Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị khởi tố, bắt tạm giam
Liên quan đến vụ ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát, và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị khởi tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an), đây diễn tiến giải quyết đơn của một số người ở TP.HCM, Đồng Nai.
Họ tố giác ông Thanh, bà Uyên Phương, bà Bích và một số cá nhân có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cưỡng đoạt tài sản. Những hành vi này liên quan các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại Đồng Nai và TP.HCM.
Tháng 3/2021, C01 đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi nhận được đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Chung và Lâm Hoàng Sơn, cùng ngụ TP.HCM.
Trong đơn, ông Lâm cho rằng ông Thanh và con gái Uyên Phương cùng một số người liên quan đã có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp. Các ký kết giữa hai bên là hợp đồng giả cách, bản chất là việc vay mượn tiền.
Hợp đồng giả cách là gì?
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Hợp đồng giả cách là gì, hợp đồng giả cách có hiệu lực pháp luật?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về hợp đồng giả cách.
Tuy nhiên, có thể hiểu hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng được xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che dấu đi một giao dịch dân sự khác, thường xuất hiện trong các giao dịch về mua bán, chuyển nhượng hay vay tài sản.
Đây là một dạng hợp đồng rất phổ biến trong các giao dịch mua bán, vay vốn hoặc chuyển nhượng tài sản. Tuy nhiên, hợp đồng này có tính chất rất đặc biệt và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các bên tham gia.
Tóm lại về cơ bản, hợp đồng giả cách được sử dụng để che giấu một giao dịch dân sự khác, thông qua việc xác lập một giao dịch dân sự không có thật. Những tài sản tham gia vào hợp đồng giả cách thường có giá trị lớn, chủ yếu là bất động sản.
Luật sư Khuyên cho biết, theo quy định tại Bộ luật dân sự, một giao dịch dân sự được coi là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật khi đáp ứng các điều kiện dưới đây.
Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Tuy nhiên, đối với các giao dịch giả tạo nhằm che giấu giao dịch khác, ý chí của chủ thể tham gia giao dịch được biểu đạt ra ngoài khác với ý chí đích thực của họ và có tồn tại sự khác biệt giữa kết quả thực hiện giao dịch so với mục đích của giao dịch dân sự được xác lập. Do đó nó không đảm bảo điều kiện có hiệu lực của giao dịch hợp pháp.
Chính vì vậy, các nhà làm luật đã quy định riêng về trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo tại Điều 124 Bộ luật dân sự 2015.
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Căn cứ vào quy định trên, vị luật sư thông tin, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, giao dịch dân sự giả tạo sẽ vô hiệu, còn giao dịch thực chất vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp vô hiệu theo quy định khác của pháp luật.
Điều này có nghĩa là giao dịch được thiết lập với mục đích giả tạo sẽ không có giá trị pháp lý và không tác động đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào giao dịch đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.