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm giống cây trồng quốc gia cũng cho rằng: “Muốn thử nghiệm giống cây trồng mới thì các doanh nghiệp phải ký cam kết bảo lãnh toàn bộ quy trình sản xuất cho người dân. Trường hợp sản lượng không đạt thì phải đền bù cho người dân chứ không thể lấy người dân ra làm thí nghiệm”. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem