Nhan sắc của Trương Thị
Nhưng ít nhất trong một danh tác “mang tiếng” phân biệt đối xử giới tính như Thủy Hử, Thi Nại Am vẫn dành sự trân trọng với một người đàn bà, dù chân yếu tay mềm nhưng là đại diện tiêu biểu cho Công-Dung-Ngôn-Hạnh của Phụ nữ thời phong kiến. Nàng thậm chí không có tên họ đầy đủ, cũng chỉ có vài câu thoại, nhưng cũng đủ để các thế hệ độc giả Thủy Hử cảm nhận được nhan sắc, nhân cách tuyệt đẹp của nàng. Đó là Trương Thị - vợ “Báo tử đầu” Lâm Xung.
Trương Thị - vợ Lâm Xung chính là nữ nhân toàn mỹ nhất Thủy Hử.
Trương Thị, xuất hiện lần đầu ở hồi thứ 6 Thủy Hử, nhân chuyện Lâm Xung gặp Lỗ Trí Thâm ở chùa Tướng Quốc tại Đông Kinh còn nàng thì cùng người hầu cúng bái ở Ngũ Nhạc Miếu rồi xảy ra chuyện bị Cao Nha Nội (cháu – con nuôi Cao Cầu) giở trò quấy rối.
“Vừa khi uống được ba chén, thì thấy con hầu đỏ bừng mặt mũi đứng ở góc tường khuyết bên kia mà kêu lên rằng: - Xin ngài đứng dậy mau, bà đương cãi nhau ở trong miếu kia. Lâm Xung nghe nói, vội hỏi rằng: - Cãi nhau ở chỗ nào? - Bẩm ở trên lầu Ngũ Nhạc Miếu đi xuống, thì gặp người nào giữ lại, rồi cãi nhau ở đấy luôn”.
Trương Thị, xinh đẹp đến nhường nào, Thi Nại Am không một lần viết trực tiếp. Ông dùng những đoạn viết gián tiếp để miêu tả, chủ yếu qua tâm lý và phát ngôn của Cao Nha Nội. Đầu tiên: “Nói về Cao Nha Nội từ khi trông thấy vợ Lâm Xung nhan sắc đẹp đẽ, lại bị Lâm Xung ngăn trở tự do, thì trong bụng sinh mê mẩn bồn chồn, mà khi về phủ cứ băn khoăn khó chịu”.
Rồi tiếp đến là lời kể của gã với tay tâm phúc Phú An: “Ta từ xưa gặp con gái cũng nhiều, nhưng chưa có ai mà ta lại mê như người ấy. Vì thế cho nên vẫn buồn bã không yên, nay nếu ngươi có kế gì làm cho ta gặp mặt, thì sau này ta sẽ trọng thưởng”.
Bi kịch của Trương Thị, khởi phát từ “Cậu ấm” Cao Nha Nội – con nuôi Cao Cầu.
Một “Cậu ấm” ghẹo hoa bỡn nguyệt, không ít mỹ nữ đã qua tay như Cao Nha Nội, si mê Trương Thị đến nhường ấy, thì không có gì phải bàn cãi, nàng ta ắt phải là một giai nhân tuyệt sắc.
Bốn câu thoại đặc tả nhân cách cao quý
Câu thoại đầu tiên của Trương thị trong Thủy Hử là dành cho Cao Nha Nội ở Ngũ Nhạc Miếu: “Đương lúc thanh bình, mà dám đùa bỡn với vợ con nhà tử tế, là thế nào? Câu thoại thứ hai của nàng cũng là trong lúc bị “Cậu ấm” này giở trò xâm hại ở trên lầu nhà Lục Khiêm – bạn của Lâm Xung, khi tay này thông đồng với bọn Cao Nha Nội, Phú An thi triển mưu hèn kế bẩn: “Đời thuở nhà ai, mà dám đem vợ con nhà tử tế nhốt vào đây không?”.
Câu thoại thứ ba của Trương Thị, là dành cho Lâm Xung. Trong lúc “Báo Tử đầu” đang rất căm Lục Khiêm, muốn thẳng tay trừng trị gã bạn đểu, thì nàng mới can rằng: “Tôi tuy mắc lừa, song cũng chưa đứa nào dám phạm đến, chàng đừng sinh sự làm chi?”
Lần thứ tư, thi Nại Am để Trương Thị cất lời là khi Lâm Xung dính bẫy của Cao Cầu, chịu tội đi đày sang Thương Châu và “Báo tử đầu” quyết định viết giấy hưu thư đưa cho cha vợ - Trương Giáo Đầu, coi như cắt đứt tình nghĩa vợ chồng, tạo điều kiện cho Trương Thị xuất giá sau này.
Trương Thị vừa đẹp người vừa tốt nết, trước sau một lòng chung thủy với Lâm Xung, vượt xa hầu như tất thảy các nữ nhân chân yếu tay mềm khác của Thủy Hử.
“Lâm Xung ký xong, toan đưa cho Trương Giáo Đầu, thì thấy người vợ vừa gào vừa khóc, ở đâu đi đến... Lâm Xung trông thấy, liền quay ra bảo vợ rằng: - Nàng ơi! Tôi có một câu chuyện, đã thưa với trượng nhân rồi. Hiện nay tôi bị vận nạn thế này, chưa biết về sau còn sống chết hay không. Vậy nàng còn đương xuân xanh tuổi trẻ, phải nên sớm liệu mà kiếm chỗ để nương thân. Tôi đã viết bức hưu thư ở đây, nàng giữ lấy làm tin, không nên vì tôi để lỡ độ xuân xanh mới được. Trương Thị nghe nói lại khóc nức nở mà rằng: - Trời ơi! Tôi có điều chi thậm tệ, mà phu quân nỡ bỏ tôi như thế?”.
Chỉ bốn câu thoại, đa phần là trong lúc nghịch cảnh nhất, đau lòng nhất nhưng nhân cách của Trương Thị, người đàn bà trước sau luôn giữ trọn vẹn phẩm giá của mình, người vợ một lòng chung thủy với chồng, đã hiện lên vô cùng rõ ràng.
Tình yêu lớn với Lâm Xung, thà chết để giữ lòng chung thủy
Tình yêu của Trương Thị có lẽ là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời đầy trắc trở của Lâm Xung. Trương Thị, đàn bà chân yếu tay mềm thật đấy, khi gặp chuyên cũng chỉ biết la hét chửi mắng kẻ quấy rối mình. Nhưng nàng trước sau, luôn một lòng vì chồng mình.
Như khi nghe chuyện Lâm Xung uống rượu ở nhà Ngu Hầu Lục Khiêm, trúng gió ngã vật xuống (kế của bọn Cao Nha Nội – Phú An – Lục Khiêm) thì Trương Thị “vội vàng gửi nhà Vương Bà coi giúp, rồi đến thẳng chỗ Ngu Hầu”. Hay khi Lâm Xung, trong cơn nóng giận, vì bị bạn đểu Lục Khiêm lừa thì Trương Thị “thấy chồng mình hăng hái, cố sức can ngăn mà giữ riết ở trong nhà, không cho đi đâu”.
Tình yêu của Trương Thị chính điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời đầy trắc trở của Lâm Xung.
Ngay cả khi Lâm Xung sắp đặt chuyện cắt đứt tình nghĩa vợ chồng “Trương Thị nghe nói đã cay đắng trong lòng, lại trông thấy phong thư ở đó, thì khóc lên một tiếng mà ngã ngất ra đây”, nàng cũng vì chồng mà ngậm đắng nuốt cay chấp nhận.
Để rồi, tới hồi thứ 19, sau khi Lâm Xung giết Vương Luân, đưa Tiều Cái lên làm chủ Lương Sơn rồi nghĩ đến chuyện vợ mình ở Đông Kinh, tâm sự với Thác Tháp Thiên Vương để tính cách đưa nàng về đoàn tụ thì Trương Thị, một lần nữa, lại hiện ra với một hình ảnh khiến tất thảy phải trân trọng. Dù đó là hình ảnh cuối cùng và đầy thương cảm về nàng.
“Cách hai tháng trời thấy hai tên lâu la trở về báo rằng: - Chúng tôi đến Đông Kinh vào ngay trong thành, hỏi thăm tới nhà Trương Giáo Đầu thì thấy nói là Nương Tử bị Cao Thái Úy bức bách, đã liều thân tự ải từ hai năm về trước. Trương Giáo Đầu thì vì lo nghĩ phẫn uất, rồi vào khoảng nửa tháng nay cũng mắc bệnh mất rồi... Lâm Xung nghe nói thì tầm tã nhỏ đôi hàng lụy, rồi từ đó trong lòng không còn vương vấn việc nhà chi nữa”.
Trương Thị, tưởng chừng là người đàn bà yếu đuối, trước sau chỉ biết phụ thuộc vào Lâm Xung, rốt cuộc lại là người phụ nữ mạnh mẽ hơn tất thảy mọi nữ nhân trong Thủy Hử. Đến nữ kiệt như Hỗ Tam Nương cũng chỉ biết ôm nỗi ẩn ức trong lòng mà lưu lại Lương Sơn, sống giữa nhóm người đã giết chết toàn gia của mình cũng chẳng thể nào so sánh với một Trương Thị, để giữ trọn mối tình son sắt thủy trung, mà coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Dù chỉ là một nhân vật rất phụ trong đại cảnh Thủy Hử, Trương Thị, tuyệt nhiên chính là nữ nhân toàn mỹ nhất của tác phẩm này vậy…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.