Trong vườn có cải ra hoa

Tản văn ĐỖ BÍCH THÚY Thứ hai, ngày 11/02/2019 06:10 AM (GMT+7)
Tôi đã từng có một một khu vườn. Cả tuổi thơ của tôi gắn bó với khu vườn ấy, trong một thung lũng, phía nào ngước lên cũng thấy núi. Và rồi, những tháng năm dài triền miên rảo bước trên những con đường mòn ngoằn ngoèo nhìn xa như sợi chỉ thiếu nữ nào đánh rơi, lại không biết bao lần thẫn thờ trước những mảnh vườn cheo leo. Nhà, vườn đều cheo leo như mắc vào đá.
Bình luận 0

Một hôm nào đó, trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông dài lê thê, tôi đi về phía biên giới. Đường biên luôn ở xa, rất xa, lẫn trong sương mù nặng nề, và gió cuốn sương trôi đi như mưa. Những hạt mưa sương đậu trên người đủ ướt áo. Ở đây, sợ nhất là những ngày sương mù. Tất cả mọi thứ đều trĩu nặng, mái nhà, tán cây, đến cả bầu trời cũng như sắp rơi xuống bằng cái màu xám tro đầy mỏi mệt. Ngày cũng như đêm, trôi đi lê thê. Những mầm cây ngủ yên, khói từ các nếp nhà bay lên chậm chạp, gia súc nằm bẹp trong chuồng, gà mẹ ủ đàn con cù rù góc sân. Những ngày như thế, điều người ta mong nhất không phải là ngô lúa đầy bồ, không phải gia súc đầy chuồng, không phải là trong cạp váy có một cục tiền, mà mong nhất là những tia nắng. Những tia nắng dài tít tắp, vàng, ấm, lấp lánh. Những tia nắng như một món quà.

img

Và hôm ấy, cái hôm tôi đi về phía đường biên, trời đột nhiên có nắng. Ôi chao, nắng như một món quà, từ trời. Và trong cái xóm nhỏ mà tôi dừng chân, cái xóm chỉ có năm, sáu nóc nhà, mọi thứ như bừng dậy. Tôi đã nghĩ là mình đang đi qua một câu chuyện cổ tích, và tất cả đã ngủ một trăm năm. Đúng là cái cảm giác ấy, tất cả đã ngủ, hàng trăm năm. Đột nhiên nắng lên, và tiếng kêu đầu tiên, y như việc thức dậy của câu chuyện, là tiếng một con ngỗng. Một con ngỗng to, với cái lưng màu xám, bụng trắng, mắt tròn, cổ rất dài. Con ngỗng kêu lên những tiếng kíu kíu vô cùng dễ thương. Tôi dừng sững lại. Con ngỗng đang ở trong vườn. Một mảnh vườn như hàng trăm mảnh vườn mà tôi đã đi qua, nằm sau một bức tường rào đá. Con ngỗng vươn cái cổ kiêu hãnh và bước đi lịch bịch giữa hai luống rau cải chạy dài.

Mùa đông, cây cỏ nơi tôi đi qua đều ngủ yên. Những cành lê khẳng khiu, khô khốc, những cành mận mốc thếch, những hốc đất còn sót vài thân cây ngô xác xơ, tất cả đều đang ngủ quên ngày quên tháng. Chỉ có duy nhất, ở trong vườn, một loài cây vẫn xanh um nõn nà non bấy, đấy là cải. Cải là thứ rau duy nhất đi qua được những ngày rét buốt mà vẫn xanh biếc. Trong mảnh vườn mà tôi đang dừng lại, toàn cải là cải. Có lẽ là chủ nhà đã rất chịu khó chăm sóc, bằng việc trộn tro bếp với phân chuồng đã ủ, thật mịn, thật xốp, và phủ lên luống đất trước khi trồng xuống những cây giống bé tí. Và cuối ngày, thi thoảng luống cây được một ít nước. Ít thôi. Mùa này nước hiếm, đi bộ hai ba tiếng đồng hồ mới gùi được một can nước về dùng.

Dù vậy, đất trong vườn luôn tơi xốp, là bởi sương vẫn đọng trên những luống cây và lặng lẽ rơi xuống.

Con ngỗng với cái cổ lênh khênh là thế mà đi giữa hai luống rau cải cũng chỉ nhô lên được cái mỏ. Tôi thích nhất những cây cải trong khu vườn mùa đông. Tất cả ngủ yên, tĩnh lặng, buồn bã, có cái gì đó giống như tủi thân nữa, mặc cho thế sự xoay vần, mặc do những con đường đang mở ra ở tít dưới chân núi kia, và những đường dây cao thế giăng ngang bầu trời như kẻ chỉ. Cái thứ gọi là văn minh đô thị đang ở đâu đó, xa lắm, như là trăm năm nữa cũng chẳng vươn tới. Tôi cũng không biết là mình có mong nó vươn tới nơi này không, khi mà mọi thứ vẫn cứ trôi đi, quen thuộc và nhẫn nại.

img

Trong vườn, những cây cải to, cao, lá dày, đôi khi hơi đắng một xíu. Người ta thường tỉa lá để ăn chứ không chặt cả cây. Mỗi bữa cơm của mùa đông hiếm rau xanh, chỉ cần một hai tàu lá. Hôm nào nhà có khách thì thịt một con gà. Mang dao đi đào một nhánh gừng. Bụi gừng nằm ở góc vườn, lá đã lụi đi, vàng úa, nhưng củ nằm sâu dưới đất thì vàng óng, căng mọng. Đập một nhánh và thả vào nồi nước luộc gà. Nồi trên bếp lục bục sôi, rút bớt củi ra, góc bếp thơm lừng mùi gà, mùi gừng, lửa khẽ khàng reo dưới đáy nồi. Trẻ con ngồi quây quanh bếp, hít hà làn khói đang tỏa ra từ dưới cái vung cũng đen nhẻm như nồi. Gà chín, vớt ra, dùng nước luộc ấy, thả rau cải đã thái nhỏ vào. Nước sôi trào lên là bắc ra. Các cụ nhà ta hay nói, cần tái cải nhừ. Rau cần ăn tái, rau cải ăn nhừ. Nhưng mà cải này không cần sôi lâu, trào một cái là đã chín. Đúng hơn, nó sẽ chín trong quá trình múc từ nồi ra bát tô, múc từ bát tô vào bát cơm. Mùi gừng, mùi gà, mùi cải quện vào nhau trở thành một thứ gì đó quyến rũ vô cùng tận trong cái giá rét của mùa đông đang len lỏi vào tận chân tường.

Lại nói về mảnh vườn trong buổi sáng nắng rót xuống ấy. Con ngỗng lạch bạch đi xuyên qua những luống rau. Bằng cách nào đó mà nó đã chui vào vườn trong khi cổng vẫn đóng. Bà chủ nhà nhìn thấy nó đủng đà đủng đỉnh đi lại thì sợ nó vặt hết lá rau, bà cầm một cái que, huơ huơ trong không trung và miệng thì hét toáng lên. Con ngỗng mặc kệ, lừ lừ đi ra. Rau vẫn còn vương trên mỏ nó.

Những tàu lá cải khẽ lay lay trong gió sớm, nắng óng ánh chiếu xuống những tấm lá ướt vì sương. Bên trong mảnh vườn, sát tường rào với nhà hàng xóm, có một luống đang ra hoa. Những bông hoa vàng li ti, đu đưa trên những cái cọng dài và mảnh, xanh, và phủ một lớp phấn bạc. Trong vườn luôn có những luống cải được trồng vào nhiều khoảng thời gian khác nhau, sớm muộn một hai phiên chợ. Trồng thế để chỗ này cải già rồi thì chỗ kia vừa độ ăn, và chỗ kia nữa thì đang lên. Mùa đông dài lắm, làm sao đủ rau cho suốt mấy tháng trời khi mà trời thì cứ rét tới nỗi khiến cho mọi cái lá đều quăn queo.

Vườn nào cũng có một luống cải để già, ra hoa, ra quả. Luống ấy là để lấy hạt làm giống cho vụ sau. Khi chùm quả dài dài thuôn thuôn trên ngọn của những cây đã hơi khô vỏ, chuyển sang màu trắng bạc, và hằn lên những hạt, thì cũng là lúc các bà mẹ cắt cả cành mang vào nhà, buộc thành bó, và treo lên gác bếp. Cái gì muốn để lâu, không hỏng, cũng cất lên gác bếp. Bó cải làm giống cứ lơ phơ trên ấy, mặc cho khói xông, và bồ hóng thì phủ kín, đến tận vụ sau.

Tôi đứng ở bên ngoài bờ rào, đứng mãi. Bà mẹ Mông đi ra mở cánh cổng gỗ. Bà nói gì đó, tôi không hiểu. Tôi cất tiếng “Chào bác!”, và mỉm cười. Bà cũng cười. Những nếp nhăn trên mặt hằn sâu hơn. Mùi của bếp lửa, của khói, của mèn mén… dường như đang tỏa ra từ bộ váy áo dày cộp trên người bà.

“Bác có mấy luống cải đẹp quá!”. Bà gật đầu. Tôi tin là bà chẳng hiểu tôi nói gì, nhưng có lẽ là bà cảm thấy điều gì đó tốt đẹp, thân thiện chăng?

Tôi chỉ con ngỗng đang sục mỏ trong chiếc máng gỗ để ở góc sân, ngay lối ra vào: “Cháu thích cả ngỗng nữa!”. Bà lại gật đầu, lại mỉm cười.

Tôi đã đi qua khu vườn ấy như thế đấy, trong một buổi sáng trời tặng cho nắng vàng, và vương vấn mãi trong tâm trí về một ngôi nhà nhỏ, có tiếng ngỗng kêu, có những bông cải đang nở hoa vàng, có những chiếc lá mận đã khô, màu nâu, thủng lỗ chỗ vừa đậu trên vai người đàn bà Mông. Vương vẫn cả những nếp nhăn hằn trên khóe miệng bà một cách an yên, hiền hậu.

Sau lưng tôi, trong nắng, tất cả những luống cải đều đang tranh thủ trời ấm lên để nở hoa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem