Trúc lâm Yên Tử - Nơi dòng chảy văn hóa hòa quyện giữa Đạo và Đời

Hạ An Thứ bảy, ngày 08/02/2025 06:30 AM (GMT+7)
"Ơi! Yên Tử non thiêng mãi mãi vẫn còn đây/ Lối mòn chênh vênh nâng bước trên tầng mây...", là những lời ca trong ca khúc "Nhớ về Yên Tử" của nhạc sĩ Xuân Quang. Lời ca như thay cho cảm xúc của hậu thế khi hành hương về miền đất Phật.
Bình luận 0

Trong tâm thức của người Việt, Yên Tử là ngọn núi thiêng gắn với danh xưng "đất Phật". Tiết trời 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, Yên Tử đều luôn mở "lòng" đón nhận từng dòng người tìm về đây, chậm rãi nối bước, hành hương trên đỉnh Phù Vân (tên cũ của Yên Tử). 

Yên Tử bao đời nay vẫn thế và theo dòng chảy của thời gian chỉ đang ngày càng đậm tô thêm những trầm tích, những mạch nguồn văn hoá, sự hòa quyện giữa Đạo và Đời ngày càng sâu sắc.

Trúc lâm Yên Tử - Nơi dòng chảy văn hoá hoà quyện giữa Đạo và Đời- Ảnh 1.

Chùa Đồng - điểm dừng chân cuối cùng của hành trình hành hương về "Đất Phật" cũng là điểm cao nhất ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Ảnh: ĐVCC

Từ bờ suối Giải Oan, khách bộ hành bước dưới những tán cổ thụ hơn 700 năm, băng qua rừng Trúc, đường Tùng uy nghi, vượt hàng nghìn bậc đá cheo leo, cùng nhau chiêm bái những ngôi chùa, ngọn tháp cổ kính ẩn mình trong mây trắng.

Hành trình về Yên Tử không chỉ đơn thuần là thưởng ngoạn thiên nhiên, trải nghiệm tâm linh mà còn là khám phá những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống mà còn là hành trình mời gọi khách bộ hành.

Nhà báo Ngô Mai Phong công tác tại báo Lao Động từng có dòng miêu tả thế này trong một phóng sự của ông về Yên Tử: "Cái thú của người hành hương Yên Tử là đi tìm mình trong cõi tự nhiên. Nói như sư Phù Vân: Núi không có Phật. Phật vốn ở trong tâm. Hãy lặng lẽ mà biết, ấy là chân Phật. Tất nhiên cũng chẳng phải vì lẽ ấy, thiền Trúc Lâm thiếu đi sự uyên minh, màu nhiệm hoặc Yên Tử chỉ đáng là một chốn phiêu du suồng sã".

Trúc lâm Yên Tử - Nơi dòng chảy văn hoá hoà quyện giữa Đạo và Đời- Ảnh 2.

Du khách bộ hành qua đường Tùng hơn 700 tuổi. Ảnh: Hải Lê

Hành trình hòa mình vào thiên nhiên là hành trình của giác ngộ chỉ có thể có ở Yên Tử là vậy! Chả thế mà, Tam tổ Huyền Quang Tôn giả đã có bài kệ: "Buông niềm trần tục/ Náu tới Hoa Yên/ Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy/ Gió tiên đưa đòi bước thần tiên/ Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới/ Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên".

Ngược thời gian theo dấu chân của những bậc tiền nhân, thế kỷ XIII dưới thời Trần, có một vị vua đã cởi hoàng bào, khoác lên mình tấm áo vải cà sa. Đức vua anh minh Trần Nhân Tông (1258 - 1308) lên ngôi khi chưa đầy 20 tuổi, từng lãnh đạo quân dân Đại Việt 2 lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông lừng lẫy (1285 và 1288); từng "khoan thư sức dân", đưa Đại Việt ngày một thêm hưng thịnh. Khi non sông đã "vững âu vàng". Ngài đã cởi bỏ hoàng bào để lên núi Yên Tử tu tịnh, trở thành Điều Ngự Giác Hoàng, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trúc lâm Yên Tử - Nơi dòng chảy văn hoá hoà quyện giữa Đạo và Đời- Ảnh 3.

Tượng Phật Hoàng được phỏng theo mẫu tượng thờ trong Huệ Quang Kim Tháp. Tượng được đúc từ 138 tấn đồng, cao 12,6m (thân tượng cao 9,9m, bệ tượng cao 2,7m) với phương pháp đúc bằng kỹ thuật đổ liền khối, đúc nổi trực tiếp (lò nấu đồng được đặt trên 4 tầng giàn giáo đổ vào khuôn đúc), do các nghệ nhân làng nghề truyền thống ở Ý Yên (Nam Định) và Đại Bái (Bắc Ninh) thực hiện. Ảnh: Hải Lê

Lý giải cho sự lựa chọn đó, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc cho rằng: "Chúng ta không ngạc nhiên tại sao Phật Hoàng lại chọn Yên Tử. Ngài truyền trao ngai vàng, giao cho thế hệ kế tục để lên núi cao, với tầm nhìn rộng. Tuy tu hành nhưng là hướng tới trách nhiệm với quốc gia dân tộc và cộng đồng. Ngài coi tất cả là một, là sứ mệnh thiêng liêng của mình. Vì thế Yên Tử là một vùng đất thiêng, mọi sự nhìn nhận ấy của Ngài đều đặt lợi ích quốc gia dân tộc và đạo Phật của mình lên cao nhất".

Nhờ vậy, lần đầu tiên, dân tộc Việt có một dòng thiền thuần Việt. Kế thừa tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và nhiều thiền sư đi trước, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã thống nhất các dòng thiền đương thời trở thành Thiền Trúc Lâm nhập thế, mang đậm tinh thần và bản sắc văn hóa dân tộc. "Hoà quang đồng trần", "Cư trần lạc đạo", tôn trọng và đề cao giá trị của con người, dùng Đạo để gắn Đời, qua Đời để xiển Đạo. Đạo hòa quyện với Đời và cũng là Đời.

Trúc lâm Yên Tử - Nơi dòng chảy văn hoá hoà quyện giữa Đạo và Đời- Ảnh 4.

Ở Yên Tử còn nhiều am chùa, mộ tháp còn hiện hữu. Ảnh: Hải Lê

"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền".

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức, từ đó hòa quyện trở thành giá trị văn hóa chung của dân tộc.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang chia sẻ: "Phật hoàng Trần Nhân Tông là người thống nhất các thiền phái khác nhau thành thiền phái Trúc Lâm, tạo ra bệ đỡ tư tưởng cho triều đình cũng như toàn đất nước. Phật giáo muốn lan truyền tư tưởng hòa đồng nhân ái, cứu độ chúng sinh và sự thống nhất này có chữ dũng, chất anh hùng, giúp cho giá trị đạo đức được củng cố và phát triển tư tưởng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Phật giáo Trúc Lâm làm được điều đó".

Nhà thơ Giang Nam vân du Yên Tử cũng đã cảm thụ sâu sắc và ghi nhận những ý niệm này qua bài thơ "Lên Yên Tử nghĩ về đất nước": "Lên Yên Tử để lại sau lưng những lo lắng đời thường/ Nghe quá khứ hiện về hào hùng dữ dội/ Đuổi giặc xâm lăng giữ yên bờ cõi/ Lại trở về với rừng trúc, đồi thông".

Từ đỉnh Yên Tử cao 1.068m - ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm, của Điều Ngự Giác Hoàng và các vị tổ kế tục Pháp Loa, Huyền Quang đã lan toả. Dấu chân của các Ngài đã ghé qua Côn Sơn, Thanh Mai (TP Chí Linh, Hải Dương), in trên đá núi dọc dãy Yên Tử, từ sườn tây Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà (Bắc Giang), tới sườn đông Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (TX Đông Triều, Quảng Ninh) và Hoa Yên, Vân Tiêu, chùa Đồng (TP Uông Bí, Quảng Ninh). Hàng trăm ngôi chùa, đền, am, tháp, hàng nghìn hàng vạn kinh văn… chứa đựng di sản lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật đã tạo nên một không gian văn hóa – tôn giáo thống nhất cho cả khu vực.

Trúc lâm Yên Tử - Nơi dòng chảy văn hoá hoà quyện giữa Đạo và Đời- Ảnh 5.

Càng gần lên đến chùa Đồng, khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc càng như được thu trọn vào trong tầm mắt. Ảnh: Hải Lê.

Từng chìm trong sương mờ thời gian, giờ đây, cả Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã và đang được hậu thế gìn giữ và tôn vinh. Những lễ hội mùa xuân, mùa thu rộn ràng bước chân người con Việt, tìm về cội nguồn và khám phá chính mình. Và khi hồ sơ đang đệ trình UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới được thông qua, Những giá trị vô giá dành cho hậu thế của Thiền phái Trúc Lâm sẽ lan tỏa ra ngoài biên giới của nước Việt.

Từ rừng núi Yên Tử, giờ đây, những ngôi chùa, những thiền viện Trúc Lâm mang tinh thần và khát vọng dân tộc, lòng khoan dung, nhân ái của Đạo và Đời đã trải dài khắp đất nước.

Tham khảo thêm


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem