Một cửa hàng thịt lợn tại Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)
Đối với người Trung Quốc, thịt lợn không chỉ là một phần quan trọng trong bữa ăn hàng ngày, mà còn là biểu tượng cho một cuộc sống đầy đủ. Thịt lợn chiếm 2/3 lượng thịt tiêu thụ trong ngày của người Trung Quốc. Người dân có thể chế biến thịt lợn theo nhiều cách như: hấp, chiên, nướng, luộc, hầm…
Nhưng giá thịt lợn trong tháng 8 đã tăng 46,7% so với một năm trước đó, tăng mạnh so với mức tăng 27% của tháng 7, khi dịch tả lợn châu Phi khiến thịt trở nên khan hiếm. Giá thịt lợn, vốn đã lên mức cao nhất trong 8 năm qua, đã đẩy giá thực phẩm tăng bình quân 10% và khiến lạm phát của Trung Quốc trong tháng 8 lên 2,8%.
Giá thịt đắt đỏ đã buộc người tiêu thụ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn: chi tiêu nhiều hơn, hoặc là ăn ít thịt lợn đi.
“Mẹ tôi đã chọn mua thịt gà, khi giá sườn lợn tăng lên 51 nhân dân tệ 1 kg, so với 30 nhân dân tệ vài tháng trước”, Sophie Yu, một nhân viên văn phòng tại Bắc Kinh, nói với Bưu điện Hoa nam Buổi sáng. “Một nhân viên siêu thị địa phương cho biết giá thịt lợn tăng mỗi ngày”.
Dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm 1/3 tổng đàn lợn tại Trung Quốc và được dự báo là sẽ làm giảm 1/2 tổng đàn lợn vào cuối năm nay. Dịch này gây tử vong ở lợn nhưng không gây hiểm tới con người. Các nhà kinh tế dự đoán giá thịt lợn sẽ tiếp tăng lên gấp đôi vào cuối năm và tiếp tục tăng vào đầu năm tới.
Trong một dấu hiệu cho thấy tính trầm trọng của vấn đề, thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây ở tây nam Trung Quốc, gần đây đã áp dụng trở lại hình thức tem phiếu thịt lợn để cho phép người dân chỉ được mua tối đa 1 kg thịt lợn mỗi ngày với mức giá bình ổn. Thông tin này ngay lập tức đã gây xôn xao khắp Trung Quốc, không chỉ vì sự nghiêm trọng của vấn đề, mà quan trọng hơn là nó làm gợi nhớ thời khó khăn tem phiếu trước đây, giữa lúc có nhiều biến động về kinh tế tại Trung Quốc.
Với dân số 1,4 tỷ người và người dân có thói quen ăn thịt lợn, Trung Quốc có những trang trại nuôi lợn lớn nhất thế giới, chiếm 50% tổng đàn lợn toàn cầu và tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn trên đầu người cao nhất thế giới. Năm ngoái, số lợn đủ tiêu chuẩn giết mổ là 694 triệu con, và người Trung Quốc tiêu thụ gần 56 triệu tấn thịt lợn mỗi năm, tương đương với tổng lượng tiêu thụ của thế giới còn lại.
Giới chức Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp trong vài tuần qua nhằm đảm bảo nguồn cung trong một loạt các ngày lễ sắp tới. Chính phủ Trung Quốc muốn nguồn cung trong nước đáp ứng 95% nhu cầu hàng năm. Họ đang khuyến khích các nông dân nuôi thêm lợn thịt, cấp thêm vốn vay và trợ cấp lãi suất để gia tăng tổng đàn lợn.
Bài toán nan giải
Để bù vào nguồn cung bị thiếu hụt do dịch tả lợn, Trung Quốc đã gia tăng nhập khẩu thịt lợn lên mức hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 36% trong 7 tháng đầu năm. Điều này đã gây tác động đối với thị trường thịt lợn thế giới, do Trung Quốc - vốn sản xuất và tiêu thụ khoảng một nửa tổng nguồn cung thịt lớn của thế giới - là nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới trong 3 năm liền cho tới 2018.
Giá thịt lợn tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Canada và Brazil đã tăng 34% trong 6 tháng qua tính tới giữa tháng 8.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc - bao gồm cả nội tạng - trong năm nay dự kiến sẽ vượt kỷ lục 3,1 triệu tấn vào năm 2016. Các chuyên gia dự đoán rằng việc nhập khẩu thịt lợn hay các nguồn cung thịt khác ở trong nước không thể bù đắp sự thiếu hụt về nguồn cung, mà chỉ vấn đề có thể được giải quyết một phần bằng cách sử dụng protein từ thực vật và giảm mức tiêu thụ.
Dịch tả lợn châu Phi đã đẩy giá thị tăng cao tại Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Thịt lợn chiếm 40,3% tổng lượng thịt sản xuất tại Trung Quốc trong năm 2018, tiếp đến là hải sản chiếm 36,5%, thịt gà chiếm 8,7%, thịt vịt chiếm 5,1%, thị bò chiếm 4,8% và thịt cừu chiếm 3,5%.
Để giúp bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt, Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất các loại thịt thay thế, như tăng lượng cung thịt gà 8% trong năm nay, trong khi tăng nguồn cung thịt bò thêm 2%. Tuy nhiên, những con số này vẫn là nhỏ so với tổng nhu cầu.
Trong khi giá thịt lợn tăng gần gấp đôi kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát 13 tháng trước, giá thịt bò và thịt cừu cũng tăng trên 12% trong năm qua, do nhu cầu về các loại thịt thay thế gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc thậm chí có các kho dự trữ thịt đông lạnh ở cấp quốc gia và cấp địa phương, và giới chức đã bắt đầu xả kho thịt đông lạnh để giúp bình ổn giá. Nhưng các nguồn dự trữ này cũng không đủ sự thiếu hụt ước tính lên tới 13 triệu tấn thịt lợn trong năm nay.
Chính phủ cũng chi 3,2 tỷ nhân dân tệ cho các khoản trợ cấp đối với những người thu nhập thấp để mua thịt lợn.
Những chỉ trích ngày càng gia tăng về giá thịt lợn leo thang không chỉ trở thành một vấn đề kinh tế mà còn là một vấn đề chính trị nhạy cảm, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang sụt giảm và cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.
Khi Trung Quốc đón lễ hội Trung thu và kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào ngày 1/10, giá thịt lợn tăng chắc chắn sẽ tác động mạnh tới đời sống người dân. Nếu giá tiếp tục leo thang đến đầu năm tới như dự đoán, nó sẽ gây ảnh hưởng tới các hoạt động mừng năm mới, dịp lễ quan trọng nhất của người Trung Quốc.
Theo các nhà kinh tế thuộc Daiwa Capital Markets, phải mất 12-14 tháng để nuôi một con lợn thịt, vì thế phải mất ít nhất 1 năm trước khi có thể cung cấp nhiều thịt hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giúp giá ổn định trở lại.
An Bình (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.