Ai mua cao là bán
Vừa thu hoạch 5 công lúa của gia đình, ông Trần Hữu Công (xã Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) nói: “Vụ này, bán lúa dễ quá các chú ạ. Lúa hạt dài, hạt tròn, bị đổ ngã hay không thì các thương lái đều mua. Gia đình tôi có 5 công lúa IR50404, đang thu hoạch thì thương lái đến hỏi mua với giá 4.620 đồng/kg trong khi đó giá thị trường chỉ có 4.600 đồng/kg. Thấy có lời và giá cao nên tôi bán liền. Nghe các thương lái ở địa phương bàn tán tranh thủ mua nhiều để bán lại cho các thương lái từ miền Bắc vào”.
Là một thương lái chuyên thua mua lúa ở Ô Môn và Thốt Nốt, ông Nguyễn Văn Tương cũng cho biết: “Có một số thương lái phía Bắc đến thu mua gạo trực tiếp từ các cơ sở xay xát hoặc một số thương lái lớn, có tiếng đến hỏi mua. Vì thế, một số cơ sở xay xát đã thúc chúng tôi bán lúa cho họ với giá bằng hoặc cao hơn giá các doanh nghiệp xuất khẩu của địa phương thu mua. Cũng vì thế, các thương lái như chúng tôi phải cạnh tranh nhau để có đủ số lượng cung cấp”.
Không riêng ở TP.Cần Thơ, tại một số khu vực đang thu hoạch rộ lúa hè thu thuộc tỉnh An Giang và Đồng Tháp, các thương lái từ phía Bắc cũng thu gom gạo số với giá cao và vận chuyển bằng tàu lớn ra Bắc để xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Để làm rõ thêm về tình trạng này, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Phòng Kinh tế TP.Long Xuyên (An Giang)– nơi có nhiều thương lái phía Bắc đến thu mua. Một lãnh đạo của phòng này thừa nhận: “Đúng là có nhiều thương lái phía Bắc đến địa phương để mua lúa, gạo. Việc này đã diễn ra hơn 1 tháng qua”.
Chúng tôi đã tìm đến cơ sở xay xát lúa gạo Út Sữa (ấp Tân Khánh 6, phường Mỹ Hòa) –một cơ sở xay sát có quy mô lớn ở Long Xuyên.
Chủ cơ sở cho biết: “Thị trường lúa hè thu năm nay rất sôi động, giá lúa, gạo tăng lên liên tục, có ngày tăng lên 200-300 đồng/kg. Do khách hàng yêu cầu nên cơ sở chúng tôi phải tăng công suất để đáp ứng. Các thương lái phía Bắc thường mua với số lượng nhiều, rồi nhờ chúng tôi xay xát gạo luôn, họ cũng không đòi hỏi gì về chất lượng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng trên địa bàn xã Mỹ Hòa có trên 7 cơ sở xay xát nằm rải rác ở ấp Tân Khánh 6, Tân Khánh 7, Tây Huề 2 và Tây Huề 4. Các cơ sở trên có công suất lớn, nằm cặp sông Long Xuyên và các con rạch rộng nên hơn 1 tháng qua lượng ghe tàu chở lúa gạo qua lại rất nhiều, sau đó lúa gạo sẽ được đưa ra khu vực cảng Mỹ Thới (Long Xuyên, An Giang). Tại cảng này, chúng tôi ghi nhận có nhiều tàu có trọng tải từ 2.000 tấn trở lên đang thu gom gạo từ các ghe tàu ở các địa phương chuyển đến.
Hầu hết buôn bán không có giấy tờ
Trước tình trạng thương lái thu mua lúa dồn dập để xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh lúa gạo ở TP.Cần Thơ cho biết: “Có thương lái phía Bắc đến Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL thu mua lúa gạo với giá cao, họ rất kín không cho ai biết và không mua trực tiếp mà thông qua các thương lái, cơ sở xay xát gạo tại địa phương”.
Theo vị giám đốc này, những thương lái thường mua với số lượng rất lớn, nhưng lại không có hóa đơn, chứng từ. Tình trạng này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu mua lúa của các doanh nghiệp ở địa phương để xuất qua đường chính ngạch.
Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Địa bàn TP.Cần Thơ còn vài ngàn ha lúa đang được thu hoạch. Về việc thương lái mua xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chúng tôi có nghe thông tin, nhưng nếu nói đến tính lệ thuộc, ảnh hưởng thì không nhiều lắm bởi chúng tôi luôn khuyến khích người dân sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao để xuất khẩu qua con đường chính ngạch, cụ thể là xuất sang Philippines, Malaysia và không chú trọng vào thị trường giá rẻ”.
Tuy nhiên, theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, năm 2013, chúng ta xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo, trong đó qua Trung Quốc 2,6 triệu từ đường chính ngạch và hơn 1,5 triệu từ đường tiểu ngạch. Không riêng gì cây lúa mà còn rất nhiều các loại nông sản khác, lượng xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc rất lớn.
Mặc dù khi mua, họ không đòi hỏi thủ tục gì, nhưng cách mua này chứa đựng rất nhiều rủi ro, chẳng hạn như hàng hóa mình đã chuyển tới cửa khẩu nhưng họ ngưng mua hoặc tự giảm giá xuống…
TS Bảnh cho rằng: “Xuất khẩu bằng đường chính ngạch vẫn tốt hơn, tránh thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, thì chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền trong dân, khuyến khích sản xuất giống lúa chất lượng cao, có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong khâu sản xuất cũng như tiêu thụ”.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá lúa khô tại khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.750 - 5.850 đồng/kg, lúa hạt dài khoảng 6.000 - 6.100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.450 - 7.550 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.300 - 7.400 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.