Từ tháng 1/2025, người điều khiển xe máy đeo tai nghe nếu gây tai nạn bị phạt lên đến 14 triệu đồng
Từ tháng 1/2025, người điều khiển xe máy đeo tai nghe nếu gây tai nạn bị phạt lên đến 14 triệu đồng
Minh Tiến
Thứ hai, ngày 20/01/2025 14:12 PM (GMT+7)
Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và Nghị định 168/2024/NĐ-CP, lái xe sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt tiền...
Bạn đọc Trần Thanh Thảo (Nam Định) hỏi: Từ năm 2025, người điều khiển phương tiện đeo tai nghe khi đi xe máy sẽ bị phạt bao nhiêu tiền và có bị trừ điểm giấy phép lái xe hay không?
Theo khoản 3 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Do đó, nếu sử dụng tai nghe khi đi xe máy sẽ bị xử phạt theo quy định, cụ thể như sau:
Theo điểm đ khoản 4 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồngvới người đang điều khiển xe máy sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác. Ngoài bị phạt tiền người vi phạm còn bị trừ 04 điểm giấy phép lái xe theo điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Trường hợp sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi đang điều khiển xe máy mà gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe. (Theo điểm b khoản 10 và điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Người điều khiển xe máy không được sử dụng tai nghe khi lưu thông trên đường, trừ thiết bị trợ thính. Ảnh minh họa: M.Tiến.
"Ngoài việc bị xử phạt hành chính và trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định pháp luật, việc từ bỏ thói quen sử dụng tai nghe khi điều khiển xe máy là điều cần thiết vì nhiều lý do quan trọng", luật sư Tâm phân tích.
Theo luật sư Tâm, việc đeo tai nghe, đặc biệt là tai nghe nhạc hoặc tai nghe gọi điện thoại, dễ khiến người điều khiển xe máy bị phân tâm và không thể tập trung hoàn toàn vào tình hình giao thông. Tai nghe làm cản trở việc nhận biết âm thanh cảnh báo như còi xe, tiếng gọi của người đi đường hoặc tín hiệu từ các phương tiện khác, dẫn đến nguy cơ xử lý chậm các tình huống nguy hiểm.
Thói quen này cũng là nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông, khi lái xe không kịp phản ứng trước những tín hiệu xung quanh. Sử dụng tai nghe trong thời gian dài và âm lượng lớn có thể gây tổn thương thính lực, làm giảm khả năng nghe và gây cảm giác mệt mỏi, căng thẳng khi di chuyển.
Luật sư Cao Thanh Tâm - Giám đốc Công ty luật TNHH CTT Piper Việt Nam, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. Ảnh: NVCC.
"Từ bỏ thói quen sử dụng tai nghe khi lái xe không chỉ là hành động bảo vệ bản thân mà còn thể hiện ý thức và trách nhiệm đối với cộng đồng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh và giảm thiểu rủi ro tai nạn cho toàn xã hội", luật sư Tâm chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.