Từ vụ thảm án ở Đan Phượng, nghĩ về nguồn cơn của mâu thuẫn

Đình Việt ghi Thứ hai, ngày 02/09/2019 17:10 PM (GMT+7)
Thực tiễn cho thấy không ít những vụ việc tranh chấp đất đai, dân sự không được thụ lý giải quyết đúng đắn, triệt để dẫn đến những vụ án đau lòng.
Bình luận 0

Sáng ngày 1/9, người dân cả xã Hồng Hàm huyện Đan Phượng (Hà Nội) náo loạn bởi thông tin Nguyễn Văn Đông dùng dao truy sát cả nhà em trai ruột của mình.

Nạn nhân gồm ông Nguyễn Văn Hải (51 tuổi, trú tại xã Hồng Hà, em trai Đông); bà Doãn Thị Việt (49 tuổi, vợ ông Hải); chị Nguyễn Thị Bắc (31 tuổi, con gái ông Hải); chị Đỗ Thị Nhung (24 tuổi, con dâu ông Hải) và cháu Nguyễn Huyền My (1 tuổi, cháu nội ông Hải).

img

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. 

Đến thời điểm này, chị Đỗ Thị Nhung vẫn đang được các bác sĩ tích cực điều trị, còn 4 người thân khác của chị đều đã tử vong vì những nhát dao oan nghiệt của người bác chồng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn đất đai giữa 2 anh em.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, những vụ việc tranh chấp đất đai, thừa kế giữa anh em ruột trở thành những vụ án mạng, gọi là những vụ án “Nồi da nấu thịt”, “Huynh đệ tương tàn”... xảy ra không ít.

Tuy nhiên, vụ việc xảy ra tại Đan Phượng, Hà Nội mà hung thủ là Nguyễn Văn Đông là một vụ án kinh hoàng, nhiều người cảm thấy rùng mình, ghê rợn. Hành vi của đối tượng hết sức tàn nhẫn, mất nhân tính, thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn cao độ.

Đối tượng cho thấy hắn quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, với dã tâm là giết nhiều người. Bởi vậy chắc chắn đối tượng này sẽ bị xử lý về tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Vụ án mạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Nhận thức về pháp luật và xã hội còn hạn chế, thêm vào đó là lòng tham và thói ích kỷ cao độ, bản tính côn đồ, hung hãn khi nghĩ rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Đáng lẽ ra đối tượng có thể khởi kiện để được tòa án giải quyết tranh chấp về đất đai, thừa kế. Tuy nhiên, đối tượng này đã không lựa chọn cách thức mà pháp luật cho phép mà lại thực hiện hành vi “tự xử” hết sức manh động, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Suy cho cùng, đối tượng sẵn sàng ra tay giết hại nhiều người là bởi lòng tham và sự ích kỷ cao độ, thêm vào đó là đạo đức xuống cấp, văn hóa thấp kém, ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác khiến cho đối tượng dễ dàng xuống tay sát hại nhiều người mà không run tay.

Những đối tượng này thường rất nỏng nảy, hung hãn, sẵn sàng dùng vũ lực tấn công, đàn áp người khác. Khi lòng tham, sự ích kỷ cộng hưởng với ý thức coi thường tính mạng người khác sẽ bùng phát trở thành những vụ thảm sát đẫm máu.

img

Đối tượng Đông (gạch đỏ) tại cơ quan công an. 

Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án thảm sát rùng rợn như thế này cần phải tăng cường hiệu quả của giáo dục để nâng cao vấn đề nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trau dồi đạo đức, ý thức của mỗi công dân.

Đồng thời tác động đến nhận thức của người dân để ý thức tôn trọng người khác trở thành một nét văn hoá, thành thói quen trong ứng xử hàng ngày mới có thể giảm bớt được những hành vi tấn công, gây tổn thương người khác.

Theo luật sư  Cường, thực tiễn cho thấy không ít những vụ việc tranh chấp đất đai, dân sự không được thụ lý giải quyết đúng đắn, triệt để dẫn đến những vụ án đau lòng. Khi án mạng xảy ra, đối tượng trực tiếp gây án sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên một số cán bộ thờ ơ, tắc trách dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp lên đến đỉnh điểm vẫn “vô can”, không phải chịu trách nhiệm đối với những vụ án này mặc dù họ cũng là một nguyên nhân sâu xa, gián tiếp thúc đẩy tranh chấp lên đến đỉnh điểm...

Những tranh chấp dân sự phổ biến là tranh chấp về đất đai, thừa kế, kiện đòi tài sản. Tuy nhiên sự hiểu biết và mức độ nhận thức của đa số người dân nói chung về thủ tục giải quyết những tranh chấp dân sự này còn rất hạn chế. Rất nhiều trường hợp người dân không biết phải kiện tụng như thế nào, thủ tục ra sao, ai sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Theo quy định của pháp luật, những tranh chấp về quyền sử dụng đất bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải ở cơ sở. Nếu vụ việc tranh chấp đã được hòa giải nhưng hòa giải không thành, các đương sự mới được quyền gửi đơn tới Chủ tịch UBND cấp quận, huyện (với đất đai không có giấy tờ) hoặc khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, rất nhiều người dân không biết về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai, khi có tranh chấp  xảy ra thường sẽ gửi đơn tới UBND cấp xã hoặc tới UBND cấp huyện để được giải quyết hoặc gửi đơn đến tòa án nhưng không đủ điều kiện thụ lý...

Đáng lẽ ra, khi phát hiện được những vụ việc tranh chấp, mẫu thuẫn căng thẳng ở địa phương thì chính quyền địa phương, đơn vị hòa giải cơ sở phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, tổ chức hòa giải theo quy định.

Trong trường hợp hòa giải không thành, không có kết quả thì phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có những giải pháp phòng ngừa, đồng thời hướng dẫn các đương sự thủ tục khởi kiện đến tòa án để được giải quyết kịp thời, nhanh chóng theo thẩm quyền, thủ tục luật định.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ cấp cơ sở do trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế, ngại va chạm, thậm chí vô cảm, thiếu trách nhiệm dẫn đến việc người dân không biết phải đi đâu, làm gì khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.

Giải quyết tranh chấp đất đai, thừa kế là một thủ tục tương đối phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên không phải đương sự nào cũng có đầy đủ giấy tờ, điều kiện để tòa án thụ lý. Bởi vậy, khâu tiếp nhận đơn thư, thụ lý hồ sơ khởi kiện đòi hỏi trách nhiệm, đạo đức của cán bộ tòa án là rất cao.

Có vụ án mạng đã xảy ra xuất phát từ việc bế tắc trong hướng giải quyết tranh chấp dân sự, trong đó không ít những vụ việc xuất phát từ lỗi của cán bộ có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết các vụ việc tranh chấp dân sự đó.

Việc giải quyết không kịp thời, không triệt để, không khách quan, không công bằng sẽ không giải quyết được mâu thuẫn tranh chấp mà chỉ làm cho mâu thuẫn, tranh chấp đó đi đến đỉnh điểm, xung đột, án mạng có thể xảy ra.

Bởi vậy  sau những vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp không được giải quyết kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức hòa giải, giải quyết tranh chấp.

Việc này cũng phát hiện, xử lý, loại bỏ các cán bộ thiếu lương tâm, trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, giảm thiểu những hệ quả đau lòng đã và đang xảy ra trong xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem