img img
imgimg

imghời còn đương chức, Trung tướng - nhà văn Hữu Ước có một cái thú không lẫn vào đâu so với những Tổng biên tập khác. Lẽ ra, quyền cao chức trọng là vậy, ông phải làm việc trong những căn phòng sang trọng đầy đủ tiện nghi. Nhưng ông chọn cho mình một căn phòng của người lao động bình thường với bàn ghế, tủ, đồ dùng không có gì đáng giá. Căn phòng khoảng 60 m2 được ngăn đôi, chỉ thấy toàn toan vẽ, giá vẽ, sách vở, tài liệu chất đống…

Ngoài ra trong phòng còn có vài ba chai rượu ngâm đủ loại lá thuốc, cây, củ… Và tất nhiên, một vật bất ly thân của ông chính là chiếc điếu cày. Thế nên mới có chuyện: Một lần, trong lúc cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Ban Tuyên giao T.Ư với lãnh đạo các báo, đài đang căng, bỗng hội trường vang lên tiếng rít thuốc lào lọc xọc và đanh gọn.

img
 

Mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chỗ tướng Ước ngồi. Nhưng hóa ra không phải ông rít thuốc lào giữa cuộc họp mà chỉ là tiếng chuông điện thoại của một người khác đặt nhạc chuông tiếng rít thuốc lào. Mọi người ngoái nhìn tướng Ước và cười xòa.

Ông kể, ông hút thuốc lào từ năm 14 tuổi. “Anh nhà quê mà”, ông thừa nhận. Vùng quê của ông, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ nằm cuối Hưng Yên, giáp Thái Bình và Hải Phòng - đất trồng thuốc lào.

“Nhà tôi bao đời hút thuốc lào, tôi hút từ năm 14 tuổi. Khi vào chiến trường tôi cũng giữ thói quen hút thuốc lào. Để làm nõ điếu thì đơn giản, còn thuốc khó kiếm nên phải dùng lá đu đủ rừng, lá sắn. Không tìm được loại lá đó thì cứ nhặt thứ cỏ gì nhai thấy mùi khai thì phơi khô rồi hút”, Trung tướng Hữu Ước kể.

Ông nói thêm, việc hút quen rồi không bỏ được. “Tôi làm việc đơn lẻ, cô đơn. Đêm ngồi sáng tác mà không có điếu cày, không có chén rượu thì buồn lắm. Ngồi sáng tác có phải lúc nào cũng viết được đâu, lúc cầm điếu cày, nâng chén rượu nhấp nhấp và suy nghĩ”, ông tâm sự.

Trước đây đã bao lần ông quăng điếu đi vì ho và cả vì vợ la. Đêm vứt ống điếu ra cửa, sáng dậy cứ đứng nhìn chỉ mong làm sao có ai đi qua đừng đè vào ống điếu, sau đó khoảng ít hôm lại giấu vợ cầm về. “Khó bỏ lắm, trừ khi đến lúc tuổi cao yếu quá không hút được nữa chắc mới bỏ được”, ông cười.

Hơn 40 năm làm báo, trong đó có đến 20 năm làm Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân (gồm nhiều ấn phẩm) và Kênh truyền hình Công an nhân dân, ông gặt hái được nhiều thành công, vinh quang, nhưng khi nghỉ hưu lại phải đối diện những vụ kiện cáo, những bài viết tố cáo ầm ĩ trên mạng suốt 4 năm nay.

img
 

Thời gian thấm thoát đã hơn 4 năm kể từ ngày ông về nghỉ hưu. Từ đó đến nay cuộc sống ông có gì thay đổi so với trước đây?

- Mặc dù trên danh nghĩa tôi đã nghỉ hưu nhưng thực chất tôi chẳng nghỉ ngày nào. Tại sao? Vì tôi là người hoạt động văn học nghệ thuật, là người của lao động. Tôi là người nông dân chỉ thích cuốc đất. Một ngày mà tôi không “cuốc” được gì đó trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật sẽ thấy rất buồn.

img
 

Từ ngày về hưu đến nay đến nay tôi đã vẽ mấy trăm bức tranh, hoàn thành và xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết (đang hoàn thành 2 cuốn tiếp), tổ chức nhiều hoạt động văn học nghệ thuật cho ngành Công an. Ngoài ra phải chống chọi với đơn thư kiện cáo, vu cáo trong suốt 4 năm.

Hiện tôi cũng đang chuẩn bị làm Bảo tàng văn học - nghệ thuật ở trên Công viên Ước (Sóc Sơn, Hà Nội). Sau này tôi dự tính sẽ tặng lại cho xã hội. Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ, trưng bày tác phẩm của những người hoạt động văn học nghệ thuật nước nhà, tôi xin mỗi người 2 tác phẩm.

Trở lại với câu chuyện của ông, có ý kiến nói rằng Hữu Ước rất đặc biệt, ông từng phải vướng lao lý nhưng sau đó lại trở thành một vị tướng, một Anh hùng lao động duy nhất của làng báo còn lại (cho tới thời điểm này sau nhà báo Phạm Khắc - PV). Ông nghĩ sao về những thăng trầm đã trải qua?

- Phải nói rằng, với tôi trước hết nghề báo rất cực. Đầu tiên là nó khiến tôi bị khởi tố, bắt tạm giam 3 năm. Lúc đó, lý do chỉ đơn giản là vì tôi cho phóng viên viết bài chống tham nhũng tiêu cực. Tôi viết trên mục Đèn xanh - Đèn đỏ, phê bình và tự phê bình. Khi đó chưa đổi mới hay nói cách khác là mỗi thời một khác, còn như hiện nay viết những bài dạng đó thì lại rất được khen, rất tốt.

Khi đất nước bước vào đổi mới, những vinh quang từ nghề báo đã đến với tôi. Tôi nghĩ rằng mình là người đạt được mọi vinh quang của nghề báo. Có thể nói từ báo chí tôi có được tất cả. Hơn 20 năm làm Tổng Biên tập, được phong hàm tướng, không chỉ Thiếu tướng mà lên Trung tướng, rồi được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động.

Người ta đi lính chẳng ai nghĩ mình sẽ làm tướng. Bước chân vào làm báo cũng giống các phóng viên khác, làm sao phải nghĩ mình sẽ làm Tổng Biên tập, tất cả là do số phận: Có muốn cũng không được. Nhưng có điều tôi ngẫm, với 50 năm làm nghề, 20 năm làm “thủ trưởng” và không phải nghỉ hưu rồi mới dám nói, rằng “chốn quan trường nhọc nhằn lắm, cực lắm ai ơi”.

Dù vậy, tôi vẫn luôn tin vào lẽ phải và chân lý. Tuy nhiên để tìm được chân lý là quá vất vả. Nhưng tôi vẫn chiến đấu không ngừng, không bao giờ khuất phục trước cái ác và không bao giờ thỏa hiệp trước cái xấu. Một khi mình đã xác định cuộc sống là như thế rồi thì mình phải chấp nhận, có chết cũng chết đứng và ngẩng cao đầu, không phải xấu hổ và cúi đầu trước bất cứ một ai.

img img
img
 

Trung tướng luôn cảm thấy tự hào về những gì mình đạt được?

- Tôi bị oan khuất, bị vướng vào lao lý nhưng sau vẫn trở thành Tổng Biên tập, được phong tướng, được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nên tôi có quyền tự hào về điều này. Tôi nghĩ mình hoàn toàn xứng đáng với những gì tôi được. Thời còn công tác, trước 1.000 quân, tôi luôn giữ mình trong sáng. Trong sáng ở chỗ là chưa cầm một đồng nào của cấp dưới và cầm những đồng tiền không phải do mình làm ra.

Tôi là người không quan tâm nhiều đến tiền bạc. Một bài học tôi luôn răn mình là “nhìn tiền bạc như nhìn thuốc độc” thì mới tồn tại. Còn tôi không phải nghèo, tôi là con người của thương trường. Tôi biết làm ra tiền cho tôi và cho tờ báo, cho cơ quan mình làm lãnh đạo.

img
 

Ông có nói chốn quan trường rất nhọc nhằn, cực, có phải do tranh giành lợi ích, đấu đá hay vì lý do gì thưa ông?

- Đến nay, kể cả một tờ giấy lộn tôi cũng giữ, vì tôi sáng tác nên rất có ý thức về mặt tư liệu. Vừa rồi lật lại quá trình ở chốn quan trường của mình, thấy có trên 200 báo cáo và các loại đơn tố cáo gửi tới các vị lãnh đạo, các cơ quan chức năng về những việc của tôi. Nói như vậy để thấy làm Tổng Biên tập hơn 20 năm cực thế nào, có sung sướng gì đâu. Tôi không phải nhân vật đặc biệt nhưng rất lạ. Tôi có được vinh quang cũng nhờ nghề báo, nhưng tủi nhục cũng lại chính từ nghề báo. Đúng là sinh nghề tử nghiệp rồi từ tử nghiệp lại vinh nghề…

img
 

Khi bị một số cấp dưới là “đệ tử” kiện cáo, có người đã nói với tôi “sao anh lại đi nuôi ong tay áo”. Tôi cười bảo, người đó giỏi làm báo thì nhận về làm việc, sử dụng cái tài của họ để phục vụ công việc, còn cái tâm của họ có phản tôi, chống tôi, tôi nghĩ cũng chẳng làm sao vì tôi có làm gì khuất tất đâu mà tôi phải sợ. Khi còn công tác, có thời điểm cấp phó của tôi có 11 người, trong số này người phản lại tôi không ít (toàn người do tôi đưa về rồi cất nhắc nâng đỡ cho lên chức, nhưng xin không nêu tên).

Tại sao như vậy? Vì họ là dân báo chí, văn chương, nghệ thuật, ông nào cũng nghĩ mình giỏi. Hôm nay họ xin tôi và được đáp ứng thì họ thích, còn không đáp ứng lại là quay ra chống ngay. Cuộc đời họ ở với tôi xin tôi 100 thứ, tôi đã cho tới 99 thứ nhưng còn 1 thứ họ xin tôi không đáp ứng được, thế là họ phản. Con người mà, tráo trở như giở bàn tay. Tôi rất ghét bọn tham nhũng, tiêu cực, luồn lách, mánh khóe, lợi ích nhóm…

Có lần tôi nói với anh em cấp dưới rằng: Tờ báo này không phải của tôi và của cậu mà là của ngành Công an. Không phải muốn viết gì thì viết, muốn nói gì thì nói đâu. Cuộc sống ngày càng dân chủ, đừng nghĩ đỡ cho người này, bênh người kia là được, làm gì không đúng pháp luật thì không tồn tại. Cấp dưới nào không nghe mà càn quấy lợi dụng chức quyền làm bậy là tôi kỷ luật ngay.

Ông nói có không ít “đệ tử” phản lại. Vậy có phải ông dùng người không tốt hay thời còn quyền lực ông quá độc đoán?

- Là nhiều người cũng nói tôi dùng người không giỏi, nhưng với tôi gặp nhân tài dù biết có thể họ không ra gì với mình nhưng tôi vẫn cứ thích những người tài, vẫn muốn sử dụng họ.

Có không ít cấp phó phản lại nhưng tôi có làm sao đâu. Bởi vì tôi biết tôi là thế nào. Họ càng phản thì họ càng xấu hổ, bởi tôi có xấu đâu, ăn gì của họ đâu? Tôi có tham ô, tham nhũng, tiêu cực, bè phái, lợi ích nhóm gì đâu mà sợ?

Tôi làm Tổng Biên tập, thích nhất là được ngồi trên vai những người anh hùng, mặc dù người anh hùng đó ngày mai có phản mình. Tôi luôn tự hào là tôi có nhiều cấp phó giỏi, nhiều lính giỏi. Tôi không ghen tỵ với họ, họ càng tài tôi càng mê, mặc dù biết rồi trong số đó sẽ có người sau này họ chẳng ra gì với mình.

img img
img
 

Trung tướng có nói 4 năm từ ngày nghỉ hưu có đến hơn 200 báo cáo, giải trình về các lá đơn tố cáo, kiện cáo mình. Ông đã phải đối diện với việc đó như thế nào?

- Trong thời gian qua tôi phải chịu 8 cuộc thanh, kiểm tra và điều tra của các cơ quan, những cuộc làm việc từ Tổng Cục Chính trị (Bộ Công an), Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Thanh tra Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra của Công an TP. Hà Nội… Nhưng nay tôi vẫn ngẩng cao đầu không hề hấn, sứt mẻ tý nào…

img
 

Trước đây, trong lúc khó khăn nhất tôi vẫn nghĩ mình chiến thắng. Lúc bị bắt tạm giam (khi đó là đại úy) và phải ra tòa đến 3 lần nhưng tôi vẫn tin mình chiến thắng. Lý do đơn giản, tôi không làm không vì động cơ mục đích xấu, không tham nhũng, tiêu cực, không làm sai các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước như vậy thì làm sao tôi “chết” được?

Liên quan đến dự án nhà chung cư cho cán bộ, chiến sĩ báo Công an nhân dân đến nay đã 9 năm chưa hoàn thành. Nhiều cán bộ, phóng viên rất bức xúc. Đây cũng là sự việc rất được dư luận quan tâm, đặc biệt trên mạng xã hội, Trung tướng thấy mình có trách nhiệm gì trong vụ việc này?

- Việc anh em bức xúc là hoàn toàn đúng, bởi chúng tôi có giải thích gì thì 9 năm không giao được nhà cho cán bộ, chiến sĩ là mình hoàn toàn có trách nhiệm. Còn có lỗi hay không là câu chuyện khác. Câu chuyện thực ra rất đơn giản chứ không phải có gì ghê gớm.

Đến giờ phút này điều tôi suy nghĩ nhất là tại sao vẫn chưa giao nhà cho cán bộ, chiến sĩ. Tôi hiện nay không còn quyền, tất nhiên nói điều này không phải đổ cho người lãnh đạo mới. Bởi vì câu chuyện không có gì ghê gớm và khó khăn cả. Nhà đất thì thành phố Hà Nội đã cho chủ trương, giá cả làm thì từng đó tiền, đáng lẽ một thời gian là xong nhưng tại sao 9 năm chưa xong (?)

Cái chính là khi đang làm Tổng Biên tập, tôi đã không dành sự quan tâm nhiều cho việc xây dựng chung cư, có lẽ đấy là trách nhiệm lớn nhất của tôi. Bởi vì tôi là người không quan tâm đến nhà cửa, tiền bạc. Tôi không nặng nề về vật chất. Anh em nói xây nhà cho cán bộ, chiến sĩ thì mình đồng ý ngay, nhưng không quan tâm, không say mê như làm nghề.

Có lẽ đấy là thiếu sót lớn nhất của tôi. Đáng ra tôi ráo riết thì đã xong lâu rồi. Lúc tôi còn công tác, giai đoạn đó thấy làm suôn sẻ, xây xong phần thô, chỉ thiếu vài chục tỷ đồng, giấy tờ thì cũng đã làm xong. Khi có những thay đổi về cơ chế, đáng ra những người giúp việc trong bộ máy của tôi lúc đó phải làm và phải nhắc tôi, nhưng họ đã không nhắc nhở gì tôi cả.

Chung cư này triển khai năm 2011, thời điểm đó, chúng tôi sắp ra kênh truyền hình Công an nhân dân, tôi toàn tâm, toàn ý cho việc này. Về việc xây dựng chung cư, tôi dặn anh em cấp dưới làm cho tốt. Hỏi giấy tờ thế nào, họ bảo tốt, giấy tờ gì liên quan đến dự án đưa lên tôi đều ký. Liên quan tới dự án nhà chung cư này qua kiểm toán thấy không có thất thoát.

Đến năm 2012, vợ tôi mất, đó là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Lúc này tôi chao đảo, chẳng buồn quan tâm gì đến chuyện nhà cửa hay bất cứ việc gì khác, có lẽ vì thế cấp dưới cũng không ai nhắc, tôi tưởng như vậy là xong. Nói lên điều đó để thấy 9 năm mà không giao được nhà cho cán bộ, chiến sĩ là tôi có trách nhiệm. Nếu như tôi quan tâm hoặc được cấp dưới nhắc thì việc đã không như vậy. Tôi rất ân hận và áy náy về điều này.

img img
img
 

Vợ ông qua đời đã được 8 năm. Trong khoảng thời gian như vậy ông đã tìm được sự cân bằng trong cuộc sống và tìm sự bình yên cho tuổi già?

- Chắc mai có chết thì hôm nay tôi vẫn không được bình yên vì tôi là con người hành động, con người thực tiễn. Nếu tôi phải đi chơi một ngày, đầu óc không suy nghĩ gì là rất buồn, phải đi chơi giống như kiểu bị trời hành. Cả đời ở với vợ nhưng tôi rất ân hận là chưa bao giờ biết chăm sóc vợ, chiều chuộng vợ, một lần duy nhất tôi đưa gia đình đi Đà Lạt chơi, nhưng được một hôm tôi nhớ công việc lại phải bảo vợ và các con ở lại, còn mình về làm việc. Vì cứ chơi là tôi không chịu được.

img
img
 

Cuộc sống của tôi hầu như không có ngày lễ, ngày tết, những ngày đó tôi vẫn lao vào sáng tác, mà sáng tác cũng chẳng biết để làm gì, ai nhận xét hay dở thế nào không biết nhưng tôi phải “cày cuốc”. Tôi nghĩ thôi đó là số phận. Số phận của người nông dân phải ngày nào cũng ra đồng cày cuốc mới sướng.

Tôi có rất nhiều người yêu quý, nhưng cũng không ít người ghét, họ ghét vì lý do gì mình không hiểu. Tôi là nhà văn, đắng cay, chua chát của cuộc đời tôi đều nếm trải. Sự hưởng lạc tôi cũng không muốn, không ham.

Đấy anh em xem, cuộc sống của tôi chỉ có vài chén rượu, “bắn” vài bi thuốc lào, đến bữa ăn có khi cũng chỉ qua loa ăn lấy no là được. Tôi chẳng biết tiền bạc là gì. Vì tôi có dành tiền cho tôi đâu. Tôi có dùng đồ xa xỉ, quý phái, hay ăn ngon mặc đẹp gì đâu. Có tiền là tôi đưa vào công ích, làm cái gì đó cho xã hội, tặng lại xã hội thế là sướng…

Tôi biết mình cũng rất nhiều thị phi nhưng không quan tâm, vì việc đó mất thời gian. Tại sao mình lại phải mất thời gian đi xem những gì người ta viết không ra gì về mình, sau lại đi tranh luận với người ta thì thời gian đâu. Còn họ khen mình thì cũng mất thời gian để xúc động. Tóm lại nên để thời gian vào những việc có ích.

Trung tướng có nói nhìn tiền như thuốc độc thì mới tồn tại, đây là triết lý rút ra từ chính cuộc đời ông?

- Thực ra thế này, con người ta sống cũng đơn giản, tôi là người không tính toán nay lên chức này, mai lên chức kia. Kể cả tôi không làm chức gì thì vẫn là người có ích. Còn tôi chắc chắn không nghèo vì đã từng trải, lọc lõi và bươn bả ở thương trường nhiều. Tôi là người biết kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình. Tôi từng đi buôn từng hộp mứt, hộp rượu, báo chí thị trường tôi cũng làm thuê nhiều. Tôi không bao giờ để mình nghèo. Nói không phải giấu giếm, nếu ngày mai cần tiền tôi sẽ nghĩ ra cách kiếm ngay và đồng tiền đó là chính đáng, nhưng bảo là tôi hám tiền thì tôi không hám.

Còn tôi nói coi tiền như thuốc độc vì đó là tiền bẩn, nếu cầm một cục tiền bẩn thì lo lắng lắm, mà không có cục tiền đó có chết đâu. Trong khi đời sống của tôi đơn giản. Quan trọng là mình làm cái gì thích, phải cảm thấy mình là con người đáng sống, không để cúi mặt trước ai. Đời tôi chưa biết cúi mặt trước ai.

Điều tôi sợ nhất là lòng tốt và lẽ phải. Lòng tốt tôi kính phục còn lẽ phải thì tôi chấp nhận. Gặp khó khăn bao nhiêu tôi vẫn tin vào chân lý và lẽ phải, thực tế điều này đã chứng minh qua cuộc đời tôi. Tôi không gục ngã. Mà có ngã thì tôi lại đứng dậy nhưng tôi không hèn.

img
 
img img

Trung tướng – nhà văn Hữu Ước: Tôi có 2 con, một trai, một gái, tôi dạy bảo tử tế, nhất là rèn sự tự lập. Hiện con tôi mua nhà, mua xe đều tự lo chứ không nhờ tới bố. Ngày trước, hai con tôi đi học nước ngoài tôi bắt phải đi làm thêm. Con gái thì đi trông hai đứa trẻ. Tôi bảo, con phải trông trẻ thì sau này mới biết chăm con và biết kiếm đồng tiền như thế nào. Còn con trai tôi, tôi bắt đi làm bồi bàn.

img
 

Mặc dù đã nghỉ hưu, rời xa chốn quan trường nhưng cuộc sống của Trung tướng thỉnh thoáng vẫn bị xới lên vì những chuyện kiện cáo, các bài viết tố cáo đăng trên mạng, ông có cảm thấy mệt mỏi?

- Tôi không hiểu sao cuộc đời người ta thì nhẹ nhõm còn cuộc đời tôi lại vất vả đến như thế hay đây là sự thử thách của trời đất, hoặc một cái gì đó có yếu tố tâm linh để tôi có thêm chất liệu cho các tác phẩm văn học, sân khấu và điện ảnh. Khi tôi ngồi viết chữ cứ ào ào ra, chẳng phải bố cục gì. Tôi muốn viết một người tốt có rất nhiều, viết chân dung người xấu thì cũng rất thật, rất lạ. Tôi tin sẽ viết được nhiều, vì tôi viết rất khỏe do có quá nhiều chất liệu của đời sống.

img

Còn với những chuyện kiện cáo, tố cáo trên mạng đó tôi thấy rất mệt, rất nhọc nhưng có khi tự cảm thấy hay là trời cho tôi thêm chất liệu đời sống để sáng tác. Đối với tôi, niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ quả thật giờ đã chai lỳ, không còn gì, để mà buồn vui, bực bội hay đau khổ, yêu hay ghét nhiều khi tôi còn thấy lạ về chính mình.

Với tôi, ai hiểu thế nào thì hiểu, tôi vẫn ngửa mặt giữa trời, chả phải xấu hổ với ai, ai khen thì cảm ơn, còn chửi thì tôi mặc họ vì mình có xấu đâu mà sợ.

Đến nay đã gần tuổi “thất thập”, ngẫm lại cuộc đời ông thấy có điều gì mình thấy nuối tiếc?

- Tôi chỉ nuối tiếc một điều là cả đời chỉ mải con đường binh nghiệp, mải đam mê cá nhân nên quan tâm gia đình ít quá, từ bố mẹ, rồi vợ con. Khi vợ tôi còn sống, tôi có biết chăm lo cho bà ấy được việc gì đâu toàn vợ chăm lo cho mình. Đấy là điều tôi thấy áy náy, còn về cái chung tôi chẳng có gì nuối tiếc.

Cuộc sống đã trôi qua, cuộc đời tôi cũng có sai lầm nhiều, sai lầm lớn nhất là tin người quá, có những điều không thể kể được với ai. Tôi tin vào lòng tốt của con người có lúc đúng và nhiều khi sai.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, tôi cũng có quá nhiều người giúp, không có nhiều người tốt giúp thì tôi không thành như ngày hôm nay. Có thể nói như vậy cũng công bằng. Giờ tôi phân ra người tốt với mình một nửa, người xấu một nửa chứ không tin là tốt cả (cười to) và không tin con người là xấu cả.

Tôi rất ít nghĩ đến điều tự hào, đến nay tôi rất cần một sự yên ổn vì tuổi này rồi (66 tuổi) và mong thiên hạ đừng quan tâm đến tôi nữa. Cuộc sống hãy để cho tôi bình yên.

- Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn giữ được sức khỏe để làm những việc mà ông thấy yêu thích.

img

Năm 1985 ông bị bắt vì viết về một người công an "xấu". Trong lệnh chỉ ghi vì "vi phạm pháp luật" mà không có tội danh nào cụ thể. Khi ấy, ông là Đại úy, Trưởng phòng Thời sự Báo Công an Nhân dân. Sau khi được xử trắng án, ông quay trở lại Báo Công an nhân dân thì ông bị xếp vào diện giảm biên chế, phải quay sang làm nhiều công việc để kiếm tiền.

Sau đó, nhờ có đổi mới cơ chế, ông đề xuất ra tờ Văn hóa – Văn nghệ Công an và An ninh Thế giới với vai trò chủ biên. Hai tờ báo này sau đó đã thành công rực rỡ trên thị trường nên đến năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Báo An ninh thế giới và Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an.

Năm 2003, làm Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân. Năm 2006, ông được phong cấp hàm Thiếu tướng Công an nhân dân; năm 2008 được phong danh hiệu Anh hùng Lao động; năm 2009, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) và vẫn kiêm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân.

Năm 2010 ông được thăng hàm Trung tướng; năm 2011, ông kiêm Tổng Biên tập Kênh Truyền hình Công an nhân dân (ANTV); năm 2015 ông nghỉ hưu. Hiện ông còn giữ chức Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an.

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem