Từ vụ nông dân tử vong do va chạm với máy bay không người lái, chuyên gia hướng dẫn sử dụng drone an toàn

Trần Quang Thứ bảy, ngày 30/11/2024 12:36 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân sử dụng máy bay không người lái (drone) lâu năm, để điều khiển drone phun thuốc BVTV, bón phân, gieo giống an toàn, hiệu quả, nông dân cần được đào tạo, tập huấn kiến thức đầy đủ và thực hiện đúng theo các quy định khi dùng thiết bị bay trong sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0
Từ vụ nông dân tử vong do va chạm với máy bay không người lái, chuyên gia hướng dẫn sử dụng Drone an toàn - Ảnh 1.

Máy bay phun thuốc BVTV gây tai nạn khiến một người tử vong tại Kiên Giang ngày 20/11. Ảnh:Dương Đông

Có tình trạng nông dân sử dụng thiết bị drone tự phát

Trong 2 tháng gần đây, tại các tỉnh Long An, Kiên Giang... liên tục xảy ra tình trạng sự cố nông dân sử dụng drone phun thuốc BVTV cho lúa va chạm với đường dây điện lưới, va chạm với người dân trên cánh đồng...

Cụ thể, ngày 13/10, tại Long An, một thiết bị bay không người lái (drone) của người dân sử dụng để xịt thuốc đã vướng vào dây dẫn khoảng trụ 146-147 của Đường dây 174 Cai Lậy - 171 Tân Thạnh. Sự cố làm mất điện đường dây 110kV 174 Cai Lậy - 171 Tân Thạnh và 2 trạm biến áp 110kV Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; gây gián đoạn cung cấp điện khoảng 76.000 khách hàng trên địa bàn các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.

Sự cố nghiêm trọng hơn xảy ra tại Kiên Giang khiến một người tử vong khi va chạm với máy bay không người lái đang phun thuốc BVTV trên cánh đồng. Cụ thể, ngày 20/11, ông Bùi Văn Tùng, 49 tuổi, chạy xe máy đi giăng lưới trên đường kênh 15 (rộng hơn 2 m) đã va chạm máy bay không người lái (drone) do Mai Văn Linh, 29 tuổi, điều khiển, đang phun thuốc cho ruộng lúa.

Cánh quạt máy bay làm ông Tùng bị thương nặng ở đầu và cổ, dù được đưa tới bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên ông Tùng đã tử vong. Drone gây tai nạn nặng khoảng 20 kg, sải cánh hơn 1,5 m tính cả cánh quạt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Liêm - Giám đốc Công ty TNHH Drone Sông Hồng (Thanh Hóa) cho biết, mấy năm trở lại đây, nông dân, doanh nghiệp tích cực áp dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp, trong đó, chủ yếu nông dân dùng drone để phun thuốc BVTV, sạ giống, bón phân... cho lúa, cây ăn quả....

"Việc dùng drone đã giúp công việc sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao vượt trội so với sản xuất truyền thống. Hiện, mỗi drone hiện đại chỉ cần một người vận hành, dùng thiết bị điều khiển từ xa có thể phun, bón được hàng chục ha cây trồng. Đặc biệt, nhờ áp dụng công nghệ mới giúp bà con chăm sóc cây trồng hiệu quả hơn mà vẫn tiết kiệm được 20-30% lượng thuốc, phân", ông Liêm khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Liên, dù drone đang mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí nhưng hiện nay tại nhiều vùng, có tình trạng bà con sử dụng thiết bị tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Chúng tôi đã khảo sát nhiều vùng, nhất là tại các tỉnh vùng ĐBSCL có nhiều nông dân chạy đua theo, mua sử dụng drone để chăm sóc lúa, cây ăn quả... Nhưng không được tập huấn, đào tạo sử dụng thiết bị hay được cấp phép bay khiến thiết bị hay gặp sự cố rơi hoặc va chạm", ông Liêm nêu thực trạng và cho rằng: Drone là thiết bị rất hiện đại và xu thế tất yếu trong sản xuấn xuất nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy vậy, người sử dụng drone phải có kiến thức và phải thực hiện, đáp ứng được các điều kiện, quy định của nhà nước.

Từ vụ nông dân tử vong do va chạm với máy bay không người lái, chuyên gia hướng dẫn sử dụng Drone an toàn - Ảnh 2.

Nhân viên Công ty Drone Sông Hồng (Thanh Hóa sử dụng máy bay gieo sạ lúa giống. Ảnh: Drone Sông Hồng

Nông dân cần được đào tạo, tập huấn

Là doanh nghiệp đang sở hữu hàng chục thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất tại đơn vị và làm dịch vụ tại các địa phương, ông Lê Văn Liêm khẳng định: Toàn bộ cán bộ, nhân viên của Drone Sông Hồng và nông dân sử dụng drone luôn được đào tạo bài bản thường xuyên.

"Chúng tôi vừa cung cấp máy bay vừa tổ chức đào tạo, tập huấn cho người sử dụng drone thường xuyên 3 tháng 1 lần. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi vừa hướng dẫn sử dụng an toàn thiết bị bay, vừa cập nhật các công nghệ mới, vừa thông tin các quy định của nhà nước, các địa phương về drone. Qua đó giúp các nông dân sử dụng rrone chuyên nghiệp, hiệu quả hơn", ông Liêm tiết lộ.

Chia sẻ thêm kinh nghiệm sử dụng drone hiệu quả, ông Liêm cho rằng: Điều kiện đầu tiên là phải xin cấp phép bay từ cơ quan chức năng (Bộ Quốc phòng). Thứ hai là các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp cung cấp drone phải tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng thiết bị an toàn giúp nông dân có đầy đủ kiến thức để vận hành hiệu quả công nghệ mới.

Ông Liêm kỳ vọng Dự thảo Luật Phòng không nhân dân do Bộ Quốc phòng xây dựng, đang trình Quốc hội, đưa ra nhiều quy định chặt chẽ quản lý máy bay không người lái trong bối cảnh thiết bị này được sử dụng nhiều sẽ giúp nông dân, các doanh nghiệp sử dụng drone thuận lợi và hiệu quả hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Từ vụ nông dân tử vong do va chạm với máy bay không người lái, chuyên gia hướng dẫn sử dụng Drone an toàn - Ảnh 3.

Anh Đỗ Đức sử dụng drone chăm sóc lúa tại ruộng của gia đình ở Ninh Bình. Ảnh: TQ

Tránh lỗi chủ quan không đáng có

Từng nhiều năm sử dụng drone phun thuốc BVTV, bón phân, gieo giống, anh Đỗ Đức ở Hoa Lư (Ninh Bình) cho rằng: Vừa qua, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội có phản ánh tình trạng sử dụng máy bay nông nghiệp bị rơi khiến mọi người hoang mang, tạo tâm lý lo sợ và cho rằng sẽ khó khăn trong việc vận hành thiết bị.

Tuy nhiên, việc vận hành thiết bị bay không khó như nhiều người nghĩ, quan trọng người điều khiển phải nắm chắc các kiến thức của quá trình vận hành máy và phải kiểm tra thiết bị cẩn thận trước khi vận hành.

Theo anh Đức, như chúng ta đã biết ngoài quy tắc an toàn bay, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV thì trong quá trình vận hành rất có thể chúng ta sẽ gặp phải lỗi do chủ quan làm ảnh hưởng đến hoạt động bay.

Đơn cử như việc quên không vặn trục cánh là nguyên nhân khi khởi động và cất cánh sẽ dẫn đến tình trạng trục cánh máy bay không cố định, có thể dẫn tới va đập vào các linh kiện tiếp xúc với cánh máy bay, khi cất cánh máy bay mất kiểm soát và rơi rụng.

Hoặc bảng điểu khiển sạc pin không đầy dẫn đến tình trạng khi đang điều khiển máy bay, bảng điều khiển sẽ hết pin và có thể bị sập nguồn khiến cho người điều khiển mất khả năng kiểm soát máy bay, có nguy cơ cao xảy ra va chạm chướng ngại vật hoặc nặng hơn là rơi máy bay.

Nếu gặp trường hợp cánh bị nứt hoặc sứt mẻ sẽ làm ảnh hưởng đến độ cân bằng của máy bay trong quá trình hoạt động. Bởi vì tốc độ của cánh quạt khi quay rất lớn, khi cánh bị nứt hoặc sứt mẻ khi đang bay, máy bay sẽ bị mất cân bằng và rung lắc, ảnh hưởng tới chất lượng động cơ và khung trục, rất dễ xảy ra sự cố rơi máy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

"Như vậy khi vận hành máy bay nông nghiệp các nông dân cần hết sức lưu ý, thiết bị bay có bền hay không phụ thuộc vào sự cẩn thận của mỗi người sử dụng, làm đúng quy trình giúp cho mang lại cho chúng ta những chuyến bay an toàn và hiệu quả", anh Đức chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, anh Đức cũng lưu ý, bà con sử dụng drone cần phải thực hiện theo đúng quy định của hai Nghị định 36/2008 và 79/2011 và Nghị định 14, các thiết bị bay phải cách xa lưới điện cao áp từ 100 m trở lên, trừ trường hợp làm nhiệm vụ bảo dưỡng và sửa chữa đường dây điện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem