Trường quốc tế Mỹ, Apax Leaders bị vỡ nợ khiến học sinh lao đao: Phụ huynh cần làm gì?
Nếu trường quốc tế, trung tâm tiếng Anh bị vỡ nợ, phụ huynh cần làm gì?
Tào Nga
Thứ tư, ngày 27/03/2024 08:37 AM (GMT+7)
Phụ huynh đóng hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí có gia đình đóng vài tỷ đồng tiền học phí nhưng con đang đứng trước nguy cơ bị “đẩy ra đường” vì cơ sở đào tạo bất ngờ thông báo thua lỗ.
Trường quốc tế Mỹ - AISVN là hệ thống trường liên cấp từ mầm non đến lớp 12 với hơn 1.300 học sinh đang theo học với mức học phí từ 280-725 triệu đồng/năm, chưa tính nhiều khoản chi phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ... Tuy nhiên AISVN thời gian gần đang vướng vào vụ lùm xùm phụ huynh đòi nợ tiền tỷ đồng, trường học có nguy cơ đóng cửa.
Và đặc biệt là mới đây thông tin "Shark Thủy", Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Có rất nhiều phụ huynh bị Apax Leaders (thuộc hệ sinh thái Egroup) nợ tiền học phí từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Trong số này, nhiều phụ huynh khó khăn, phải vay ngân hàng, vay nóng để đóng tiền cho con học. Nhiều năm qua, họ phải ngày ngày trả nợ, "cõng" lãi... trong khi con cái thì không được đi học.
Trước đó, tháng 9/2023, Trường quốc tế Chồi Xanh (Green Shoots International School), phường Cẩm Châu, TP.Hội An, bất ngờ không hoạt động, chủ trường biến mất trước ngày khai giảng khiến phụ huynh một phen nháo nhác.
Cần có điều khoản giải quyết trong trường hợp xấu
Trước băn khoăn về việc chọn trường quốc tế cho con, trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục độc lập Vũ Thu Hương cho rằng, phụ huynh nên tìm hiểu để biết rõ về một ngôi trường/trung tâm tiếng Anh trước khi đăng ký. Uy tín của cơ sở đào tạo có rất nhiều điểm phụ thuộc vào uy tín cá nhân của chủ trường, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám hiệu, sau đó đến đội ngũ giáo viên, chương trình học, cơ sở vật chất và học phí. Đừng chọn trường chỉ vì chương trình học và học phí, bởi vì yếu tố con người rất quan trọng. Về phía quản lý nhà nước hiện nay có những quy định về thành lập trường rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các trường có thể xảy ra rủi ro không lường trước được.
Sau khi quyết định cho con học, phụ huynh không nên ham ưu đãi mà đóng học phí dài hơi 2-3 năm, thậm chí 10 năm. Tốt nhất phụ huynh nên đóng từng năm một hoặc đóng theo kỳ. Hiện nay nhiều nhà kinh doanh giáo dục lợi dụng khe hở về việc đóng học phí theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh để huy động vốn. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố, Sở GDĐT cần phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý về mức đóng học phí của học sinh.
Một điều quan trọng không kém, trong các giấy tờ ký kết giữa gia đình và nhà trường/trung tâm, gia đình cần yêu cầu bổ sung các điều khoản để xử lý trong trường hợp trường không thể tiếp tục hoạt động. Nhà trường cần cam kết xử lý các vấn đề tồn đọng để đảm bảo quyền lợi học sinh. Ví dụ chuyển học sinh sang cơ sở khác của trường hoặc các trường liên kết có mô hình tương đồng với trường cũ. Nếu không có các phương án xử lý phù hợp, nhà trường cũng cần có cam kết hoàn trả học phí cho phụ huynh.
Khi thấy những giải trình của cơ sở đào tạo về việc không trả lại học phí đã thu mà chưa sử dụng, phụ huynh có thể khiếu nại lên nhà trường hoặc khởi kiện dân sự đòi hoàn trả khoản vay, tố cáo nếu bị chiếm đoạt học phí. Ngoài ra, Sở GDĐT cần có các biện pháp xử lý khi phụ huynh có khiếu nại về học phí cũng như các vấn đề liên quan khi nhà trường gặp biến động.
Shark Thủy làm việc với phụ huynh để đưa ra lộ trình trả phí vào ngày 9/4/2023. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Chuyển đi đâu khi trường ngừng hoạt động?
Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, diễn giả độc lập về giáo dục chia sẻ: "Tất cả các trường tư đều có thể phá sản như một doanh nghiệp, do vậy phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về cam kết của các trường, năng lực đội ngũ điều hành, cũng như "sức khỏe" tài chính của trường/công ty sở hữu trường.
Vậy thì học sinh sẽ đi đâu, làm thế nào để việc học không bị gián đoạn... khi trường hay trung tâm gặp vấn đề tài chính?
Đầu tiên, hãy tìm một trường quốc tế khác tại Việt Nam có chương trình học tương đương: Giả sử học sinh đang học chương trình Tú tài quốc tế (IB), có thể tìm trong mục Find an IB World School của tổ chức Tú tài quốc tế IBO một trường IB.
Thứ 2, ưu tiên cho một trường có kiểm định chất lượng với tổ chức quốc tế. Một trường học có kiểm định chất lượng quốc tế sẽ có cam kết vững chắc hơn một trường không có kiểm định, hoặc bị rớt kiểm định.
Thứ 3, cân nhắc một trường song ngữ. Trường song ngữ có thể dạy một phần chương trình quốc tế, nên nếu học sinh trường quốc tế chuyển về trường song ngữ, các em cũng có thể đảm bảo được một phần việc học. Nếu không thể theo học phần chương trình Việt Nam, học sinh vẫn có thể xin học dự thính ở trường và chỉ học, thi phần chương trình quốc tế.
Thứ 4, tìm hiểu một trường quốc tế online. Có nhiều trường quốc tế dạy từ xa chương trình của nước ngoài theo hình thức lên lớp trực tuyến (live class) hoặc học theo video bài giảng. Chương trình Tú tài quốc tế có King's Interhigh, chương trình Cambridge có Crimson, Nissai, King's Interhigh, chương trình Mỹ có Crimson, Ivy Global School, chương trình Úc có SACE, học homeschooling có Acellus, Abeka, IXL...
Thứ 5, học gia sư chương trình quốc tế: Học sinh cũng có thể học gia sư ngoài giờ các chương trình quốc tế và ôn thi các chứng chỉ quốc tế với trung tâm gia sư.
Thứ 6, học miễn phí với các học liệu mở.
Thứ 7, trong trường hợp các em bị lỡ dở bằng cấp ở trường, có thể đăng ký thi các chứng chỉ IGCSE, A level như thí sinh tự do tại Hội đồng Anh hoặc thi chứng chỉ tốt nghiệp bổ túc trung học của Mỹ GED để có thể nộp đơn vào đại học:
Và cuối cùng có thể du học sớm. Trong trường hợp có thể đảm bảo tài chính du học và con cái ở lứa tuổi phù hợp để xa nhà, phụ huynh cũng có thể lựa chọn du học sớm ở nước ngoài tại các trường có chương trình tương đương như IB, Cambridge, Anh, Mỹ, Úc, Canada... Ngay tại các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Philippines... cũng có nhiều trường dạy các chương trình trên thay vì phải đi xa sang châu Âu, Bắc Mỹ, Úc... và visa đơn giản hơn nhiều.
Trường quốc tế vay tiền của phụ huynh có đúng pháp luật hay không?
"Pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau và việc vay mượn phải được thực hiện trên cơ sở thoả thuận tự nguyện, phải sử dụng tiền đúng mục đích và thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên.
Trong lĩnh vực giáo dục, việc các phụ huynh học sinh cho nhà trường vay vốn là ít khi xảy ra. Nhà trường thuyết phục các phụ huynh cho vay tiền với chính sách ưu đãi miễn học phí, với cơ sở hạ tầng khang trang là những căn cứ, cơ sở để các phụ huynh tin tưởng cho vay với số lượng tiền lớn như vậy.
Việc dừng hoạt động của cơ sở giáo dục này sẽ kéo dài bao lâu, liệu có cơ hội để phục hồi hay không là những vấn đề rất quan trọng liên quan đến tương lai của các học sinh học tập ở đây. Trong trường hợp nhà trường không còn khả năng tái cơ cấu, không thể huy động thêm vốn để duy trì hoạt động thì các phụ huynh cần phải cân nhắc đến việc sẽ chuyển con sang các cơ sở giáo dục cùng hệ thống hoặc có chương trình học tương tự để tiếp tục việc học tập. Đây là hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục cũng phải có trách nhiệm trong việc làm rõ đúng sai, trách nhiệm pháp lý có liên quan và giải quyết đến vấn đề hậu quả pháp lý nếu như nhà trường này tuyên bố phá sản", TS. Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.