Từ đam mê thời trang đến hành trình 'dệt hồn' cho vải gai dầu

Thứ sáu, ngày 14/05/2021 16:37 PM (GMT+7)
Với ước mơ hướng đến ngành thời trang thân thiện với môi trường, Bùi Hạnh Nguyên, người sáng lập 'Touched.Studio-Xưởng Chạm' đã tìm ra loại vải dệt thân thiện với môi trường để làm đồ chơi cho trẻ em.
Bình luận 0
Từ đam mê thời trang đến hành trình 'dệt hồn' cho vải gai dầu - Ảnh 1.

Bùi Hạnh Nguyên, người sáng lập 'Touched.Studio-Xưởng Chạm' (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+).

Với ước mơ hướng đến ngành thời trang thân thiện với môi trường, Bùi Hạnh Nguyên, người sáng lập "Touched.Studio-Xưởng Chạm" đã tìm ra loại vải dệt hoàn toàn thân thiện với môi trường để làm đồ chơi thủ công cho trẻ em.

Bùi Hạnh Nguyên, sinh năm 1988, đang sinh sống tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã đi tìm nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường ở vùng cao Việt Nam, từ đó tận dụng được nguồn nguyên liệu địa phương, sản xuất ra sản phẩm thuần Việt, thân thiện với môi trường và mang lại công việc cho bà con dân tộc thiểu số.

Từ thời trang đến bảo vệ môi trường

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, Bùi Hạnh Nguyên không lựa chọn con đường sẵn có mà chọn cho mình lối đi riêng khi quyết tâm theo đuổi ngành thời trang. Trong khoảng thời gian đi làm với vị trí thiết kế cho một công ty thời trang, Hạnh Nguyên nhận thấy vải công nghiệp vẫn chiếm ưu thế hơn so với vải truyền thống, không thân thiện với môi trường.

Hàng loạt các câu hỏi đặt ra trong đầu cô gái trẻ: Làm sao để tạo ra các sản phẩm thời trang có tính thẩm mỹ, không gây ô nhiễm môi trường, chất liệu hoàn toàn từ tự nhiên cũng như giải bài toán người Việt dùng hàng Việt?

Câu hỏi này càng mãnh liệt hơn khi Hạnh Nguyên có cơ hội thực tập tại một công ty thời trang ở Pháp. Cô nàng nhìn thấy sự phát triển của thời trang địa phương cũng như người dân đặc biệt thích các sản phẩm thời trang bình dân, thân thiện môi trường, hơn là những thương hiệu thời trang đắt đỏ.

Những điều đó đã thôi thúc cô gái trẻ bắt đầu hành trình đi tìm lời giải qua chặng đường rong ruổi khắp các vùng miền Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Cao Bằng…

Từ đam mê thời trang đến hành trình 'dệt hồn' cho vải gai dầu - Ảnh 2.

Vải gai dầu được nhuộm từ rễ lá cây của đồng bào dân tộc vùng cao. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Những nỗ lực của cô đã được đền đáp khi tìm được loại vải gai dầu - một trong những loại vải cổ nhất của người Mông ở Hà Giang, với quy trình từ gieo hạt, tuốt sợi, làm mềm, dệt vải hoàn toàn thủ công, càng sử dụng vải càng mềm. Đặc biệt là vải khi cũ hỏng phân hủy rất nhanh, không gây hại đến môi trường.

Ý tưởng làm đồ thủ công từ vải gai dầu của Hạnh Nguyên đã được nhận chứng nhận của Hội đồng Anh tại Cuộc thi Thủ công và Thiết kế năm 2017-2018 vì góp phần đưa ra giải pháp cho vấn đề sinh kế của phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh từ ý thức bảo vệ môi trường.

"Mình muốn giúp bà con dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, từ đó họ được tôn trọng và có tiếng nói hơn trong gia đình. Mình hy vọng việc làm này có thể giữ gìn nghề truyền thống cũng như tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường," Bùi Hạnh Nguyên chia sẻ.

"Dệt hồn" vải gai dầu qua các sản phẩm đồ chơi cho trẻ em

Từ vải gai dầu, Hạnh Nguyên đã làm nên các sản phẩm đồ chơi thủ công vô cũng xinh xắn cho các bạn nhỏ. Các sản phẩm thủ công ngộ nghĩnh lấy cảm hứng từ thiên nhiên, được cô nàng và cộng sự tỉ mỉ sáng tạo.

Song hành với việc làm gấu bông, cô gái trẻ cũng bắt đầu thu gom vải vụn lại để tái chế, biến chúng thành những phụ kiện nhỏ xinh cho búp bê. Cô tạo ra những sản phẩm tăng tính tương tác với người chơi và kích thích khả năng sáng tạo của các em nhỏ.

Bên cạnh việc bán các sản phẩm thủ công từ vải gai dầu, mỗi tháng một chủ đề, Hạnh Nguyên tổ chức các buổi trao đổi nhằm giúp các bạn nhỏ hiểu thêm về nghề dệt vải truyền thống, được tự tay may vá thêu thùa và làm ra sản phẩm mang tính cá nhân.

Từ đam mê thời trang đến hành trình 'dệt hồn' cho vải gai dầu - Ảnh 3.

'Biệt đội rừng xanh' là tên gọi Hạnh Nguyên đặt cho các loại thú bông với mục đích lan tỏa tình yêu động vật đến các em nhỏ. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Hạnh Nguyên cũng trích 5% doanh thu bán hàng để mở lớp học dành cho trẻ em vùng cao, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tự tay thiết kế và làm đồ chơi từ chính loại vải truyền thống. Cô nàng hy vọng khi hiểu được rằng vải truyền thống không những tạo ra đồ may mặc mà còn có thể tạo nên nhiều giá trị khác nữa, thế hệ trẻ sẽ có thêm động lực gìn giữ tinh hoa và yêu thêm cái nghề truyền thống của dân tộc.

"Các bé sẽ tự thiết kế, tự lựa chọn cho mình những phụ kiện, vật liệu có sẵn để thực hiện sáng tạo cho sản phẩm theo ý thích, điều đó có thể mang lại cho các bé những giá trị tích cực để sau này các em có thể tiếp tục hành trình mình đã và đang đi," Hạnh Nguyên nói.

Trong tương lai, Hạnh Nguyên hy vọng sẽ tạo ra nhiều sản phẩm thủ công thân thiện cũng như thực hiện được nhiều dự án dạy làm đồ chơi từ vải truyền thống cho các em nhỏ vùng cao. Đây có thể là “cú chạm nhẹ” đến trái tim mỗi người để cùng nhau lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng như góp phần gìn giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Bích Hà (hanoi.vietnamplus.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem