Trồng rau đặc sản dưới tán hồng, mỗi tháng thêm 3 triệu đồng bỏ túi

Chủ nhật, ngày 18/06/2017 15:05 PM (GMT+7)
Chị Nông Thị Kim, ở thôn Bản Ngù, xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) trồng xen canh hơn 3.000m2 cây rau đặc sản bò khai dưới tán cây hồng. Cây hồng không hạt có đặc điểm vươn cao, tán rộng nên giữ ẩm cho đất rất tốt khi cây rau bò khai lại ưu ẩm, bóng râm.
Bình luận 0

Tận dụng diện tích trồng hồng không hạt đã cho quả lâu năm, gia đình chị Nông Thị Kim trồng xen canh hơn 3.000m2 cây rau bò khai.

img

Gia đình chị Kim và nhiều hộ dân xã Cao Trĩ có thêm thu nhập nhờ trồng xen canh rau bò khai dưới tán cây hồng không hạt.

Việc trồng xen canh này giúp gia đình chị Kim có thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích. Với 200 cây hồng không hạt, mỗi năm gia đình thu về trên dưới trăm triệu đồng, còn rau bò khai cho thu nhập thường xuyên mỗi tháng khoảng hơn 3 triệu đồng.

Từ hiệu quả thực tế, nhiều hộ dân xã Cao Trĩ cũng thực hiện trồng xen canh cây rau bò khai dưới tán cây hồng không hạt. Hiện nay, xã Cao Trĩ có khoảng 5ha diện tích trồng rau bồ khai thì hơn 50% được trồng dưới tán cây hồng không hạt. Năm 2017, toàn xã tiếp tục trồng mới 3ha rau bò khai.

Diện tích này được ngành chuyên môn khuyến khích người dân trồng xen canh dưới tán cây để mang lại lợi ích kép, tăng hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất nhưng đối với việc trồng dưới tán cây hồng phải có độ tuổi từ 8 năm trở lên bởi cây rau bò khai thuộc họ cây leo.

Do có địa hình đồi dốc thoai thoải, khí hậu mát mẻ nên thôn Khuổi Luông được xã Khang Ninh quy hoạch thành vùng phát triển cây ăn quả, trọng tâm là cây hồng không hạt. Đây được coi là giải pháp giúp người dân vùng cao giảm nghèo bền vững. Từ năm 2011, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 30a giúp thôn Khuổi Luông mỗi năm trồng mới hơn 1.000 cây hồng không hạt.

Tận dụng diện tích trồng cây hồng không hạt ở 4 năm đầu, người dân nơi đây trồng xen canh cây dong riềng. Với khả năng sinh trưởng nhanh, độ che phủ mặt đất tốt cây dong riềng giúp đất giữ ẩm, kiềm chế cỏ dại tạo điều kiện cho cây hồng không hạt phát triển.

Vì vậy, quá trình chăm sóc cây dong riềng với hồng không hạt được diễn ra đồng thời sẽ tiết kiệm được thời gian, sức lao động. Hình thức này gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Ông Lý Văn Nhạy- Phó Chủ tịch UBND xã Khang Ninh cho biết: Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân vùng cao từng bước ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, xã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế cho từng vùng, chú trọng phát triển cây ăn quả lâu năm như cây mận, hồng không hạt, cây đào…Thế nhưng để trở thành sản phẩm hàng hóa cũng phải mất thời gian khoảng 5 năm hoặc lâu hơn.

Theo ông Nhạy, tuy không khuyến khích việc trồng xen canh gây cản trở việc phát triển của cây nhưng thực tế ở các thôn vùng cao chủ yếu là đất đồi dốc, đất khô, việc trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như ngô, dong riềng, lạc…với những diện tích trồng cây ăn quả ở mấy năm đầu vừa chống xói mòn, giữ độ ẩm cho đất giúp tỉ lệ cây mới trồng sống cao, người dân có thêm thu nhập trong quá trình đợi cây ăn quả cho thu hái. 

Theo kế hoạch, mỗi năm huyện Ba Bể phấn đấu trồng mới hàng trăm ha cây ăn quả, hướng tới hình thành vùng sản xuất chuyên canh. Do vậy chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần nghiên cứu, đưa ra các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với hình thức trồng xen canh để giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, xóa nghèo hiệu quả cho người dân./

Hà Nhung (Báo Bắc Kạn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem