Mô hình trồng tràm, chế biến tinh dầu tràm làm giàu của một nông dân Tây Ninh

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 05/05/2022 19:01 PM (GMT+7)
Trên vùng đất bán ngập nước của đảo Nhím ở hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), nhiều nông dân trồng mì, trồng cây ăn trái. Một mình ông Hạnh “đen” đi trồng tràm nấu tinh dầu. Trồng tràm lấy tinh dầu thì nhiều nơi đã làm, nhưng ở Tây Ninh, chỉ có ông Hạnh là người đầu tiên.
Bình luận 0

Trong ánh mắt sâu thẳm ẩn sau làm da rám nắng, ông Hạnh vẫn mơ về ngày hương tràm lan tỏa khắp vùng bán ngập lòng hồ Dầu Tiếng. Và hơn hết là niềm tin sẽ cùng làm giàu với nông dân từ mô hình trồng tràm lấy tinh dầu của ông.

Clip: Ông Trần Thanh Hạnh, phường Long Thành Bắc, TX Hòa Thành (Tây Ninh) trồng tràm lấy tinh dầu trong đảo Nhím trên hồ Dầu Tiếng. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Mất hơn 1 giờ đồng hồ chờ đò, chúng tôi mới đặt chân lên đảo Nhím, giữa lòng hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu). Không khí yên bình, thơ mộng trên đảo dễ khiến du khách bị hớp hồn. Thế nên, phải mất thêm 1 giờ đi lạc trong rừng phòng hộ trên đảo nữa, chúng tôi mới đến được nơi cần hẹn.

 Hiệu quả từ mô hình trồng cây tràm nấu tinh dầu 

Ông Trần Thanh Hạnh, thường gọi ông Hạnh "đen", đón tôi giữa căn chòi cất tạm bên mép nước. Mọi sinh hoạt từ ăn ở đến chế biến tinh dầu tràm gói gém hết trong căn chòi. Bên ngoài, hương tràm cứ thoang thoảng theo gió cuốn vào, nao nao lòng người. 

"Yên chí, tràm ở đây thơm từ sáng tới tối, cứ lấy cơm ăn trước đi rồi nói chuyện", ông Hạnh bảo.

Ông Trần Thanh Hạnh với mô hình trồng tràm lấy tinh dầu trong đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Thanh Hạnh với mô hình trồng tràm lấy tinh dầu trong đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hạnh vốn là công chức nhà nước. Hiện ông vẫn đang làm việc ở Sở Y Tế tỉnh Tây Ninh. Cũng nhờ mối quen biết trong ngành dược, ông mới bén duyên với cây tràm.

Ở Tây Ninh, mía, mì, cao su, lúa là những loại cây trồng chủ lực. Cũng có nhiều người trồng tràm lấy gỗ, nhưng trồng tràm lấy tinh dầu thì chưa có ai làm.

Gia đình có sẵn diện tích trên đất bán ngập đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng, ông mạo hiểm trồng thử.

Bắt đầu từ 5 năm trước, ông nhờ người quen mua hạt giống từ bên Úc gửi về. Nhưng giá hạt giống cao quá, mỗi kg hết 60 triệu đồng, ông chỉ dám mua một ít về thử nghiệm.

Theo ông kể, để trồng tràm thành công thì công đoạn khó nhất là ươm cho hạt giống nảy mầm. Vì là loại cây mới, không mấy người rành kỹ thuật để hướng dẫn.

"Tôi thử hơn nửa năm thì hạt giống hết sạch mà không có cây nào ngóc đầu lên. Lại phải mấy bận đặt mua thêm hạt giống mới, tốn kém cả trăm triệu đồng", ông Hạnh kể.

Tình cờ xem chương trình hướng dẫn trồng tràm trên truyền hình, cuối cùng ông cũng thấy người ta hướng dẫn cách ươm hạt. Mừng như bắt được vàng, ông Hạnh la lớn: "Bí kíp đây rồi".

Hiện ông Hạnh đã trồng gần 5ha tràm Úc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện ông Hạnh đã trồng gần 5ha tràm Úc. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ 7 công đất ban đầu, đến giờ ông đã trồng được gần 5ha tràm Úc. Bao nhiêu công sức, tiền của trước đó coi như "đóng học phí". Ông Hạnh nói chắc nịch: "Bây giờ, tôi ươm giống trong nhà kính hẳn hoi. Ươm cây nào là mọc lên cây cây đó".

Vườn tràm của ông Hạnh hiện đang trồng phổ biến giống tràm 5 gân. Cách gọi tràm 5 gân là do có 5 sọc gân ở trên lá.

Loại tràm này cho hương thơm nồng, lượng tinh dầu nhiều hơn hẳn các giống tràm trong nước như tràm sẻ ở miền Tây hoặc tràm gió ở miền Trung.

img
img
img
img

Giống tràm 5 gân. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hạnh kể, với giá bán 1.500-2.000 đồng/cây giống, 1ha đất có thể trồng 10.000-15.000 cây tràm. Sau 18 tháng trồng, cây tràm cho thu hoạch lần đầu.

Cây tràm càng lớn thì cành lá càng nhiều. Chu kỳ khai thác càng ngắn lại nên số lượng càng tăng lên. Đến năm thứ 2, cây tràm cho thu hoạch 2 lần/năm. Đến năm thứ 3 thì thu hoạch 3 lần/năm.

Mỗi lần thu hoạch, 1 cây tràm thu 1 kg lá.  Cứ 200kg lá sẽ chưng cất được 1 lít tinh dầu. Như vậy, trồng 1ha, năm đầu tiên có thể thu 50 lít tinh dầu tràm. 

Giá tinh dầu tràm (loại thô) hiện bán 550.000 đồng/lít. Mỗi năm ông chiết suất khoảng 500 lít tinh dầu. Sau khi trừ chi phí, ông thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Tinh dầu tràm từ hồ Dầu Tiếng

Đảo Nhím có tổng diện tích khoảng hơn 1.000 ha. Trong đó gần 300ha là đất gò, đất rừng tự nhiên và rừng trồng. Còn lại là vùng đất bán ngập theo mùa.

Khung cảnh yên bình trên đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khung cảnh yên bình trên đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong ký ức của ông Hạnh, từ chỗ suối Nhím chảy ra sông Lộc Ninh, người dân cứ men theo dòng suối Nhím mà khẩn hoang.

Đến năm 1985, công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng được đưa vào vận hành. Phần lớn diện tích đất trong lòng hồ bị ngập. Nông dân rút dần lên khu vực cao hơn.

Trên đảo Nhím hiện không còn cư dân sinh sống mà di dời về đất liền định cư. Ông Hạnh đang cư ngụ ở phường Long Thành Bắc, TX. Hòa Thành.

Người dân chủ yếu trồng khoai mì trên đất bán ngập ở đảo Nhím. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người dân chủ yếu trồng khoai mì trên đất bán ngập ở đảo Nhím. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hạnh kể, những người trước kia còn phần đất trên vùng bán ngập, vẫn thi thoảng vào ra. Họ tranh thủ trồng thêm ít hoa lợi, chủ yếu trồng cây khoai mì.

Người thân của ông cũng đang trồng mì. Nhưng giá trị kinh tế khoai mì mang lại không cao.

"Sau mỗi vụ trồng (hơn 6 tháng), nước dâng lên, nhấn chìm vùng bán ngập. Người dân lại đi làm việc khác", ông Hạnh nói.  

Trên đảo Nhím, ông Hạnh là người duy nhất trồng tràm lấy tinh dầu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trên đảo Nhím, ông Hạnh là người duy nhất trồng tràm lấy tinh dầu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Càng nói về chuyện trồng tràm lấy tinh dầu, ông càng tin tưởng mô hình của mình mang lại giá trị nhiều mặt.

So với trồng khoai mì, trồng tràm lấy tinh dầu hiệu quả hơn hẳn. Vì nếu trồng mì, năm nào nông dân cũng phải bỏ vốn đầu tư và công chăm sóc (1ha khoảng 15-20 triệu/ha).

Phí đầu tư cho cây tràm trong năm đầu cũng tương đương. Nhưng cây mì trên vùng bán ngập mỗi năm chỉ thu hoạch 1 vụ.

Trong khi cây tràm trồng từ năm thứ 2 trở trở đi, không cần chăm sóc. Tràm tự lớn lên như cây rừng hoang dại; hơn 20 năm tuổi mới tái đầu tư trồng mới.

Ngoài việc thay đổi cơ cấu cây trồng, mang lại lợi ích kinh tế; trồng tràm lấy tinh dầu còn có ý nghĩa về môi trường. 

Bỡi vì tràm là cây lâu năm. Rừng tràm càng mở rộng càng tạo ra môi trường xanh sạch.

Chỉ tay ra vạt rừng tràm, ông Hạnh bảo: "Rừng tràm thu hút các loài sinh vật kéo về, làm đa dạng hệ sinh thái trên đảo. Rễ tràm còn có tác dụng chắn sóng, cố định và chống xói mòn đất lòng hồ".

Ông Hạnh bên giàn máy chưng cất tinh dầu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hạnh bên giàn máy chưng cất tinh dầu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giấc mơ đảo dầu tràm

Cái nắng cuối mùa khô hầm hập trong căn chòi tạm của ông Hạnh. Trước mắt chúng tôi, ông nông dân Hạnh "đen" vẫn say mê kể về mô hình trồng tràm lấy tinh dầu.

Càng nói, ông càng cao hứng về dự định đầu tư mô hình của mình theo chuỗi. Hệ thống thiết bị sẽ được đầu tư trước. Vì giàn máy chiết xuất tinh dầu hiện tại vẫn theo công nghệ thủ công.

img
img

Cây tràm càng lớn thì cành lá càng nhiều. Chu kỳ khai thác càng ngắn lại nên số lượng càng tăng lên. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hạnh chia sẻ, đã có đối tác đề nghị đầu tư vốn, cùng với các đơn vị dược phẩm giải quyết đầu ra.

Giống tràm 5 gân cũng sẽ dần nhường chỗ cho giống tràm trà. Đây là giống tràm quý ông phát hiện ra trong nguồn giống nhập khẩu của mình.

Trong các tài liệu nghiên cứu về tràm đều nói tràm trà có chất lượng và giá trị cao. Tràm trà có hương thơm hương thơm đặc trưng, dịu nhẹ hơn tràm 5 gân. Tinh dầu của tràm trà còn ứng dụng được trong mỹ phẩm, trong khi dầu tràm 5 gân chủ yếu dùng trong dược liệu.

img
img

Ông Hạnh tự lấy giống ươm cây tràm để giảm chi phí nhập khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hạnh chăm sóc vườn ươm cây tràm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hạnh chăm sóc vườn ươm cây tràm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện ông đã tự phân lập ra những cây tràm trà tốt nhất để làm giống nhằm giảm bớt giá thành nhập khẩu. Ông sẽ trồng giống tràm trà trên phần diện tích 10ha còn lại. Không chỉ số lượng nhiều hơn mà quy cách trồng cũng bài bản hơn.

Mô hình trồng tràm lấy tinh dầu đã bước đầu mang lại hiệu quả. Giờ đây, ông Hạnh mong chia sẻ cho bà con có nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu.

Vì theo lời ông, nguồn tinh dầu tràm nguyên liệu hiện vẫn nhập khẩu từ nước ngoài, trong nước không đủ nguồn cung.

img
img

Từ năm thứ 3 trở đi, cây tràm có thể tận dụng bán gỗ cho các doanh nghiệp chế biến bột giấy. Ảnh: Nguyên Vỹ

Từ năm thứ 3 trở đi, cây tràm có thể tận dụng bán gỗ cho các doanh nghiệp chế biến bột giấy. Mật ong thiên nhiên hiện có giá từ 1-1,2 triệu đồng/lít. Nông dân cũng có thể nuôi ong ngay trong rừng tràm để tăng thu nhập thêm.

"Khi vùng nguyên liệu được chọn lọc và nhân rộng ra trên vùng đất bán ngập hồ Dầu Tiếng, nguồn thu mang lại cho nông dân sẽ ổn định hơn trồng mì", ông Hạnh chia sẻ.

Theo GS. TS. Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tràm cajuput có phân bố tự nhiên ở nhiều vùng ven biển nước ta. Năng suất và chất lượng tinh dầu loại tràm này thấp hơn rất nhiều so với tràm 5 gân được nhập từ Úc.

img
img

Ngoài sản phẩm tinh dầu tràm nguyên liệu đang cung cấp cho đối tác, ông Hạnh còn tự chế biến thành sản phẩm tinh dầu tinh khiết để bán ra thị trường. Sản phẩm đang chờ Cục sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu độc quyền. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo đề tài Nghiên cứu chọn giống, kỹ thuật trồng và chế biến tràm có năng suất và chất lượng tinh dầu cao do GS. Lê Đình Khả làm chủ nhiệm, các loài tràm chủ yếu để sản xuất tinh dầu là tràm 5 gân (Melaleuca quinquenervia), tràm trà (Melaleuca alternifolia) và một số loại tràm khác. Đây là những loài có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ở Việt Nam.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Tây Ninh sẽ mở rộng trồng cây dược liệu với diện tích hơn 500ha. Trong đó có cây tràm (300 ha); cây hoàn ngọc (50ha); cây kim tiền thảo (20ha); trinh nữ hoàng cung (20ha)...

Thực tế hiện nay, hầu hết diện tích cây dược liệu của tỉnh Tây Ninh vẫn nhỏ lẻ, chưa tập trung; chưa có nhiều nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh sẽ phát triển các mô hình trồng cây dược liệu chính, có ưu thế. Đồng thời xây dựng các vườn nhân giống cây dược liệu, phát triển hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem