TS Trần Du Lịch: “Xây nhà 10 tầng, nơi thành phố cấp phép, nơi phải lên Bộ”

Hoàng Nhật Thứ hai, ngày 18/03/2019 06:36 AM (GMT+7)
“Nền hành chính công hiện nay còn lồng ghép, chưa phân biệt rõ phạm vi trách nhiệm của trung ương và địa phương. Thử hỏi dự án xây dựng căn nhà 10 tầng, nơi này thì thành phố cấp giấy phép, nơi khác lại phải lên Bộ. Tại sao phải lên Bộ, công vụ nào thuộc trách nhiệm địa phương?”, TS. Trần Du Lịch đặt câu hỏi.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. (Ảnh: Internet)

Khi được hỏi về những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình điều hành kinh doanh hiện nay, hơn 54% doanh nghiệp trả lời rằng, thủ tục hành chính vẫn là những trở ngại lớn nhất.

Với câu hỏi: “Việc thực thi cải cách hành chính trong năm 2018 so với trước đó thay đổi như thế nào?”. Tới 57% trong số những doanh nghiệp tham gia hội thảo chia sẻ không có gì thay đổi, 37% doanh nghiệp cho rằng có thay đổi nhanh hơn, số còn lại bỏ phiếu cho phương án cải cách vẫn còn rất chậm.

Ngoài ra, có 52% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, điều quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế chính là xây dựng thể chế phù hợp. Đây đều là kết quả có được sau khi tiến hành khảo sát nhanh 300 doanh nghiệp tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 diễn ra cách đây ít ngày.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc Tân Long Group cho biết, những bất cập của hệ thống pháp luật - hành chính công tại Việt Nam đang thực sự gây nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2010, công ty của ông Trung đã phải tạm từ bỏ ngành kinh doanh gạo cốt lõi do vướng quy định: các doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo ít nhất mỗi năm phải xuất khẩu 10.000 tấn, trong khi Tân Long quy mô còn nhỏ và làm gạo chất lượng nên không thể đảm bảo đủ số lượng trên.

Còn trong thời gian gần đây, nhiều bộ ngành tuyên bố mình đã cắt giảm 40% đến 50% các điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính không cần thiết nhưng rất ít doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả trên, bởi tình trạng trên làm nhưng dưới không làm hoặc chỉ nói chứ chưa hành động. Mới đây, doanh nghiệp của ông Nguyễn Chánh Trung đã đi mua Hồ sơ tạm trữ quốc gia của Nhà nước để tạm thời góp phần giải quyết tình trạng dư cung lúa cho nông dân, song nhiều địa phương né tránh không chịu bán cho doanh nghiệp.

Bình luận về kết quả nêu trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng: “Mức độ lạc quan về tăng trưởng kinh tế vẫn sáng sủa, Việt Nam vẫn đang là địa điểm có sức thu hút đầu tư hàng đầu thế giới dù điểm nghẽn về cải cách thể chế vẫn còn. Muốn bứt phá kinh tế phải bứt phá thể chế”.

img

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. (Ảnh: Internet)

Đáp lại, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, kết quả khảo sát đã nêu phản ánh đúng những điều ông đang suy nghĩ.

“Nghị quyết 01/NQ-CP/2018 chỉ có 10 chữ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Năm nay, có thêm 2 chữ bứt phá. Vậy bứt phá ở khía cạnh nào?

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam từ năm 2016 tới nay đang có dấu hiệu đổi chiều tăng trưởng. Giai đoạn 2001-2015, cứ 5 năm lại có mức tăng trưởng chậm hơn so với 5 năm trước đó 1%. Nhưng hiện nay tăng trưởng đang đổi chiều, tạo kỳ vọng kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới.

Thứ hai, là thể chế. Cải cách thể chế mãi vẫn không đạt yêu cầu, vì sao? Nhược điểm lớn nhất là cải cách không đồng bộ. Việc giải quyết các mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vấn đề từ tổ chức bộ máy từ hành chính tới con người, nền hành chính công, tài chính công… Tất cả các mối quan hệ này đều không đồng bộ. Sửa đầu này, vênh đầu kia.

Quốc hội mới làm cả trăm đạo luật ở nhiệm kỳ trước thì sang nhiệm kỳ này đã sửa hết rồi, chưa dùng đã sửa vì xuất phát từ tư duy nền kinh tế kế hoạch hóa trước đây được chỉnh sửa lại chứ không tư duy kinh tế thị trường”, TS. Trần Du Lịch phân tích.

Theo TS. Trần Du Lịch, năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kịch bản kinh tế Việt Nam lúc đó đặt ra yêu cầu tồn tại là ưu tiên hàng đầu. Song hiện tại, muốn tồn tại phải bứt phá.

Ông Lịch đề xuất: “Phải áp dụng tư duy kinh tế thị trường, chứ không phải tư duy được sửa chữa từ hệ thống tư duy kinh tế kế hoạch hoá. Đầu tiên, xác định vai trò của Nhà nước sẽ làm gì, còn lại để doanh nghiệp làm. Thứ hai, cải cách hành chính, nếu vẫn tư duy kinh tế ở cấp độ tỉnh, địa phương thì làm sao phát triển được.

Thứ ba, nền hành chính công hiện nay còn lồng ghép, chưa phân biệt rõ phạm vi trách nhiệm của trung ương và địa phương. Thử hỏi dự án xây dựng căn nhà 10 tầng, nơi này thì thành phố cấp giấy phép, nơi khác lại cao hơn, phải ra Bộ. Tại sao phải ra Bộ, công vụ nào thuộc trách nhiệm địa phương?”.

Từ đây, TS. Trần Du Lịch đặt ra câu hỏi: “Vậy tư nhân cần gì?”.

Rồi tự đưa ra đáp án: “Chúng ta phải tạo môi trường cho tư nhân phát triển để người làm ăn lành mạnh có thể phát triển, còn những doanh nghiệp dựa vào cơ chế, dựa vào quen biết, luồn lách không có đất tồn tại. Bởi trong một môi trường mà những ai làm ăn gian dối với những ai làm ăn chân chính cùng tồn tại thì chắc chắn những doanh nghiệp làm ăn chân chính không có đất mà sống”.

Lúc này, liên tưởng câu chuyện của người dân và doanh nghiệp với hình ảnh “Từ Hải chết đứng”, bởi nếu áp dụng theo luật của bộ này thì đúng nhưng nếu áp dụng theo luật của bộ khác thì sai, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét: “Ngay trong một luật nhưng ở địa phương này giải thích kiểu này, còn địa phương khác lại giải thích kiểu khác.

Cho nên cần phải làm thế nào để giảm tình trạng tham nhũng vặt, bởi những đơn vị cơ quan hành chính từ cấp xã, phường… đều có thể chia chác với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó cần phải có hệ thống pháp luật đảm bảo được yêu cầu minh bạch để bảo vệ những đối tượng kinh doanh này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem