Từ câu chuyện nạn nhân bị "bỏ bùa" chơi Forex: "Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam"
Từ câu chuyện nạn nhân bị "bỏ bùa" chơi Forex: "Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam"
Nguyễn Thịnh
Thứ sáu, ngày 13/12/2024 16:19 PM (GMT+7)
Mặc dù Mr Pips Phó Đức Nam đã bị bắt nhưng các chuyên gia tài chính và công nghệ cho rằng, chắc chắn vẫn còn nhiều cá nhân và tổ chức lừa đảo khác chưa bị phát hiện hoặc xử lý bởi cơ quan pháp luật.
Như Dân Việt đã đưa tin, Mr Pips Phó Đức Nam cùng các đối tượng đã bị bắt vì lập sàn giao dịch giả, lừa hơn 2.600 nạn nhân nạp hàng chục triệu USD (31 người bị khởi tố, thu giữ khối tài sản 5.200 tỷ đồng).
Chiêu thức của nhóm lừa đảo bị vạch trần, đó là thành lập hàng chục văn phòng tại Việt Nam, tạo dựng các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo. Các sàn này, với giao diện tương tự như những sàn giao dịch quốc tế GTMX, ALPHA, TRDING, IQX..., được lập trình với đòn bẩy tài chính lớn (từ 20 đến 1.000 lần số tiền nạp), khiến các nhà đầu tư luôn thua lỗ và tài khoản "cháy" sau mỗi lần đặt lệnh.
Khi nạn nhân bị "bỏ bùa" vì sàn giao dịch ngoại hối Forex giả mạo
PV Dân Việt gặp gỡ anh Vũ Chương (Hà Nội), người từng là một nạn nhân khi tham gia sàn Forex, và biết được đầy đủ chiêu thức "lùa gà" hết sức bài bản và tinh vi của các đối tượng lừa đảo.
Anh Chương kể: "Vào khoảng năm 2014, thời điểm công nghệ bùng nổ, tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi mời chào về chơi chứng khoán và tham gia sàn Forex. Được giới thiệu "chỉ cần 1-2 triệu đồng cũng có thể tham gia" rồi "có broker hỗ trợ 24/24" hay "rút tiền lúc nào cũng được", "có thể tham gia đầu tư vào tất cả mặt hàng quốc tế từ dầu mỏ đến nông sản, vàng, USD"... nên tôi đã chọn thử tham gia sàn Forex.
Ban đầu, tôi đã quyết định thử nạp 5 triệu đồng với tâm lý xác định là mất cũng có thêm kiến thức về thị trường này. Thao tác nạp vào tài khoản tương đối thuận lợi và dễ dàng. Ngay sau khi nạp tiền, có ngay người gọi điện thoại hỗ trợ. Họ gọi tầm 18h tối và thông báo đang ở một sàn bên Mỹ và sẽ là người hỗ trợ trực tiếp cho tôi. 23h đêm, họ lại tiếp tục gọi và hướng dẫn đặt lệnh, nói rằng tôi cần tự tìm hiểu thêm mô hình nến tăng và mô hình nến đảo chiều".
Anh Chương nhớ lại, khi ấy anh đọc rất nhiều các thông tin về dầu mỏ và dự định đặt lệch mua dầu, nhưng người hướng dẫn đã ngăn cản với 2 lý do: Tài khoản mới chưa được tham gia đặt lệnh mua bán dầu mỏ vì khối lượng giao dịch không đủ. Và người hướng dẫn chịu trách nhiệm giúp người chơi có lãi nên cần chú ý làm theo hướng dẫn.
"Đến giờ tôi nghĩ đó là cách "lùa gà" của họ. Người hướng dẫn chẳng qua đang làm theo kịch bản có sẵn. Những lần đặt tiền đầu tiên, tôi có lãi nhanh chóng. Trong ít ngày tiếp theo, tôi có lỗ, có lãi và chỉ chơi "cò con". Vì tưởng sàn bên Mỹ bên tôi thức đêm nhiều ngày nên có phần mệt mỏi, ý định dừng chơi nhưng phát hiện hóa ra sàn Forex mở cửa cả ngày", anh Chương nói.
Trong một vài ngày tiếp theo, anh Chương kể rằng anh tự chơi mà không cần người hướng dẫn, đặt các lệnh đều có lãi, có lệch lãi gần 4 triệu đồng. Đột nhiên 1 tuần sau, người hướng dẫn gọi điện động viên rằng anh bắt lệnh rất chuẩn, hãy tiếp tục mua thêm. Nhưng khi mua thêm, giá liên tục giảm, tài khoản bốc hơi chỉ còn 1 triệu đồng.
"Máu ăn thua" bắt đầu xuất hiện, anh Chương sau khi lĩnh lương ở một cơ quan làm việc, liền nạp thêm 10 triệu đồng. Đến lúc này anh được thông báo đủ điều kiện tham gia mua bán mã dầu mỏ mà anh mong muốn từ đầu. Và câu chuyện lặp lại khá giống ban đầu: Có lỗ. Có lãi. Có hưng phấn. Có tiếc nuối... Cuối cùng, anh lỗ 20 triệu đồng tất cả và "cháy" tài khoản.
Sau đây, người hướng dẫn bắt đầu khuyên anh Chương chơi "đòn bẩy" (một dạng đặt cược trước để nâng số tiền lên 10 lần, 100 lần thậm chí 1000 lần tùy theo mức đảm bảo của tài khoản. Thắng thì thắng như bình thường nhưng thua sẽ trừ đi vào các khoản khác của tài khoản). Sau khi dùng "đòn bẩy", anh Chương tiếp tục bị cháy tài khoản, âm thêm 3 triệu đồng. Anh nạp 5 triệu đồng để phục hồi và có thêm 2 triệu đồng để tham gia tiếp. Lần này anh tiếp tục "cháy" tài khoản và quyết định dừng lại.
"Cho đến vừa qua khi đối tượng Mr Pips Phó Đức Nam bị bắt thì tôi đã hiểu rõ hơn quy trình lừa đảo, "lùa gà" của những tên tội phạm mạng tinh vi và đánh trúng tâm lý như thế nào. Tôi không biết sàn Forex khi đó có phải trong đường dây của Phó Đức Nam hay không và cũng không biết rằng đó là sàn thật sự hay lừa đảo", anh Chương chia sẻ.
"Vẫn còn nhiều siêu lừa đảo như Mr Pips Phó Đức Nam ở Việt Nam"
Trả lời PV Dân Việt, ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, mô hình lừa đảo của Mr Pips không mới, nhưng chúng đã trở nên tinh vi và bài bản hơn rất nhiều.
Mr Pips Phó Đức Nam quảng cáo về sự giàu sang và xa hoa của bản thân. Lập các đội nhóm kín để lôi kéo cộng đồng trên Telegram, Zalo, Facebook...
Ở góc độ về công nghệ, Mr Pips Phó Đức Nam có thể coi là một người giỏi thông qua thành tích học tập khủng. Đối tượng từng tốt nghiệp Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, đạt thành tích cao trong kỳ thi SAT, thuộc top đầu quốc tế, và đạt chứng chỉ IELTS 8.5. Mr Pips cũng giành được học bổng toàn phần để theo học ngành Công nghệ Thông tin tại một trường đại học danh tiếng ở Singapore.
"Những kẻ lừa đảo có trình độ cao, hoạt động xuyên biên giới, và sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi của mình. Theo báo cáo tội phạm mạng của FBI năm 2023, các vụ lừa đảo trên toàn cầu đã gây thiệt hại hơn 12,5 tỷ USD, trong đó hơn 40% liên quan đến lừa đảo đầu tư. Đáng chú ý, mức độ thiệt hại đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 3 năm qua. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và nguy hiểm của các mô hình này, ảnh hưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu", ông Phan Đức Trung phân tích.
Ông Trung nhấn mạnh rằng, Mr Pips Phó Đức Nam không phải là đối tượng duy nhất tại Việt Nam. Dù Mr Pips đã bị bắt, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều cá nhân và tổ chức khác chưa bị phát hiện hoặc xử lý bởi cơ quan pháp luật.
Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam thông tin thêm, hiện Hiệp hội đang triển khai chương trình ChainTracer, một sáng kiến nhằm truy vết và nhận diện các dự án hoặc token có dấu hiệu lừa đảo. Trong suốt 2 năm hoạt động, Chaintracer đã ghi nhận rất nhiều trường hợp lừa đảo với số tiền thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng việc thị trường ngoại hối và chứng khoán đang lên cộng với chiêu trò dẫn dụ hết sức bài bản của Mr Pips đã đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư.
"Các đối tượng lừa đảo tài chính, đặc biệt là thông qua các sàn giao dịch ngoại hối, không chỉ được đào tạo kỹ về thao túng tâm lý, về công nghệ mà còn nắm bắt sâu kiến thức cả về lĩnh vực này. Từ đó, chúng đánh vào lòng tham của nhà đầu tư và dẫn dụ", TS Trí Hiếu nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, chính hình ảnh của bản thân ông cũng từng bị các đối tượng lợi dụng trong các hội nhóm để xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư tài chính. Ông Hiếu đưa ra lời khuyên rằng sự tỉnh táo, cảnh giác là điều rất quan trọng bởi các đối tượng lừa đảo bên ngoài vẫn rất nhiều, và ngày càng tinh vi.
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP Tinh thông Luật):
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 07 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối. Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.Theo đó, chỉ có các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới được phép kinh doanh ngoại hối.
Cá nhân, tổ chức khác chỉ được phép tham gia thị trường ngoại tệ khi thuộc đối tượng người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam theo khoản 2, khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013).
Về xử phạt hành chính
Giả sử, chủ thể có hành vi thành lập văn phòng tại Việt Nam tạo dựng các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính.
Mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, mức phạt tiền thấp nhất là 10.000.000 đồng và cao nhất là 250.000.000 đồng, ngoài ra còn phải chịu thêm các hình thức xử phạt bổ sung khác như: tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đại lý đối ngoại tệ; tước quyền sử dụng giấy phép thu, chi ngoại tệ và hoạt động ngoại hối khác; tước quyền sử dụng giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân; đình chỉ hoạt động ngoại hối. Căn cứ theo điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Về xử lý hình sự
Giả sử, trong trường hợp nếu chủ thể có hành vi thành lập văn phòng tại Việt Nam tạo dựng các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán quốc tế giả mạo lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sảnthì căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì mức phạt thấp nhất có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; mức phạt tù từ 6 tháng đến cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân tùy mức độ, hành vi vi phạm của chủ thể.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.