TS. Nguyễn Đình Cung: Việt Nam thiếu chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp xã hội

17/03/2023 07:40 GMT+7
"Nếu có chính sách tốt hơn, hỗ trợ hay hơn, được thừa nhận rộng rãi hơn sẽ tác động tích cực tới sự phát triển của doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là khả năng đổi mới sáng tạo".

Đây là trăn trở của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ về hệ thống pháp lý, cơ hội và sức bật cho doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.

Tại lễ Công bố các nền tảng sáng tạo thúc đẩy phát triển bền vững do Viện nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) tổ chức, TS Cung kể: Năm 2009, tình cờ xem ti vi, ông thấy nước Anh có phong trào phát triển doanh nghiệp xã hội, đây là thời điểm mà kinh tế thế giới đối mặt những biến động về tài chính khó lường, và ông này cho rằng cần có ý tưởng đưa khái niệm doanh nghiệp xã hội vào Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung: Việt Nam thiếu chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp xã hội - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM)

Ông Cung cho rằng, thời điểm đó doanh nghiệp xã hội đã tồn tại ở Việt Nam nhưng hoạt động dưới nhiều hình thức, với tên gọi khác nhau. "Tôi thấy họ là những con người lầm lũi, âm thầm vì lợi ích xã hội, đóng góp và giải quyết việc làm cho người yếu thế. Mô hình này rất phù hợp đối với định hướng phát triển của đất nước", ông kể.

Tuy vậy, chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho hay để đưa khái niệm doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp cũng gặp khá nhiều khó khăn, đó là những hoài nghi như làm gì có chuyện doanh nghiệp kinh doanh không vì lợi nhuận, phục vụ lợi nhuận; hay sau đó là tư duy quản lý, giám sát.

Những rào cản trên theo vị chuyên gia này vẫn kéo dài đến hiện nay. Điều mà ông đau đáu nhất là doanh nghiệp xã hội vẫn chưa có được hệ thống chính sách ưu đãi riêng biệt. 

"Nhiều doanh nghiệp không thể chuyển đổi sang doanh nghiệp xã hội bởi vì người ta cảm nhận sang không được cái gì, sang rủi ro hơn vì có sự quản lý Nhà nước", ông Cung nói.

Doanh nghiệp xã hội được hiểu là một tổ chức có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.

Theo đó, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, nếu có chính sách tốt hơn, hỗ trợ hay hơn, được thừa nhận rộng rãi hơn sẽ tác động tích cực tới doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là phát huy khả năng đổi mới sáng tạo.

Theo PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng, Nghiên cứu trưởng Viện IID, nhận thấy thách thức lớn nhất của khu vực sáng tạo xã hội, kinh doanh tạo tác động là thiếu khả năng tiếp cận các cơ hội, nguồn lực, tiếp cận thị trường sản phẩm - vốn và thiếu một hệ sinh thái hỗ trợ, Viện IID đã đưa ra 3 nền tảng số miễn phí giải quyết những thách thức đó.

Trong đó, impactUP là nền tảng đào tạo, ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp xã hội. iMapVietnam có chức năng xác thực doanh nghiệp và đo lường tác động cho các doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam. V.innovate là nền tảng đánh giá hệ sinh thái sáng tạo - khởi nghiệp và tác động xã hội cho các trường đại học và các địa phương.

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng nhấn mạnh, thông qua 3 nền tảng, Viện mong muốn tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cộng đồng tạo tác động xã hội, bao gồm cả tiếp cận nguồn lực và chính sách. Rộng hơn nữa là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp xã hội ngay từ các bạn sinh viên đại học.

Viện IDD là tổ chức khoa học công nghệ không vì lợi nhuận thuộc Trung tâm Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (VAPEC). IID định vị là viện nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo vì phát triển bền vững, với 3 trụ cột hoạt động: sáng tạo và chia sẻ tri thức; tăng cường năng lực và kết nối nguồn lực. IID là viện nghiên cứu được vận hành dựa trên dữ liệu, công nghệ và kết nối toàn cầu.

An Linh
Cùng chuyên mục