Từ nghèo khó hành tỷ phú...nhờ trồng cam đặc sản

Hải Đăng Thứ năm, ngày 27/12/2018 13:15 PM (GMT+7)
Với diện tích hơn 20.000m2, khu vườn của ông Đinh Phúc Tiến, thôn Đông Trà, Hương Trà, Hương Khê (Hà Tĩnh) được quy hoạch một cách bài bản, và áp dụng công nghệ cao, kết hợp với chuồng trại chăn nuôi con đặc sản. Không chỉ mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, mô hình này còn mang về cho ông giải A trong 182 vườn mẫu tiêu biểu của Hà Tĩnh năm 2018.
Bình luận 0

Lắp trạm thủy văn để chăm sóc cây, con

Nhớ lại những ngày mới bắt tay làm vườn, ông Tiến kể: Năm 1989, sau khi phục viên trở về quê hương với hai bàn tay trắng, ông phải “cắp nón” đi làm thuê hết nơi này đến nơi khác, tần tảo kiếm tiền giúp vợ nuôi các con ăn học. “Trong đầu lúc nào cũng quẩn quanh với câu hỏi, tại sao một người lính đã vào sinh ra tử ở chiến trường lại không chiến thắng được cái đói, cái nghèo. Suy nghĩ đó khiến tôi càng quyết tâm phải làm kinh tế ngay trong vườn của mình, phải bắt đất cằn nhả vàng”, ông Tiến nói.

img

Ông Đinh Phúc Tiến bên vườn cam đặc sản của gia đình. Ảnh: Hải Đăng

Bên cạnh việc làm giàu cho mình, vợ chồng ông Tiến còn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong và ngoài địa phương cùng làm giàu. Những năm qua, gia đình ông đã hỗ trợ cây giống và hươu giống trả chậm cho nhiều gia đình.

Ông Tiến bàn với vợ vay mượn ngân hàng, anh em hàng xóm để mua những mảnh vườn bỏ hoang quanh nhà mở rộng diện tích, xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch thiết kế lại khuôn viên.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề ươm cây giống, đến nay, mỗi năm gia đình ông Tiến sản xuất được trên 5 vạn cây giống ăn quả các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chẳng nói đâu xa, 90% cây giống trong vườn được xuất bán cho nông dân xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang); cây giống ít sâu bệnh, phát triển nhanh.

Ngoài vườn ươm, ông Tiến còn sở hữu 300 gốc cam, chanh, dó trầm và đàn hươu trên dưới chục con. Không phụ công người chăm sóc, khu vườn mẫu mang lại cho gia đình ông Tiến cả tỷ đồng mỗi năm.

Điều khiến chúng tôi đặc biệt chú ý khi đến khu vườn của ông Tiến là ở giữa vườn có một trạm thủy văn.

Thấy khách tò mò, bà Anh -  vợ ông Tiến nhanh chóng giải đáp: “Do khí hậu ở đây quá khắc nghiệt nên phải có hệ thống dự báo trước. Năm 2015, cơn bão số 7 ập đến đúng thời điểm mùa vụ khiến hàng vạn cây giống trong vườn chuẩn bị thu hoạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đợt đó, gia đình tôi chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều năm hạn hán kéo dài, hai vợ chồng phải sử dụng hàng trăm mét ống dẫn, ở đâu có nước là kéo về cứu cây, nhưng từ ngày lắp trạm thủy văn, chúng tôi luôn cập nhật được tình hình thời tiết, khí hậu nên việc chăm sóc cây trồng ở trang trại luôn được đảm bảo".

5 năm xây dựng vườn mẫu theo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh, gia đình ông Tiến không chỉ tiếp cận cách thiết kế, xây dựng khu vườn quy củ, bài bản mà còn ứng dụng thêm công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Vừa nói chuyện, ông Tiến vừa dẫn chúng tôi đến hệ thống tưới tiết kiệm được áp dụng tùy theo nhu cầu chăm sóc của mỗi loại cây. Nếu như khu vực vườn ươm ông sử dụng hệ thống tưới nước tự động công nghệ cao thì khu vườn trồng cây ăn quả luôn giữ màu xanh nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel…

Riêng đối với cây có múi như cam, bưởi yêu cầu phải chuẩn bị kỹ về điều kiện trồng như: Tầng đất trồng phải sâu, đặc biệt không sử dụng phân bón vô cơ, chỉ bón phân vi sinh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ động về nước tưới. Các loại cây có múi này thường bị nhiều loại sâu bệnh tấn công, vì vậy chủ vườn phải chú ý đến việc phòng trừ. “Làm gì cũng vậy, trước hết phải có lòng đam mê, chịu khó học hỏi, muốn thành công phải siêng năng, chăm chỉ” – ông Tiến khẳng định.

Ngoài việc trồng, kinh doanh cây giống, gia đình ông Tiến còn tận dụng thế mạnh của vùng để phát triển trang trại chăn nuôi hươu. Mỗi năm, gia đình ông cũng thu hàng trăm triệu đồng nhờ nghề nuôi con đặc sản này. Ông Tiến cho hay: Nuôi hươu không khó, chỉ cần một diện tích nhất định đủ xây dựng chuồng trại cho hươu ở, có khoảng không gian rộng rãi cho hươu đi lại.

"Hươu đực cho lộc (nhung) 1 lần/năm với số lượng khoảng 7 lạng nhung/con, cá biệt, có con cho hơn 1kg nhung/năm. Hiện tại, nhung hươu được bán tại Hà Tĩnh có giá dao động từ 1,6-2 triệu đồng/lạng, bình quân một con hươu mang lại thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/năm. Điều đáng mừng là chúng tôi chưa bao giờ phải lo thiếu đầu ra" - ông Tiến tiết lộ.

Nhiều cống hiến vì cộng đồng

"Chúng tôi hy vọng khu vườn mẫu của ông Tiến sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đúng như chủ trương ban đầu của tỉnh khi phát động xây dựng các mô hình vườn mẫu là gắn với phát triển du lịch”.

Ông Trần Huy Oánh -
Chánh Văn phòng Điều phối
xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh

Bên cạnh việc làm giàu cho mình, vợ chồng ông Tiến còn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong và ngoài địa phương cùng làm giàu. Bằng chứng là trong những năm qua, gia đình ông đã hỗ trợ cây giống và hươu giống trả chậm cho bà con ở địa phương.

"Cùng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được nỗi khổ cực và khắc nghiệt ở đây. Đến giờ nhờ trời, may mắn mình làm ăn được, có thu nhập cao rồi thì phải giúp đỡ bà con cùng thoát nghèo làm giàu. Đây cũng là điều nên làm" - ông Tiến chia sẻ.

Cùng với việc hỗ trợ cây giống, con đặc sản, ông Tiến còn đến từng hộ dân để hướng dẫn "cầm tay, chỉ việc" để bà con hiểu và làm nhanh. Nhờ sự giúp đỡ của ông Tiến, trong những năm qua, nhiều hộ dân ở Hương Trà đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhanh chóng.

Nói về ông Tiến, ông Trần Huy Oánh - Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Gia đình ông Đinh Phúc Tiến không chỉ là tấm gương sáng mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mà vợ chồng ông còn đóng góp rất lớn cho quá trình xây dựng NTM của địa phương. Chúng tôi hy vọng khu vườn mẫu của ông Tiến sẽ trở thành một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đúng như chủ trương ban đầu của tỉnh khi phát động xây dựng các mô hình vườn mẫu là gắn với phát triển du lịch”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem