Truy trách nhiệm Bộ trưởng vụ xây “biệt phủ” trong rừng cấm

Thứ sáu, ngày 28/08/2015 09:14 AM (GMT+7)
Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh do Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức (ngày 27/8), các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đã “truy” trách nhiệm của Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường khi để xảy ra nhiều vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có việc xây biệt thự, “biệt phủ” trái phép trong rừng cấm.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa TTXVN.

“Bộ trưởng đâu biết hết được”

Theo ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), thời gian qua, dư luận nhân dân trong cả nước rất bức xúc trước việc biệt thự, “biệt phủ” được xây dựng trái phép trên đất rừng quốc gia, trên đất nông lâm trường quốc doanh. “Theo tìm hiểu thì ông chủ của những “biệt phủ” đó toàn là quan chức và những người có tiền, có quyền. Vậy trách nhiệm quản lý của các bộ đến đâu khi để xảy ra tình trạng trên”, bà Huệ chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang.

“Chúng tôi không phải chối trách nhiệm của mình. Nhưng từ văn bản đến thực tế rất khó, không có tiền thì sao làm được?”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết

Theo ông Phát, để xảy ra vụ việc trên có trách nhiệm của Bộ khi chưa đôn đốc, kiểm tra sát sao hoạt động quản lý, bảo vệ ở các vườn quốc gia. Tuy nhiên, ông Phát cho rằng, trách nhiệm lớn nhất ở đây thuộc về chính quyền địa phương. Bởi địa phương vốn là người biết rõ địa bàn và thực trạng, lẽ ra phải ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu, chứ bộ trưởng ở xa, đâu có thể biết hết. “Quan điểm của chúng tôi là phải xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm pháp luật trong việc xâm lấn đất rừng, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào”, ông Phát nói.

“Nếu chúng ta cứ buông lỏng quản lý như thế này rất dễ dẫn đến hình thành ra các lớp địa chủ mới”. 

Ông Nguyễn Sỹ Cương cảnh báo

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH về thực trạng, nhân dân không có đất sản xuất nhưng UBND các xã lại được giao quản lý 2,1 triệu ha không đúng luật, gây lãng phí nguồn lực đất đai, ông Phát lý giải: Việc không giao 2,1 triệu ha đất trên cho dân do chất lượng đất kém, hoang hóa, lại nằm ở xa nên rất khó khăn trong sản xuất. Nếu giao  cho dân thì sản xuất cũng không được, hoặc có sản xuất thì hiệu quả cũng rất thấp. “Tình trạng là như thế, chứ không phải là nhân dân đang thiếu đất mà chúng tôi không giao”, ông Phát nói.

img

ĐB Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Như Ý.

Cho thuê trái phép sẽ hình thành lớp địa chủ mới

Về tình trạng vi phạm pháp luật trong việc giao, khoán rừng, đất lâm nghiệp, theo Đoàn giám sát còn xảy ra nhiều. Có những đơn vị còn giao khoán diện tích đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Tình trạng hộ nhận khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán; tự ý xây dựng nhà kiên cố trên đất nhận khoán khá phổ biến đối với vùng đất ven đô thị…

Dẫn câu chuyện cụ thể về tình trạng giao khoán đất rừng trái phép, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) phản ánh, ở Vườn quốc gia Ba Vì, trong khi người dân địa phương không được giao khoán đất thì nhiều người ở nơi khác đến lại được giao. Điều này buộc người dân địa phương phải đi làm thuê, làm mướn và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

“Tôi không hiểu vì sao tình trạng sử dụng đất ở nông, lâm trường trái pháp luật nhiều như thế mà chúng ta lại không thu hồi, không xử được”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh. Ông Cương đề nghị các Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã tổ chức được bao nhiêu cuộc kiểm tra, kiến nghị thu hồi trường hợp nào vi phạm chưa? “Nếu chúng ta cứ buông lỏng quản lý như thế này rất dễ dẫn đến hình thành ra các lớp địa chủ mới”, ông Cương cảnh báo.

Giải đáp những bức xúc trên, cả ông Quang và ông Phát đều thừa nhận có tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến những sai phạm trong việc giao khoán đất rừng, đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Theo Bộ trưởng Quang, nguyên nhân là tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất nông, lâm trường còn hạn chế vì thiếu kinh phí.

“Chúng tôi không phải chối trách nhiệm của mình. Nhưng từ văn bản đến thực tế rất khó, không có tiền thì sao làm được? Các tỉnh miền núi rất nghèo, ngân sách khó khăn nên không bố trí được kinh phí cho việc đo đạc bản đồ đất đai, phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Quang nói và khẳng định, nếu có 1.000 tỷ đồng thì sẽ hoàn thành công việc trên vào năm 2016.

Văn Kiên (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem