Ngành hàng không đã biến các tỷ phú thành triệu phú như thế nào?

18/07/2020 10:08 GMT+7
Tỷ phú Richard Branson đã từng nói: “nếu muốn thành triệu phú, bạn hãy kiếm 1 tỷ USD (để thành tỷ phú) rồi rót tiền vào một hãng hàng không mới”. Và mới đây ông đã phải bỏ tiền túi hơn 200 triệu bảng Anh để cứu hãng hàng không của mình đang bên bờ vực phá sản.
Từ tỷ phú thành triệu phú "nhờ" đổ tiền vào ngành hàng không! - Ảnh 1.

Từ tỷ phú thành triệu phú "nhờ" đổ tiền vào ngành hàng không!

Tỷ phú Richard Branson đã phải bỏ tiền túi hơn 200 triệu bảng Anh (khoảng 250 triệu USD) để giải cứu hãng hàng không Virgin Atlantic Airways Ltd. của ông trên bờ vực phá sản. Đây là minh chứng mới nhất cho khả năng đốt tiền của ngành công nghiệp hàng không mà chính Richard Branson đã nhận ra từ lâu. Ông này từng nổi tiếng với câu nói: “Nếu muốn thành triệu phú, bạn hãy kiếm 1 tỷ USD (để thành tỷ phú) rồi rót tiền vào một hãng hàng không mới”.

Rất nhiều ông trùm tỷ phú từ lâu đã ưa thích đổ tiền vào các doanh nghiệp hàng không. Tất nhiên, cũng có nhiều người phất lên trông thấy. Hãy nhìn Tony Fernandes, ông chủ của AirAsia cho đến nhà sáng lập JetBlue Airways Corp, David Neeleman; đó là những tỷ phú đã xây dựng đế chế của cải cho mình nhờ vận tải hàng không. 

Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến khiến các chính phủ phong tỏa biên giới, hàng trăm ngàn chuyến bay bị hủy và máy bay nằm la liệt ở đường băng, viễn cảnh sáng sủa đã thay đổi hoàn toàn. Virus corona đã đánh bại cả những tỷ phú từ lâu đã “lỳ đòn” với sự biến động và lợi nhuận ít ỏi từ ngành công nghiệp đòi hỏi vốn khổng lồ này.

Bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index cho thấy giá trị vốn hóa thị trường của 10 hãng hàng không lớn nhất thế giới trong tay các tỷ phú giàu bậc nhất hành tinh đã giảm mạnh 14 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay. Rất nhiều tỷ phú trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng dịch bệnh. 

Chính nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett hồi đầu năm cũng phải thừa nhận ông thua đau trong thương vụ đầu tư vào 4 hãng hàng không lớn của Mỹ, khiến Berkshire Hathaway Inc. mất khoản tiền lớn. 

"Hãy trở thành tỷ phú, sau đó mua cổ phiếu hàng không", Warren Buffett cay đắng nói về sự đốt tiền của ngành hàng không, tương tự như Richard Branson. Trước đó, có thời gian Warren Buffett từng thề không đổ thêm đồng tiền nào vào ngành hàng không. 

Latam Airlines Group, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh hồi cuối tháng 5 đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật phá sản của Mỹ. 

Đáng chú ý, trước khi dịch bệnh làm giảm mạnh nhu cầu vận tải hàng không, Latam vẫn “sống khỏe” với lợi nhuận ổn định. Năm 2019, Latam báo cáo doanh thu 10,4 tỷ USD.

Đây là hãng hàng không thứ hai của Mỹ Latinh trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 trong tháng 5. Trong khi các hãng hàng không trên thế giới nhận được nhiều khoản cứu trợ từ chính phủ, các hãng hàng không Mỹ Latinh lại bị “ghẻ lạnh” vì quan niệm đây là ngành chỉ phục vụ người giàu. 

Các cổ đông lớn của Latam bao gồm Qatar Airways (nắm giữ 10% cổ phần), gia tộc Chile Cueto và gia tộc Brazil Amaro đã đổ thêm khoản tín dụng lên tới 900 triệu USD để vực dậy hãng này nhưng tình hình vẫn rất khó khăn. 

Hồi tháng 3, nhà sáng lập JetBlue Airways Corp, tỷ phú David Neeleman cũng phải bán ra hơn 80% cổ phần sở hữu trong hãng hàng không Brazil Azul SA.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tấn công doanh thu và lợi nhuận các hãng hàng không, mà còn vạch trần những vấn đề cấu trúc doanh nghiệp hoặc căng thẳng tài chính âm ỉ bấy lâu nay. Đơn cử, hãng hàng không giá rẻ Na Uy Norwegian Air Shuttle đã phải tái cấu trúc do khối nợ khổng lồ trên lưng. 

Được đồng sáng lập bởi tỷ phú Bjorn Kos, Norwegian Air Shuttle từng có thời điểm cạnh tranh mạnh mẽ với các đại gia hàng không như British Airways trên các tuyến xuyên Đại Tây Dương. Nhưng giờ đây, khi gánh nặng nợ ngày càng phình to vì đại dịch, hãng này có thể phải huy động thêm vốn để tránh nguy cơ phá sản.

Hãng hàng không giá rẻ Châu Âu EasyJet cũng căng thẳng vì tranh chấp nội bộ. Người sáng lập và cổ đông lớn nhất của EasyJet, Stelios Haji-Ioannou đã thất bại trong việc lật đổ ban lãnh đạo điều hành để ngăn việc hãng này mua dòng máy bay Airbus SE mà ông cho rằng EasyJet không cần và cũng không đủ khả năng để mua.

Với trường hợp của gia tộc Cho tại Hàn Quốc, những người đang nắm giữ tập đoàn Hanjin Kal - cổ đông lớn của hai hãng hàng không Korean Air và Jin Air - thì tranh chấp gia tộc lại là cơ may. Cổ phiếu Hanjin Kal đã tăng vọt 143% kể từ đầu năm 2020 đến nay “nhờ” cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty trong nội bộ gia tộc.

Khi nhiều quốc gia có dấu hiệu kiểm soát thành công dịch Covid-19, nhu cầu vận tải hàng không đã bắt đầu phục hồi trở lại, thúc đẩy hy vọng làm diu đi căng thẳng tài chính của các hãng hàng không. Nhưng sự phục hồi nhu cầu yếu ớt hiện tại còn cách rất xa so với trạng thái bình thường trước khi đại dịch bùng phát.

Tại Mỹ, hãng hàng không Delta đã cắt giảm kế hoạch khôi phục một số dịch vụ sau khi làn sóng dịch Covid-19 dập tắt sự phục hồi mong manh trong nhu cầu vận tải hàng không. 

Còn Virgin Atlantic thì thừa nhận ngay cả khi tái cấu trúc thành công, hãng này sẽ chỉ thu về lợi nhuận từ năm 2022.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục