Từ cơ duyên gặp gỡ bất ngờ đến một bài báo đặc biệt đoạt Giải báo chí "tam nông" năm 2024
Từ cơ duyên gặp gỡ bất ngờ đến một bài báo đặc biệt đoạt Giải báo chí "tam nông" năm 2024
Trần Quang - Khổng Chí
Thứ bảy, ngày 07/12/2024 06:00 AM (GMT+7)
Từ cơ duyên gặp gỡ bất ngờ giữa nhà báo Hồng Hạnh và anh Đào Đức Hiếu, người sáng lập kiêm Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Giàng (Yên Bái) đã cho "ra đời" một tác phẩm báo chí đặc biệt - "Giàng A Hiếu" người đánh thức "xứ sở hạnh phúc Suối Giàng và khát khao đưa trà Việt lên đỉnh thế giới.
Chia sẻ với Báo điện tử Dân Việt, nhà báo Hồng Hạnh (Báo Đầu tư) cho hay: Cơ duyên để tôi gặp anh Giàng A Hiếu bắt đầu từ một chuyến công tác cùng đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội tại Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024. Là một phóng viên theo dõi mảng du lịch hơn 12 năm, tôi luôn tìm kiếm những câu chuyện truyền cảm hứng, và trong buổi workshop tại lễ hội, tôi đã bị thu hút bởi cách anh Hiếu giới thiệu về trà Shansen, quy trình thưởng thức trà Shan tuyết cổ thụ ướp sen Tây Hồ.
Anh không chỉ chia sẻ quy trình ướp trà, cách pha và thưởng thức trà đúng điệu, mà còn thổi vào đó một tình yêu lớn lao với trà và văn hóa Việt. Sự nhiệt huyết và truyền cảm trong từng lời nói của anh đã ngay lập tức khiến tôi muốn tìm hiểu thêm.
Nhà báo Hồng Hạnh kể: Sau buổi workshop, tôi đã liên lạc và hẹn gặp anh Hiếu để trò chuyện. Chúng tôi gặp nhau tại Trung tâm Tinh Hoa Làng Nghề Việt – một không gian mà anh sáng lập và đặt trọn tâm huyết. Tòa nhà 6 tầng ở số 8, ngõ 28, đường Võ Chí Công, Hà Nội, không chỉ là nơi trưng bày trà Shan tuyết mà còn là không gian để bảo tồn và giới thiệu các giá trị của làng nghề Việt.
Anh Hiếu dẫn tôi đi tham quan từng tầng, từ khu vực trưng bày trà, triển lãm sản phẩm làng nghề đến không gian giao lưu văn hóa trà. Mỗi góc nhỏ trong tòa nhà đều được anh chăm chút tỉ mỉ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Điều khiến tôi nhớ mãi là buổi trò chuyện diễn ra vào một ngày thu tuyệt đẹp, trong không gian lớp học trà của Trung tâm. Chúng tôi bắt đầu buổi trò chuyện từ 8 giờ sáng, xuyên trưa đến 14h30 mà không dùng bữa. Tôi thậm chí không ăn sáng trước khi đến. Bình thường, khi uống trà xanh mà chưa ăn, tôi dễ bị say trà, cảm giác xót ruột là điều khó tránh.
Nhưng hôm đó, khi thưởng thức hồng trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng do anh Hiếu pha, tôi cảm thấy cơ thể hoàn toàn tỉnh táo, không chút đói hay mệt mỏi. Đó là một trải nghiệm đặc biệt, khiến tôi càng tin rằng trà Shan tuyết cổ thụ không chỉ là một thức uống mà còn là dược liệu quý báu mà cha ông ta để lại như lời anh Hiếu nói.
Buổi trò chuyện ấy càng làm tôi khâm phục anh Hiếu hơn. Qua từng câu chuyện, tôi hiểu rõ hơn về con người anh – một người dám từ bỏ sự ổn định nơi phố thị, dám dấn thân, dám hy sinh tất cả để trở về mảnh đất Suối Giàng, nơi vốn nghèo đói và khắc nghiệt. Nhưng vượt qua tất cả, chính trong gian khó ấy, anh đã nhìn ra tiềm năng của trà Shan tuyết cổ thụ – một kho báu bị lãng quên giữa núi rừng.
Anh đã quyết tâm khôi phục và phát triển nghề trà, mang lại không chỉ giá trị kinh tế mà còn niềm tự hào cho người dân Suối Giàng.
Khi anh Hiếu rời đi để tiếp tục công việc, tôi vẫn còn rất nhiều điều muốn hỏi. Những ngày sau đó, chúng tôi duy trì liên lạc qua điện thoại và tin nhắn để làm rõ những thông tin cần thiết. Trong 10 ngày liên tiếp, tôi tạm gác lại mọi công việc khác, chỉ tập trung nghiên cứu và viết bài. Nội dung bài báo sau khi hoàn thành rất đồ sộ, khiến tôi quyết định đề xuất với Ban Biên tập được trình bày dưới dạng Megastory với 5 chương để đảm bảo truyền tải trọn vẹn câu chuyện.
"May mắn thay, tại Báo Đầu Tư, chúng tôi luôn được Ban Biên tập khuyến khích thực hiện những tác phẩm báo chí sâu sắc. Đây chính là giá trị cốt lõi đã giúp tôi có cơ hội thực hiện bài viết về anh Giàng A Hiếu. Chính thế, tôi được trao quyền sáng tạo tối đa cả về nội dung lẫn hình thức trình bày sao cho nội dung sâu sắc và hình thức độc đáo, hấp dẫn. Điều này không chỉ là cách tri ân độc giả mà còn là cách chúng tôi rèn luyện để mỗi ngày trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình", nhà báo Hồng Hạnh khẳng định.
...Đến bài báo đặc biệt
Nhà báo Hồng Hạnh tiết lộ: Với tác phẩm Megastory về anh Giàng A Hiếu, tôi đã thức xuyên đêm thiết kế cho từng bức ảnh, đồ hoạ, để kịp xuất bản vào 9 giờ 2 phút ngày 2/9/2024 như kế hoạch Ban biên tập đã định. Với hình thức báo chí đa phương tiện cùng những tư liệu quý giá mà anh Hiếu cung cấp, tôi tin độc giả sẽ phần nào cảm nhận được vẻ đẹp của một "xứ sở hạnh phúc", của trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, hành trình khởi nghiệp của anh Hiếu, và cả những giá trị văn hóa truyền thống ẩn sâu trong đó.
Bài báo, sau khi được xuất bản, đã nhận được sự quan tâm lớn từ độc giả. Riêng trên nền tảng Facebook, bài viết đã đạt tới hơn 14.000 lượt like, share và đạt con số triệu view. Điều này không chỉ là sự ghi nhận cho nỗ lực cá nhân mà còn là minh chứng cho sức lan tỏa của một câu chuyện đẹp, một giá trị văn hóa đáng trân quý.
"Hành trình thực hiện bài viết về anh Giàng A Hiếu không chỉ là một trải nghiệm nghề nghiệp mà còn là hành trình khám phá giá trị cuộc sống. Tôi tin rằng, một tác phẩm báo chí hay không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải khơi dậy cảm xúc, truyền cảm hứng và để lại dư âm trong lòng người đọc. Tôi vinh dự khi được kể lại câu chuyện của anh Hiếu và những khát khao của anh, và càng tự hào hơn khi biết rằng nó đã chạm đến trái tim của nhiều độc giả, mà việc đoạt giải thưởng kép tại Giải báo chí "Tam nông" cũng đã minh chứng cho điều đó.
Khi biết tác phẩm của mình được Hội đồng chung khảo lựa chọn trao giải, tôi đã thực sự xúc động. Cảm giác ấy giống như khi gieo một hạt giống tâm huyết xuống mảnh đất lòng mình, và hôm nay, được chứng kiến nó nở hoa, kết trái", nhà báo Hồng Hạnh nói và cho rằng: Đây không chỉ là sự ghi nhận cho hành trình lao động miệt mài của tôi, mà còn là tiếng nói khẳng định giá trị của những câu chuyện về con người, văn hóa, và khát vọng bền bỉ của những người nông dân, của ngành nông nghiệp, của những vùng đất nông thôn giàu bản sắc.
Điều đặc biệt hơn cả là nhân vật Giàng A Hiếu trong tác phẩm cũng được vinh danh, trao giải thưởng đặc biệt. Nhà báo Hồng Hạnh khẳng định: Đây là một sự ghi nhận kép – một sự công nhận không chỉ dành cho người làm báo mà còn cho chính những con người thật, câu chuyện thật mà chúng ta kể lại. Khi nhân vật trong bài báo được vinh danh, điều đó có nghĩa rằng tác phẩm đã thành công trong việc mang đến một hình mẫu sống động, đáng ngưỡng mộ, một biểu tượng về nghị lực, đam mê và khát vọng cống hiến.
Ý nghĩa sâu sắc hơn cả là ở mối liên kết bền chặt giữa báo chí và đời sống thực tế. Giải thưởng dành cho nhân vật Giàng A Hiếu như một lời khẳng định rằng những nỗ lực của anh – từ việc hồi sinh giá trị của trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đến việc mang lại niềm tự hào và cơ hội phát triển kinh tế cho cộng đồng – đã thực sự có ý nghĩa và giá trị lớn lao. Điều này đồng thời cho thấy rằng, khi báo chí đồng hành và tôn vinh những câu chuyện đẹp đẽ, những con người phi thường, chúng ta không chỉ làm tròn sứ mệnh thông tin mà còn trở thành nguồn động lực để xã hội cùng thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân trà, kiến trúc sư, doanh nhân Đào Đức Hiếu, người sáng lập kiêm Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Giàng và Dự án “Việt Nam Ơi - Tinh hoa làng nghề Việt”, sáng lập thương hiệu trà Shansen cho biết, anh rất bất ngờ khi lần đầu gặp và tiếp xúc với nhà báo Hồng Hạnh, một nữ nhà báo trẻ và đặc biệt.
"Tôi từng gặp, trò chuyện với nhiều phóng viên, nhà báo nhưng khi gặp Hồng Hạnh thấy rất ấn tượng. Bởi Hạnh hỏi rất nhiều, đeo bám nhân vật rất lâu, rất kỹ và hỏi các câu hỏi rất riêng, khác biệt. Đặc biệt là bài báo của Hạnh viết về tôi cũng rất dài, rất kỹ và cũng được trình bày rất nhiều ảnh đẹp, bắt mắt, đọc rất cuốn hút", anh Hiếu nói.
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái Suối Giàng kể: Nhà báo Hồng Hạnh hẹn gặp tôi phỏng vấn 3 lần, mỗi lần trò chuyện đều rất lâu, có cuộc xuyên qua trưa, chiều, mọi người đều không ăn trưa nhưng đều không cảm giác thấy đói, mệt. Hạnh muốn nghe và hỏi rất nhiều chuyện, từ trải nghiệm lần đầu tôi khoác ba lô lên núi và về các lần thất bại, thành công và kinh nghiệm "đánh thức" Suối Giàng thành "xứ sở hạnh phúc".
Bên cạnh các cuộc gặp, tôi và Hạnh cũng thường xuyên trao đổi, trò chuyện trên mạng xã hội. Ban đầu tôi cũng rất tò mò, vì sao một nhà báo lại muốn biết nhiều thông tin đến thế, thậm chí Hạnh còn phỏng vấn thêm thông tin của cán bộ, lãnh đạo, người dân địa phương, tham khảo thêm nguồn của các nhà báo từng viết về tôi, về Suối Giàng. Đến khoảng vài tháng sau, Hạnh gửi cho tôi xem bản thảo bài báo khiến bản thân rất bất ngờ và choáng ngợp. Một bài báo rất dài kỳ, như một cuốn hồi ký rất đặc biệt nó khác xa với các bài báo, phóng sự mà trước đó nhiều báo, đài viết về tôi.
"Mới đây, nhà báo Hồng Hạnh gọi điện thoại báo tin, loạt bài được trao giải báo chí và tôi, nhân vật trong tác phẩm cũng được vinh danh cùng càng khiến tôi bất ngờ hơn nữa. Giải thưởng ý nghĩa này sẽ tiếp thêm động lực để bản thân tôi cố gắng hơn phấn đấu làm tốt hơn trong chặng đường đưa trà Việt ra thế giới", Giàng A Hiếu chia sẻ thêm.
Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về "Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam" năm 2024 sẽ được tổ chức vào 20h ngày 10/12/2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV2.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.