Kỳ 1: Trở lại với “mật ngọt”
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC)
Chắc hẳn ông Đặng Văn Thành sẽ không quên được cái ngày “định mệnh” cách đây 4 năm. Ngày 2/11/2012, ông phải nhận quyết định của Hội đồng Quản trị (HĐQT) Sacombank, thôi chức chủ tịch.
Phải nhận quyết định thôi giữ chức vụ cao nhất của ngân hàng do mình sáng lập và giữ vị trí ấy suốt 17 năm từ năm 1995. Phải ra đi vào lúc ngân hàng vẫn có lãi lên đến 2.200 tỷ cho 3 quý đầu năm. Thêm nữa, rộ tin đồn ông sắp bị bắt… Có lẽ, mọi người cho rằng ông Thành đã qua thời.
Ngay sau đó, con trai ông Thành là ông Đặng Hồng Anh và con gái Đặng Huỳnh Ức My cũng rút khỏi các hoạt động làm ăn tại Sacomreal và Thành Thành Công. Giới phân tích cho rằng sự nghiệp kinh doanh của gia tộc họ Đặng đã sụp đổ. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy.
Mật ngọt
Ít người biết, ông Thành không khởi nghiệp bằng ngành tài chính. Ông, cùng với vợ, Huỳnh Bích Ngọc, kinh doanh ngành rỉ mật từ năm 1979 với cơ sở sản xuất kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ mang tên Thành Thành Công (sau này là TTC).
10 năm sau, năm 1989, khi đã tích lũy kha khá vốn từ TTC, ông bắt tay thành lập Hợp tác xã Tín dụng TTC, giữ vai trò chủ nhiệm. Đó là tiền thân của Ngân hàng Sacombank sau này.
TTC ban đầu chỉ là cơ sở gia đình. Hiện tại, TTC là một tập đoàn đa ngành với 21 công ty thành viên, đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu: Bất động sản, Năng lượng, Mía đường, Giáo dục, Du lịch và Nông sản. Theo cáo bạch, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của TTC lên đến gần 30 ngàn tỷ đồng, vốn điều lệ 11.371 tỷ đồng với doanh thu thuần đạt 15.405 tỷ đồng.
Giờ đây, khi điểm lại những thành công của TTC, giới phân tích nhận ra, “mật ngọt” của ông Thành chính là nền tảng gia đình. Trong vòng 3 đến 4 năm xảy ra “biến cố Sacombank”, người ta thấy ông Thành “mất hút” (sau này ông xác nhận là vì mệt mỏi nên bàn giao công việc và sang Singapore nghỉ một thời gian dài).
Thế nhưng, công việc làm ăn của TTC thì không dừng lại. Đằng sau ông, hai người phụ nữ, bà Ngọc với vai trò chủ tịch và cô Ức My, con gái lớn, đã cùng mẹ chèo lái “con thuyền” TTC trước cơn sóng dữ.
Chuyển hướng?
Khi nhiều báo lớn chạy dòng tít “ông Đặng Văn Thành tái xuất”, ông xuất hiện với vai trò chủ tịch TTC. Có lẽ, bà Ngọc và con gái ông, cô Ức My, đã làm xong sứ mệnh “bình ổn” để ông có thể trở lại thương trường.
Câu chuyện mà ông Thành nói với báo chí giờ đây là mía đường và chăn nuôi. Ông say sưa chia sẻ về kế hoạch nuôi bò. “Trước đây mọi người hay gọi tôi là Đặng Văn Thành Sacombank, sau này chắc còn biết thêm Đặng Văn Thành bò Kobe”, ông nói.
Nhà máy của Công ty đường TTC Tây Ninh của Tập đoàn TTC
Năm 2015, báo cáo tài chính của TTC Tây Ninh và Đường Biên Hòa, hai công ty thành viên trọng yếu trong lĩnh vực mía đường, đóng góp cho TTC lên đến 440 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó TTC Tây Ninh có số lãi là 280 tỷ đồng, còn Đường Biên Hòa là 160 tỷ đồng.
Không những thế, đầu tháng 04 năm 2016, TTC bỏ ra khoảng 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần của Tập đoàn Tín Nghĩa, một đại gia bất động sản, nông sản đến từ Đồng Nai.
Đánh giá về động thái này, giới phân tích cho rằng, TTC chuyển hướng và tập trung sâu vào mảng kinh doanh nông sản và logistic. Bởi vì, hiện tại Tín Nghĩa đang sở hữu hàng loạt tài sản liên quan như: KCN Nhơn Trạch 1, 2, 3, Nhơn Trạch 6D, Bàu Xéo, Tân Phú… Ngoài ra, tập đoàn này còn có doanh thu lớn từ xuất khẩu cà phê và xăng dầu. Theo đó, Tín nghĩa có kế hoạch trồng 3000 ha cà phê tại Lào và đã khai thác được 700 ha.
Liệu rằng, một người có máu kinh doanh tiền, được mệnh danh là “banker” (nhà tư tưởng ngân hàng) đúng nghĩa như ông Thành (người thứ hai được giới chuyên môn thừa nhận là ông Trần Mộng Hùng, Nhà sáng lập ACB) sẽ chuyển hướng hẳn và chỉ làm nông nghiệp? Đó là băn khoăn của không ít nhà phân tích chiến lược. Tuy nhiên, trả lời cho câu hỏi trên để lý giải về chiến lược kinh doanh của ông Thành và TTC vẫn là câu hỏi mở đang chờ câu trả lời thuyết phục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.