Từ hàng nghìn vỏ bình gas bị "chiếm giữ" ở ngoại thành Hà Nội: Kinh doanh gas thâu tóm bằng nhiều chiêu trò "bẩn"

Phi Long Thứ ba, ngày 05/04/2022 10:41 AM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp bị chiếm dụng bình gas, cắt tai, mài vỏ biến vỏ bình gas thành một thương hiệu khác đã "gõ cửa" các cơ quan chức năng nhiều năm những vẫn chưa có kết quả.
Bình luận 0

Ông Trần Khoa, đại diện Công ty TNHH Một thành viên kinh doanh dầu khí Việt Hải nói về tình trạng bị làm giả thương hiệu gas vinashin.

Thiệt hại hàng chục tỉ đồng

Ông Trần Khoa, đại diện Công ty TNHH Một thành viên kinh doanh dầu khí Việt Hải, có thương hiệu gas Vinashin chia sẻ: Trên thị trường hiện nay có hiện tượng một số doanh nghiệp gas lập ra các tổ chức như kiểu "ma-phi-a", bắt các hãng còn lại phải đóng tiền vào để được cấp thị phần. 

Ví dụ, nếu anh đóng đủ 1 khoản thì được đưa ra thị trường khoảng 40.000 đến 5.000 bình gas, còn nếu không đóng thì sẽ bị "chơi xấu", bị thâu tóm bằng cách bị thu gom chiếm dụng vỏ bình trái phép, sau đó là cắt tai, mài vỏ, thậm chí là bị tiêu huỷ vỏ không thể kinh doanh được dẫn tới phá sản.

Theo ông Khoa, cái khó nhất của kinh doanh gas hiện nay chính là phải đấu tranh với các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh. Vinashin đầu tư mất 500-700.000 đồng để sản xuất 1 vỏ bình gas 12 kg. Nhưng khi đưa ra thị trường, nếu để số tiền đặt cọc vỏ bình khi người dân sử dụng gas của Vinashin bằng số tiền sản xuất là 500-700.000 thì họ sẽ tìm dùng các thương hiệu gas khác nên thường chỉ yêu cầu người tiêu dùng đặt 150-200.000 đồng/vỏ bình. 

Sau khi người dân dùng hết gas, đơn vị khác chỉ cần qua đại lý bỏ 270-300.000 để đổi lấy 1 vỏ bình của vinashin là các đại lý sẽ giao vỏ bình cho một thương hiệu khác.

Kinh doanh gas thâu tóm nhau bằng nhiều chiêu trò "bẩn" - Ảnh 2.

Ông Trần Khoa, đại diện Công ty TNHH Một thành viên kinh doanh dầu khí Việt Hải cho biết, đã phát hiện vỏ bình gas Vinashin bị cắt tai, mài vỏ, đổi thương hiệu trên thị trường mà đấu tranh nhiều năm chưa có kết quả. Ảnh: PL

Theo ông Khoa, các thủ đoạn kinh doanh gas "bẩn" trên thị trường đã gây thiệt hại lớn cho công ty của ông. "Hiện nay, Vinashin đang bị chiếm dụng cả trăm nghìn vỏ bình, sản xuất vỏ bình rồi, đưa ra thị trường kinh doanh mà vỏ bình không quay lại, dẫn tới thiệt hại cả chục tỉ đồng", ông Khoa nói.

Ông Khoa phân tích, từ việc một doanh nghiệp khác chiếm dụng vỏ gas của Vinashin, họ chỉ cần cất giữ ở trong kho của họ thì cũng khiến cho Vinashin không còn vỏ bình để kinh doanh. "Tuy nhiên, chúng tôi còn phát hiện được tình trạng cắt tai, mài chữ trên vỏ bình gas Vinashin và biến thành một thương hiệu khác. Khi cưa đôi vỏ bình gas ra thì bên phía trong bình vẫn có chữ in nổi thương hiệu của chúng tôi", ông Khoa nói.

Ông Khoa cũng cho biết, mặc dù phát hiện được tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, biến bình gas Vinashin thành thương hiệu khác một cách trắng trợn nhưng cơ quan chức năng cũng cho biết chưa thể xử lý được dứt điểm tình trạng này. 

Chính vì thế, ông Khoa cho biết, Vinashin phát hiện dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường từ năm 2020. Vinashin đã được gửi tới Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý thị trường, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu cùng tài liệu đính kèm, tố vụ việc Công ty TNHH Khí dầu mỏ hoá lỏng Phúc Khang; Công ty Cổ phần kinh doanh và xuất nhập khẩu khí ga hoá lòng Vạn Lộc làm giả, làm nhái thương hiệu Vinashin nhằm chiếm đoạt tài sản là vỏ bình gas 12 kg, 45 kg mang thương hiệu Vinashin gas.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, hàng loạt các doanh nghiệp gồm: Công ty CP Dầu khí EPIC, Công ty TNHH Dầu khí Quảng Trị, Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam – chi nhánh Bắc Bộ đã có đơn tố giác tới cơ quan chức năng về việc phát hiện hàng nghìn vỏ gas mang thương hiệu khác nhau được tập kết tại khuôn viên Công ty TNHH Sản xuất và Cung ứng vật tư Hà Nội trụ sở tại Lô CN4, KCN Nguyên Khê, xã Nguyên Khê.

Đây cũng là trụ sở của Công ty Cổ phần kinh doanh và xuất nhập khẩu khí ga hoá lòng Vạn Lộc. Hiện Công an huyện Đông Anh vẫn đang tiếp tục kiểm đếm, xác minh làm rõ việc tập kết trái phép hàng nghìn vỏ bình gas tại đơn vị này.

Kinh doanh gas thâu tóm nhau bằng nhiều chiêu trò "bẩn" - Ảnh 4.

Công an huyện Đông Anh đang xác minh hàng nghìn vỏ bình gas của nhiều thương hiệu khác nhau được tập kết tại tại Lô CN4, KCN Nguyên Khê, xã Nguyên Khê. Ảnh: PL

Nhiều quy định kinh doanh gas còn bất cấp

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, hoạt động kinh doanh khí hiện nay đang thiếu sự hợp tác, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cùng những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, về tài sản, về uy tín của doanh nghiệp khác. Việc chiếm đoạt vỏ bình gas, sang chiết trái pháp luật; vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín trong sang chiết gas... vẫn còn diễn ra công khai ở nhiều nơi.

Một lãnh đạo của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh gas chiếm dụng trái phép vỏ bình gas của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều vỏ bình gas bị chiếm dụng, "cắt tai, mài vỏ", không được kiểm định và đưa ra lưu thông trên thị trường vẫn còn tồn tại, thậm chí có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Hoàng Ngọc – Trưởng văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sư, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Vấn nạn kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh đã diễn ra thời gian dài và khó khăn cho quá trình xử lý của cơ quan chức năng. 

Ngày 5/4, đại diện Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam – chi nhánh Bắc Bộ cho biết, cơ quan chức năng đã thông báo lại sau khi kiểm đếm phát hiện 3930 vỏ bình gas 12 kg và 64 vỏ bình gas 45 kg mang thương hiệu Petrovietnam tập kết trái phép tại Lô CN4, KCN Nguyên Khê, xã Nguyên Khê Đông Anh, Hà Nội. Hiện Công an huyện Đông Anh vẫn đang tiếp tục xác minh, là rõ vụ việc.

Theo quy định về kinh doanh khí hoá lỏng, các hãng gas đều tuyên bố bình gas là sở hữu của họ, kể cả người tiêu dùng đã đặt tiền vỏ bình khi mua gas về sử dụng. Vì vậy, các tổ chức chiếm hữu thì rõ ràng vi phạm, nhất là khi tiến hành các hành vi cắt tai hoặc xoá nhãn biến thành nhãn hiệu khác.

"Thực tế, có trường hợp cắt tai, xoá nhãn in đè nhãn khác, có những trường hợp thay vì sản xuất mới thì sửa lại và gắn nhãn hiệu bên mình vào. Đó là vi phạm sở hữu trí tuệ, trong một số trường hợp còn làm giả, bơm gas của mình vỏ bình của đơn vị khác, vì chất lượng của mỗi sản phẩm là khác nhau", Luật sư Hoàng Ngọc phân tích.

Theo Luật sư Ngọc, giai đoạn vi phạm cũng được xác định khác nhau. Ban đầu chỉ là chiếm giữ vỏ bình gas, khiến đối thủ không có vỏ bình để kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tiếp đến là xoá nhãn, huỷ bỏ vỏ bình ga là hành vi huỷ hoại tài sản của người khác. Sau đó là giai đoạn cắt tai, mài vỏ, thay đổi nhãn hiệu thì đã có dấu hiệu vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.

"Theo tôi, cần có quy định rõ ràng hơn về kinh doanh khí hoá lỏng, nghiêm cấm xoá bỏ nhãn hiệu, cắt tai, mài vỏ. Thời gian của đại lý được lưu giữ vỏ bình gas của nhãn hiệu khác là bao lâu, cũng cần có quy định cụ thể. Nếu cứ giữ mãi vỏ bình của đơn vị khác trong kho là vi phạm, làm cho đơn vị khác không còn vỏ bình gas để kinh doanh", LS Hoàng Ngọc phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem