TS. Lê Văn Bảnh: Tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi

Khánh Nguyên (ghi) Thứ ba, ngày 26/03/2019 19:00 PM (GMT+7)
“Tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi cho nông dân là nhiệm vụ đang được đặt ra” - ông Lê Văn Bảnh (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nói.
Bình luận 0

img

Từ cuối năm 2018 đến nay, giá lúa gạo giảm sâu, nguyên nhân là gì, thưa ông?

- Theo ước tính, sản lượng lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL hàng năm vào khoảng 10-11 triệu tấn thóc. Thời điểm đầu năm doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) và khách nước ngoài chưa đặt hàng mua, dẫn đến các DN trong nước bị ứ đọng không có đầu ra và không mua lúa của dân. Trong khi đó, bà con nông dân cũng muốn bán để có tiền để chi tiêu, nhưng lúa bán không được nên dẫn đến hạ giá.

img

Chế biến gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh

Giải pháp mua tạm trữ sớm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc có giúp giá lúa gạo tại ĐBSCL tăng lên?

- Theo tôi đánh giá, số lượng tạm trữ 200.000 tấn gạo (tương đương chưa được nửa triệu tấn thóc) và 80.000 tấn thóc là quá ít, như muối bỏ bể. Đây chỉ là giải pháp tình thế giữ cho giá lúa ổn định và không giảm thêm nữa chứ có thể tăng giá lúa gạo thời điểm hiện nay. Vấn đề cốt lõi là DN có bán được thì họ mới thu mua lúa cho nông dân.

Có thông tin Trung Quốc làm khó khiến cho giá lúa gạo của Việt Nam xuống giá, ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

- Thực tế, Trung Quốc không làm khó cho XK gạo của Việt Nam. Trước đây, chúng ta chủ yếu XK tiểu ngạch, nhưng hiện nay họ chuyển hướng sang XK chính ngạch. Do đó, Trung Quốc đã sang kiểm tra các DN XK gạo của Việt Nam đủ tiêu chuẩn thì mới được bán sang thị trường này. Cạnh đó, đây là một thị trường lớn, nhu cầu sử dụng gạo rất nhiều. Do đó, họ không chỉ nhập khẩu gạo của Việt Nam mà còn của nhiều thị trường khác.

Cũng như nhiều loại nông sản như thanh long, dưa hấu… khi Việt Nam bị ùn ứ lại trong tiêu thụ thì họ cũng có động thái thu mua chậm chứ không phải không thu mua. 

Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã bàn và nhận định năm 2019 XK gạo không đơn giản. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Năm 2018 ngành lúa gạo dường như đã khởi sắc với sự gia tăng cả về giá cả và chất lượng. Tuy nhiên, cạnh tranh khốc liệt hơn vào năm 2019 khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhập khẩu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi đó các quốc gia XK gạo tăng cường xuất ra thị trường.

Trước đây chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ sản xuất và XK gạo nhưng hiện nay Campuchia, Bangladesh cũng sản xuất và XK  gạo. Myanma trước đây giữ vị trí nhất nhì trong sản xuất lúa gạo, sau thời gian sụt giảm thì hiện cũng bắt đầu phục hồi.

Trung bình hàng năm Việt Nam XK 5-6 triệu tấn gạo. Dự kiến năm 2019, XK gạo cũng sẽ đạt mức này. Tuy nhiên, giá gạo mỗi thời điểm một khác. Năm 2018, giá gạo XK tăng mạnh lên 502USD/tấn (2017 là 452USD).

Nhưng trong năm 2019, giá gạo XK khó đạt được con số này. Vì phía khách hàng nhập khẩu có thêm nhiều nguồn để lựa chọn. Khách hàng nước ngoài cũng tính toán, cân nhắc để có thể mua được mức giá rẻ nhất từ Việt Nam. Đây là bài toán cạnh tranh cung cầu trên thị trường lúa gạo thế giới.

Theo ông, giải pháp lâu dài cho ngành lúa gạo nói chung và DN XK gạo Việt Nam nói riêng là gì?

- Để thị trường lúa gạo của Việt Nam phát triển ổn định, XK bền vững thì các DN lúa gạo Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường XK. Cạnh đó, cần tăng chất lượng lúa gạo và nâng cao uy tín trên thị trường lúa gạo thế giới. Đây cũng là giải pháp quan trọng để có thể XK sang các thị trường khó tính như: Đông Bắc Á, Tây Âu. Phải thể hiện được thương hiệu gạo của các DN Việt Nam.

Về lâu dài, các DN phải tìm kiếm được đầu ra ổn định, đa dạng hóa thị trường và có kết nối chuỗi sản xuất giữa nông dân với DN. Trong đó, DN có nhiệm vụ giúp người nông dân tổ chức sản xuất, thu mua cho nông dân.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem