Cảnh báo nạn “bắt cóc trẻ em” của một trường mầm non trên địa bàn Q.Gò Vấp (TP.HCM).
Trao đổi với PV chiều 25.3, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD & ĐT TP.HCM cho biết, theo quan điểm của Sở, các trường nhanh chóng đưa ra cảnh báo như vậy để bảo đảm an toàn cho trẻ là tốt nhưng cần điều chỉnh lại câu chữ.
“Đầu tiên, phải hoan nghênh tinh thần đảm bảo an ninh cho trẻ của các trường. Do thông tin lan truyền quá mạnh trên mạng xã hội nên các trường chủ động như vậy cũng có mặt tốt. Tuy nhiên, công an đã khẳng định không có bắt cóc, nên việc thông tin như vậy là chưa chính xác, cần phải điều chỉnh”, ông Hoàng nói.
Từ đó, ông Hoàng cho biết, ông sẽ làm việc với các phòng chuyên môn để họp bàn cách điều chỉnh cho phù hợp, không chỉ trong vụ việc này mà còn đề phòng tất cả những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Phòng chuyên môn sau đó sẽ làm việc với phòng giáo dục của các quận, huyện để có chỉ đạo phù hợp.
Theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, các trường cần điều chỉnh câu chữ cho phù hợp hơn trong các cảnh báo này, để không gây hoang mang dư luận.
Theo ông Hoàng, chẳng hạn với cảnh báo của Trường Mầm non Tư thục Duy An (Q.Gò Vấp), thay vì ghi “Hiện nay, có rất nhiều trường hợp bắt cóc trẻ em từ tuổi rất nhỏ cho đến 15 tuổi...” thì nhà trường có thể điều chỉnh thành “Để đảm bảo an toàn cho các bé, nhà trường đề nghị phụ huynh phối hợp thực hiện các quy định sau...”.
“Nghe như vậy sẽ không tạo ra không khí quá nặng nề, không tạo cảm giác bất an ở phụ huynh. Về vấn đề này, Sở GD&ĐT không có quy định cụ thể mà các trường chỉ chủ động xử lý. Tuy nhiên, nhà trường cần phải biết tin nào chính xác - đó phải là thông tin từ các cơ quan phát ngôn có trách nhiệm”, ông Hoàng nói.
Mặc dù vậy, theo Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, trong thông báo, các trường có cảnh báo phụ huynh không nên cho trẻ em mang trang sức quý giá trên người, không nghe lời người lạ dụ dỗ,... là những thông tin rất thiết thực trong mọi hoàn cảnh.
“Việc này có tính 2 mặt, các cô chỉ vì sợ, vì lo lắng cho an toàn của bé nên làm vậy, nhưng lại gây hoang mang dư luận. Thực tế, bảo vệ an toàn cho trẻ là việc trường phải làm thường xuyên, liên tục chứ không chỉ phải chỉ trong một đợt hay chỉ cao trào trong một giai đoạn”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Những tin đồn “bắt cóc trẻ em” không có thật được lan truyền trên Facebook.
Trước đó, có thông tin Huỳnh Trung Hậu (12 tuổi), con của chị Nguyễn Thị Bé Hai (35 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) bị người lạ ôm, định lên xe bỏ chạy, xảy ra vào khoảng 16h ngày 18.3. Tuy nhiên, Công an Q.Tân Bình không khẳng định đây là một vụ bắt cóc.
Sau đó 3 ngày, lại xuất hiện thông tin bé Lê Thanh Bích Ngọc (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Phù Đổng, Q.7) bị hai người lạ lột hết tài sản. Vụ việc này đã được nhà trường báo cáo lên Phòng GD & ĐT Q.7, đồng thời đã được Công an P.Tân Thuận Đông, Q.7 ghi nhận.
Ngày 24.3, đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP.HCM) đã khẳng định: “Từ đầu năm đến nay, chưa có vụ bắt cóc nào xảy ra trên địa bàn TP.HCM”, kể cả vụ ở Tân Bình mà một số trang mạng đưa.
Theo đại tá Quang, khi các trang mạng, nhất là Facebook thông tin những vụ việc trên thì người dân rất dễ tin tưởng, nhưng tất cả đều không thật.
“Mong bà con đọc thông tin trên mạng hết sức chú ý. Báo chí phải tuyên truyền cho người dân hiểu. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh nếu được người dân và báo chí cung cấp thông tin, tố giác tội phạm”, đại tá Quang nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.