Trường Đại học Y Hà Nội và nhiều trường khác "rậm rịch" lên Đại học: Sẽ thay đổi thế nào?
Trường Đại học Y Hà Nội và nhiều trường khác "rậm rịch" lên Đại học: Sẽ thay đổi thế nào?
Tào Nga
Thứ tư, ngày 27/09/2023 07:16 AM (GMT+7)
Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến lên Đại học Y Hà Nội, trước đó nhiều trường cũng cho biết có lộ trình chuyển đổi lên Đại học. Các trường và người học sẽ thay đổi thế nào?
Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến lên Đại học Y Hà Nội
Hiện nay, cả nước có 6 đại học, trong đó có 2 đại học quốc gia gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM; 4 đại học vùng, tương đương vùng thuộc Bộ GDĐT gồm: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Sau Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nhiều trường đại học lớn cũng đã có lộ trình tiến đến đại học.
Trường Đại học Y Hà Nội vừa tổ chức khai giảng năm học 2023-2024, chào đón 1.350 tân sinh viên của 10 ngành đào tạo và 2.412 học viên sau đại học của 44 chuyên ngành vừa mới chính thức nhập trường.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trong buổi lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Đ.V
Trong diễn văn khai giảng, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh: Năm học 2022-2023, Trường đã có nhiều thành công lớn, nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường khi được chính thức công nhận tự chủ nhóm 2; Tiến trình đổi mới đào tạo đại học bước vào giai đoạn 3 quyết định, đổi mới căn bản sau đại học thực sự bắt đầu; Kiểm định trường lần 2 sau 5 năm đã thành công với nhiều đánh giá tích cực và ấn tượng về nhà trường từ đoàn kiểm định, nhiều tiến bộ vượt trội về cải tiến chất lượng so với trước và so với các trường đại học khác.
Năm học mới 2023-2024 sẽ đi cùng với nhiều chủ trương và hoạt động lớn của trường như thực hiện tự chủ đại học, chuẩn bị đề án phát triển thành Đại học Y Hà Nội, đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo bác sỹ y khoa giai đoạn 3, đổi mới chương trình đào tạo sau đại học; chuẩn bị cho các hoạt động kiểm định chương trình đào tạo, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và quản trị hệ thống; phát triển và củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nền tảng cho hội nhập và công nhận quốc tế...
"Nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của trường sẽ là thực hiện chuyển đổi số, tăng cường quản trị đại học hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng đối với cải tiến chất lượng sau kiểm định, để thực hiện thành công tự chủ của trường trong những năm tới, nâng cao vị thế và phát triển trường trở thành Đại học Y Hà Nội", Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nói.
Những trường đại học cũng dự kiến lên đại học
Cuối năm 2021, Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000). Theo một đại diện của trường, lộ trình này được xác định là đến năm 2025.
Với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, theo PTS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, trường định hướng chiến lược để trở thành đại học. Trong cơ cấu của Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Tào Nga
Tương tự, năm ngoái, Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành đề án phấn đấu trở thành Đại học Cần Thơ gồm 4 trường: Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế và Trường Nông nghiệp (trên cơ sở khoa nông nghiệp). Đồng thời, trường cũng thành lập Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Khoa giáo dục thể chất thuộc trường.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng thông qua đề án tái cấu trúc nhà trường thành đại học đa ngành. Ba trường thành viên trực gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế - Luật và Quản lý nhà nước, Trường Công nghệ và Thiết kế. Theo lộ trình, trong giai đoạn 2022 - 2025, trường sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập Đại học Kinh tế TP.HCM. Tiếp theo, giai đoạn 2026 - 2030 thành lập trường Quốc tế, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nói về vấn đề này, theo TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nét nổi trội của các đại học đa lĩnh vực là bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên cho phép huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường đại học chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đồng thời tạo cơ hội cho từng giảng viên đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn người thầy giỏi nhất.
Tất cả đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: Đại học, trường và khoa.
TS. Lê Viết Khuyến cho biết, mô hình đại học đa lĩnh vực là mô hình phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại Anh quốc, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Mô hình đại học cũng cho phép nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất. Bởi vậy, đại học đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.