Từ Ngọc Ngà mồ côi cha, ăn nên làm ra là nhờ Hợp tác xã...ớt

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 13/09/2017 19:30 PM (GMT+7)
Mồ côi cha, rời ghế cán bộ nông nghiệp xã, anh Từ Ngọc Ngà, ngụ ở xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, (Trà Vinh) về làm ruộng, trồng ớt. Anh Ngà lập ra Hợp tác xã nông nghiệp Thành công ăn nên làm ra mà nhiều người gọi vắn tắt là Hợp tác xã ớt...
Bình luận 0

 Bước ngoặt lớn của cuộc đời

Do gia đình gặp nhiều khó khăn (cha mất, em trai bị tai nạn giao thông), ruộng đất không ai canh tác nên năm 2008, anh Ngà từ cán bộ nông nghiệp xã Ngọc Biên xin nghỉ về nhà phụ giúp gia đình. Do từng học ở Trường Cao đẳng Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, lại có kinh nghiệm trong sản xuất thực tế nên anh quyết định chọn con đường kinh doanh nông sản.

img

Anh Từ Ngọc Ngà làm giàu cho bản thân và nhiều nông dân từ trồng ớt để xuất khẩu. Ảnh: H.X

Với những thành công đạt được trong xuất kinh doanh, thời gian qua, anh Từ Ngọc Ngà được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của huyện Trà Cú và tỉnh Trà Vinh. Năm 2017 này, anh được bình chọn trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”.

 “Lúc đầu, tôi cung cấp cây giống cà chua, ớt, cà tím… cho bà con và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Do thị trường tiêu thụ bấp bênh nên tôi phải đích thân tìm đến các công ty chế biến nông sản tại tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM và một số địa phương khác để hợp tác tiêu thụ. Sau một thời gian tìm kiếm thị trường, tôi đã liên kết được với 1 doanh nghiệp xuất khẩu ớt có uy tín, có chính sách phù hợp nên đã quyết định chọn cây ớt làm sản phẩm chủ lực trong kinh doanh” - anh Ngà nhớ lại.

Đến năm 2012, anh xây dựng trại ươm giống ớt với quy mô 2.000m2 chuyên cung cấp cây giống (kèm theo hướng dẫn kỹ thuật) cho bà con trong xã Ngọc Biên và các xã thuộc huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Duyên Hải... Sản phẩm ớt do bà con trồng được anh thu mua toàn bộ để xuất khẩu sang Malaysia.

Công việc kinh doanh dần có lãi nên năm 2014, anh Ngà cùng 6 thành viên khác thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thành Công (vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, tổng diện tích sản xuất của HTX là 50ha), do anh làm giám đốc.

Sau thời gian ngắn thành lập HTX, anh Ngà cùng với các thành viên đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất ớt với quy mô 200ha ở các xã giáp ranh gồm Ngọc Biên, Long Hiệp, Tân Hiệp (huyện Trà Cú); Long Sơn (huyện Cầu Ngang) và Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải).

Năm 2017 này, HTX còn có kế hoạch bao tiêu đậu phộng trên địa bàn của xã Ngọc Biên và một số xã của huyện Cầu Ngang, cung ứng xuất khẩu sang các nước ASEAN, Hàn Quốc. “HTX muốn đánh dấu bước tiến mới, không chỉ cải thiện sinh kế người trồng ớt mà còn phát huy chuỗi giá trị cho nhiều mặt hàng nông sản khác” – anh Ngà thông tin.

Mô hình kiểu mẫu

img

Hiện nay, HTX nông nghiệp Thành Công đã thực hiện hành công quy trình khép kín từ việc cung ứng cây ớt giống, vật tư nông nghiệp đến thu mua sản phẩm rồi đóng gói, vận chuyển về các doanh nghiệp đầu mối. Ngoài ra, HTX còn liên kết với nông dân ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Tiểu Cần sản xuất trên 500ha.

Nông dân đăng ký tham gia trồng ớt trên cùng một xóm, ấp được liên kết thành 1 tổ hợp tác. Theo đó, mỗi thành viên HTX được phân công đảm nhận một tổ hợp tác chịu trách nhiệm toàn bộ từ việc cung ứng vật tư, ớt giống, thu mua sản phẩm… Thành viên nào vận động được nhiều nông dân tham gia sản xuất, cung ứng được nhiều vật tư nông nghiệp và sản phẩm thì được hưởng nhiều khoản chiết khấu.

HTX được trang bị máy vô phân và bỏ hạt (công suất 2 triệu cây giống/tháng), có kho lạnh công suất 60 tấn. Mặc dù giữ chức danh là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nhưng anh Ngà vẫn đảm nhiệm cả vai trò cán bộ kỹ thuật, hỗ trợ cho các thành viên HTX.

Theo anh Ngà tính toán, đối với trồng ớt, chi phí cho 1.000m2 (cây giống, phân bón, thuốc và thuê nhân công thu hoạch) đến cuối vụ là khoảng 15 triệu đồng. Với năng suất trung bình đạt 2,5 tấn, bán giá sàn 11.000 đồng/kg thì có thể lãi trên 12 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Với việc ứng dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, năng suất ớt của HTX đã tăng từ 18 lên 30 tấn/ha. Nếu như trong năm 2014, tính riêng sản lượng ớt thu được của HTX đạt khoảng 650 tấn thì hiện nay đã lên đến 2.160 tấn. Hiện doanh thu của HTX đạt hơn 34 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 716 triệu đồng sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định.

Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân qua việc trồng ớt, HTX nông nghiệp Thành Công còn giải quyết việc làm tại chỗ khoảng 30 lao động để thực hiện các công đoạn như phân loại, đóng gói, làm bao bì..., đảm bảo cung cấp lượng hàng từ 20-50 tấn/ngày cho thị trường. Thu nhập bình quân của lao động đạt 200.000 đồng/ngày, ngoài ra còn tạo việc làm cho 300 lao động bán thời gian. Vì vậy, không khí làm việc tại HTX lúc nào cũng nhộn nhịp, khẩn trương và đầy trách nhiệm.

Theo Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, mặc dù HTX nông nghiệp Thành Công mới thành lập nhưng với cung cách làm ăn kiểu mới, HTX không chỉ mang lại lợi ích cho thành viên mà liên kết chặt chẽ với nông dân, giúp họ sản xuất bền vững, tăng thu nhập. Đây là một mô hình nông nghiệp kiểu mẫu, lấy lợi ích nông dân làm đầu, có thể nhân rộng trong phát triển kinh tế tập thể thời gian tới. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem