Trung Quốc xuất khẩu hàng tăng vọt, kéo giá nhựa và thép châu Á giảm sâu

25/12/2022 07:30 GMT+7
Giá các hóa chất sản xuất nhựa và thép ở châu Á giảm sâu từ các mức cao trong năm nay khi các nhà sản xuất của Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu.

Mỹ muốn hợp tác với châu Âu để thúc đẩy thép ‘xanh’ Doanh nghiệp ngành thép lỗ nặng trong quí 3 Một quí kinh doanh khó khăn của ngành thép!

Trung Quốc xuất khẩu hàng tăng vọt, kéo giá nhựa và thép châu Á giảm sâu - Ảnh 1.

Trong tháng 11, xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, nhập khẩu polyvinyl clorua (nhựa nhiệt dẻo PVC) từ Trung Quốc vào Ấn Độ, nước mua PVC lớn nhất thế giới, tăng gấp đôi trong giai đoạn từ từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu PVC của Ấn Độ tăng mạnh trong bối cảnh đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản trong nước giảm 10% trong 11 tháng đầu năm 2022, làm giảm nhu cầu trong nước đối với vật liệu PVC được sử dụng trong các sản phẩm xây dựng và ống nước.

Nguồn cung PVC dư thừa của Trung Quốc đã tìm đến thị trường Ấn Độ, gây áp lực giảm giá nghiêm trọng. Giá PVC của công ty Nhật Bản bán sang Ấn Độ trong tháng 12 giảm 10% so với tháng 11, xuống khoảng 770 – 800 đô la Mỹ/tấn, tương đương mức giảm trung bình 56% so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 4.

Nguồn cung nguyên vật liệu của Trung Quốc ngày càng tăng nhưng nhu cầu trong nước lại suy giảm do các biện pháp phong tỏa kiểm soát Covid-19 và sự yếu kém của nền kinh tế hiện đang lan rộng ra ngoài lĩnh vực bất động sản.

Chẳng hạn, năng lực sản xuất hóa chất caprolactam (nguyên liệu sản xuất nilon) đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước lại không tăng tương ứng, chỉ tăng 4% trong ba quí đầu năm 2022. Điều này đã khiến các nhà sản xuất caprolactam ở Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường bên ngoài.

Khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhà sản xuất nhựa và hóa chất Ube (Nhật Bản) đã chứng kiến giá caprolactam xuất khẩu sang thị trường châu Á giảm 25% so với mức đỉnh gần đây nhất vào tháng 4, xuống còn 1.750 đô la Mỹ/tấn.

“Xuất khẩu từ Nhật Bản vẫn có thể cạnh tranh do đồng yen suy yếu, nhưng điều này không đúng đối với các cơ sở sản xuất của chúng tôi ở Đông Nam Á và Đài Loan”, một đại diện kinh doanh của Ube cho biết.

Ube đã chuyển sang chế độ bảo trì thường xuyên ở một nhà máy sản xuất caprolactam tại Thái Lan để thu hẹp quy mô sản xuất và cơ sở hiện chỉ hoạt động với khoảng 80% công suất.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc cũng đang tăng trở lại trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, vốn chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ thép của Trung Quốc.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 11, xuất khẩu thép của nước này tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty thép Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu thép tổng thể của đất nước dự kiến sẽ giảm 4% trong năm 2022, theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA). Giá thép cuộn cán nóng ở khu vực Đông Á, được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm như ô tô và thiết bị gia dụng, giảm khoảng 40% sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 4-2022.

Tuy nhiên, Li Xuelian, nhà phân tích cấp cao của Viện nghiên cứu Marubeni (Nhật Bản), cho rằng giá thép có thể sẽ trải qua cơn suy sụp như năm 2015 khi nguồn cung ở Trung Quốc dư thừa quá lớn. Ông cho biết trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã duy trì các chính sách kiềm chế sản xuất các sản phẩm thép, vì vậy sẽ không có tình trạng xuất khẩu quá mức như trước đây.

Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu đang được Bắc Kinh khuyến khích. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra hạn nghạch xuất khẩu các sản phẩm như xăng và nhiên liệu máy bay để cắt giảm khí nhà kính thải ra trong quá trình sản xuất. Các mức hạn ngạch này đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay nhưng đột ngột được phép tăng trở lại vào cuối tháng 9, lên các mức cao của năm 2021.

Giá các mặt hàng xuất khẩu khác của Trung Quốc, chẳng hạn như lithium, vật liệu thiết yếu của pin lithium-ion, vẫn tăng trong bối cảnh thị trường lo ngại nguồn cung thiếu hụt. Trung Quốc kiểm soát gần 80% thị trường vật liệu pin lithium-ion, vốn rất quan trọng đối với xe điện.

Mặc dù Bắc Kinh không đặt ra các rào cản thực tế nào đối với sản xuất hoặc xuất khẩu các vật liệu này, nhưng các lo lắng về tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc đã thúc đẩy khách hàng nước ngoài đổ xô mua tích trữ. Tình hình cũng tương tự đối với vật liệu silicon được sử dụng trong các tấm pin mặt trời.

Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Cùng chuyên mục