Trung Quốc tham lam muốn có Biển Đông vì kho báu khổng lồ này

Thanh Minh Thứ năm, ngày 04/08/2016 17:00 PM (GMT+7)
Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, phớt lờ phán quyết Toà Trọng tài để âm mưu chiếm trọn Biển Đông với kho báu tài nguyên vô cùng vô tận ở vùng biển này.
Bình luận 0

Chủ quyền quốc gia về vùng đặc quyền kinh tế biển và trật tự hàng hải quốc tế đã được phân định rõ theo công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS). Tranh chấp chỉ trở nên căng thẳng, khi Trung Quốc đơn phương đòi hỏi chủ quyền, chiếm tới 80% Biển Đông. Và từng bước hiện thực hóa nó bằng việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước lân bang. 

Trung Quốc bất chấp mọi thủ đoạn, phớt lờ luật pháp quốc tế chỉ để chiếm trọn Biển Đông bởi kho báu tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ở vùng biển này.

img

Dầu mỏ

Theo một bài báo trên trang National Interrest, năm 1968, dầu đã được phát hiện trong khu vực Biển Đông. Bộ Địa chất và Khoáng sản của Trung Quốc đã ước tính rằng khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là 17,7 tỷ tấn, so với mười ba tỷ tấn ở Kuwait, có khả năng nới có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư trong thế giới.

Trong khi đó, theo một dự đoán của Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng Biển Đông nắm giữ trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đã được chứng minh và ở dạng tiềm năng.

Trước đó theo dự đoán trước đó của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng dầu mỏ tiềm năng ở Biển Đông vào khoảng 2,5 tỷ thùng dầu.

“Rất khó để xác định trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên ở Biển Đông vì phải thăm dò dưới lòng biển sâu trong khi khu vực này có nhiều tranh chấp lãnh thổ”, báo cáo của EIA cho biết.

Theo EIA, khu vực này bao gồm hàng trăm hòn đảo nhỏ, đá và san hô, phần lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, khu vực quanh quần đảo Trường Sa hầu như chưa được kiểm chứng là có dầu và hầu hết các nguồn tài nguyên hydrocarbon được dự đoán nằm ở Bãi Cỏ Rong ở cuối phía Đông bắc của quần đảo Trường Sa. Vùng đất thuộc quần đảo Hoàng Sa hiện không có phát hiện dầu khí nào đáng kể và dự báo tiềm năng cũng không có gì đặc biệt.

“Biển Đông được xem là một nơi cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên hơn là nguồn cung cấp dầu mỏ”, báo cáo của EIA đánh giá.

Nguồn cá khổng lồ

Một trong những nguồn tài nguyên chủ yếu ở Biển Đông chính là cá.  Khu vực này là một trong những khu vực năng suất nhất trên thế giới về đánh bắt cá. Năm 1988, sản lượng đánh bắt cá ở Biển Đông chiếm 8% trên thế giới, nhưng đến năm 2010 con số này đã tăng lên 35%.

Trung Quốc đã dự đoán rằng Biển Đông nắm giữ nguồn cá kết hợp với các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt trị giá  1 nghìn tỷ USD. Ðã có nhiều cuộc đụng độ xua đuổi trái phép, tấn công các tàu cá Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các phương tiện truyền thông cũng thường xuyên báo cáo các vụ bắt giữ ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển không thuộc chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đặc biệt, Trung Quốc còn lập nên một đội “dân quân biển” để đe doạ và xua đuổi ngư dân các nước đánh bắt cá ở Biển Đông, như là một phương tiện để khẳng định chủ quyền trên các bãi cạn, các đá và các thực thể khác trên biển. Bắc Kinh còn khuyến khích ngư dân đi ngày càng nhiều vào các vùng biển đang tranh chấp, thậm chí tài trợ cho ngư dân mua tàu mới hoặc trang bị cho tàu những thiết bị tối tân hơn để trấn giữ các vùng đánh cá.

Vận chuyển thương mại

Khu vực này là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông.

Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực.

Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.

Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar).

Nếu tính cả hàng hóa chỉ đi qua Biển Đông, tổng giá trị hàng hóa được vận chuyển hàng năm qua vùng này lên tới 5,3 nghìn tỷ USD, trong đó có 1,2 nghìn tỷ USD của Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem