Từ năm 2022 cách tính giá xăng dầu sẽ bổ sung thay đổi gì?

Thanh Phong Thứ hai, ngày 29/11/2021 06:30 AM (GMT+7)
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 104/2021/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.
Bình luận 0

Theo nội dung Thông tư, yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Kết quả được tổng hợp số liệu từ các thương nhân đầu mối và tình hình thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ.

Cụ thể, các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu là khoản chi phí tổng hợp tối đa được rà soát, đánh giá và xây dựng trên cơ sở nguồn số liệu sau:

Số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có).

Từ đầu năm 2022, cách tính giá xăng có gì thay đổi? - Ảnh 1.

Thông tư 104/2021/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022. (Ảnh: Thanh Phong)

Chi phí kinh doanh xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tổng hợp báo cáo từ các khoản chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và quy định tại Thông tư 104/2021/TT-BTC.

Số liệu tổng hợp từ kết quả khảo sát, đánh giá chi phí thực tế của Bộ Tài chính tại một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có tính đại diện, có tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn.

Về việc thu thập, tổng hợp số liệu được thực hiện trên cơ sở báo cáo của một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có tính đại diện, có tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu chiếm trên 70% sản lượng tiêu thụ trên cả nước.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo gửi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có). Chi phí kinh doanh định mức được rà soát, đánh giá và xem xét điều chỉnh định kỳ 6 tháng và hằng năm tương ứng với từng khoản chi phí theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này.

Trường hợp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động tăng hoặc giảm bất thường do yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có).

Sau đó, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) sẽ có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị. Trên cơ sở đó Bộ Tài chính đánh giá và phối hợp với Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức theo dõi, nắm bắt và đánh giá tình hình thực hiện thực tế tại đơn vị, kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để có cơ sở xem xét điều chỉnh cho phù hợp theo quy định; chịu trách nhiệm về báo cáo của mình.

Hiện tại, giá bán các mặt hàng xăng dầu được áp dụng theo mức điều chỉnh từ ngày 25/11 vừa qua.

Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 22.917 đồng/lít (giảm 752 đồng/lít), xăng RON95-III không cao hơn 23.902 đồng/lít (giảm 1.094 đồng/lít), dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.382 đồng/lít (giảm 334 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), dầu hỏa không cao hơn 17.197 đồng/lít (giảm 440 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.477 đồng/kg (giảm 344 đồng/kg).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem